Cần giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tin tức - Sự kiện 29/05/2024 17:28
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung nêu trên trong Tờ trình của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.
Trong đó, cần lưu ý các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, tỉ giá và các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống Nhân dân và sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; Các giải pháp cải thiện thị trường tiền tệ, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, khôi phục sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay. Các giải pháp khắc phục những hạn chế trong phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, quản lí điều hành thu chi ngân sách nhà nước, bảo đảm cân đối ngân sách, an ninh tài chính ngân sách quốc gia…
Về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về kết quả đạt được, bất cập, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp để thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí…
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) |
Thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng, hiện nay hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế. Theo Báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng trong giai đoạn năm 2015 đến năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm 2024 thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là những yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ĐB Thi đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng…
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội trường |
Còn ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu ý kiến, nên sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Đề nghị Quốc hội có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển. Hai là, cần có cơ chế chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ba là, sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, giảm thời gian chi phí tuân thủ và các chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cung cấp thông tin hỗ trợ, pháp lí, kĩ thuật, kĩ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển…/.