Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tin tức - Sự kiện 15/09/2023 10:39
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình hoạt động của các DNNN; những kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm; nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, gây cản trở quá trình phát triển của DNNN. Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp; giải đáp các ý kiến, kiến nghị, đề ra nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DNNN.
Các đại biểu đánh giá, thực hiện lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp nói chung, trong đó có DNNN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển. Tuy nhiên, vẫn có những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, nhất là về thể chế, quy hoạch, đất đai, tài sản, thủ tục đầu tư, lao động tiền lương…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc |
Đề nghị cần có khung pháp lí đủ mạnh để phát huy tối đa nguồn lực của DNNN nhằm phát triển KT-XH; trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho DNNN; có cơ chế đặt hàng các DNNN thực hiện nhiệm vụ chính trị; cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về quản lí, sử dụng vốn, tài sản, nhà đất của DNNN… Đặc biệt, đề nghị có cơ chế miễn trừ trách nhiệm nếu tại DNNN có hạn chế, yếu kém nhỏ, không vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, trong khi kết quả tổng thể vẫn đạt hiệu quả cao…
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ các khó khăn và mong muốn các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục chung sức, đồng lòng để tháo gỡ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trên tinh thần “người dân, doanh nghiệp, Nhà nước - lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm cho doanh nghiệp”; yêu cầu theo dõi sát diễn biến tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bao gồm tháo gỡ cả những vấn đề đã tích tụ nhiều năm; đưa ra các chính sách sát thực tế, mang tính khả thi và hiệu quả cao.
Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan đồng hành, kề vai, sát cánh cùng doanh nghiệp; phát huy tinh thần đại đại đoàn kết, bản sắc văn hóa, đạo đức kinh doanh, tinh thần tự lực, tự cường, biến cái không thể thành có thể để đi lên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước và đóng góp của doanh nghiệp để xây dựng, phát huy vai trò của DNNN; tiếp tục hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn, huy động nguồn lực của DNNN, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Đối với các DNNN, Thủ tướng yêu cầu tăng cường đóng góp xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng; kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) và chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021 - 2030).
Đồng thời với thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp sát với tình hình thực tế, các doanh nghiệp cần tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa đối với các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, nhất là đối với 3 đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng xác định, trong đó có các dự án cao tốc, dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, dự án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội… Cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm; cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đối với các ngành mới nổi như: Kinh tế số, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nhất là người đứng đầu), Chủ tịch Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các DNNN…