Thương hiệu nào từng được mệnh danh “đệ nhất Phở Hà Nội”
Nhịp sống văn hóa 13/01/2021 17:29
Từ 6h sáng ngày 8/1, tại một địa điểm “xưa thật là xưa” trong con ngõ nhỏ số 57 phố Tràng Tiền, Hà Nội, hương thơm đặc trưng của nước dùng phở đã dậy mùi khắp không gian, chờ đón những thực khách đầu tiên. Ngày này cũng đánh dấu một thương hiệu phở lừng danh: phở Bodega, từng được tôn vinh “Đệ nhất phở Hà Nội” đã được hồi sinh.
“Vang bóng một thời” thương hiệu Bodega
“Bodega” – trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là hầm rượu vang, nơi bán rượu vang. Còn trong ký ức của biết bao những thế hệ người Hà Nội xưa, những người được sinh ra từ đầu thế kỷ XX, Bodega là một cái tên gắn với nhà hàng sang trọng, với các món ăn, món bánh, món kem mang phong cách châu Âu, tọa lạc tại phố Tràng Tiền – con phố đầu tiên được trải nhựa của Hà Nội.
Ra đời từ những năm 1930, với những ông chủ đầu tiên là người Pháp, người Ấn Độ, và sau những thăng trầm của lịch sử, cái tên Bodega vẫn được giữ lại và tồn tại đến ngày nay. Trong lịch sử của nó, Bodega luôn là nơi quy tụ những đầu bếp lành nghề, những nghệ nhân ẩm thực hàng đầu, tạo nên một thương hiệu ẩm thực, dịch vụ ăn uống nổi tiếng và cao cấp rất đặc trưng của Hà Nội.
Đặc biệt, từ 1984, Bodega có thêm một sản phẩm ẩm thực quen thuộc, đó là Phở. “Phở bodega” ra đời và ngay lập tức đã trở thành một thương hiệu ẩm thực chất lượng. Đầu bếp Lê Văn Vinh – học trò của nghệ nhân Ngô Gia Khê – nghệ nhân ẩm thực số 1 miền Bắc một thời – đã gắn bó với Bodega lâu năm, nhớ lại: “Ngày đó, mỗi ngày tiệm Phở bodega bán trung bình 80kg bánh phở mỗi buổi sáng, khách chờ thưởng thức phở bodega đứng xếp hàng dài trong ngõ số 57 Tràng Tiền”.
Năm 2002, trong cuộc thi chính thức do Công đoàn Sở Thương Mại Hà Nội tổ chức, những thương hiệu phở nổi tiếng nhất của Hà Nội đã quy tụ và thi tài. Phở bodega cử 2 đội tham gia và đều đạt giải đặc biệt, trong đó có một đội của đầu bếp Lê Văn Vinh. “Phở bodega đã được vinh danh ‘Đệ nhất Phở Hà Nội’ từ thời đó”, ông Vinh nhớ lại.
Do nhiều yếu tố khách quan, thương hiệu Phở bodega đã có thời gian vắng bóng hẳn trên thị trường, để lại không ít tiếc nuối trong lòng những thực khách yêu phở đất Hà Thành và cả những đầu bếp từng gắn bó với Bodega lâu như ông Vinh.
“Phở bodega” trở lại
Mới lãnh trách nhiệm làm Giám đốc Công ty Cổ phần Bodega từ tháng 8/2020, anh Vũ Văn Tâm mong muốn mang lại những thay đổi hiệu quả cho công ty, cho thương hiệu. Trong quá trình tìm hiểu lịch sử, anh Tâm - một người yêu ẩm thực và món phở - đã đặc biệt chú ý đến một sản phẩm chất lượng hảo hạng “Đệ nhất” của công ty nhưng đã mai một, đó chính là “Phở bodega”.
“Lợi nhuận hay hiệu quả kinh tế không phải là mục tiêu tối thượng mà chúng tôi hướng tới khi khôi phục lại thương hiệu nổi tiếng “Phở bodega”. Đằng sau quyết tâm hồi sinh “đệ nhất phở Hà Nội” của chúng tôi là mong muốn giữ gìn, lan tỏa một món ăn được coi là tinh hoa ẩm thực, linh hồn của ẩm thực Việt Nam. Các nghệ nhân, đầu bếp có tâm huyết và những bí quyết cần truyền lại, còn chúng tôi có thừa lòng tự hào và tình yêu về món ăn này. Từ “Phở” đã có mặt nguyên bản trong từ điển của các ngôn ngữ khác, đó là một niềm tự hào chứ. Vì vậy, không chỉ là hồi sinh, khôi phục, mà chúng tôi còn muốn thương hiệu “phở bodega” sẽ phát triển và trường tồn”, anh Tâm chia sẻ.
Chính thức trở lại thị trường từ ngày 8/1/2020, “Phở bodega” sẽ là một lựa chọn “mới mà xưa cũ” dành cho những thực khách yêu và thích thưởng thức món phở trong một không gian rộng rãi, đậm phong cách “bodega” tại 57 Tràng Tiền. Anh Tâm cho biết, “Bodega chưa có kế hoạch mở rộng thành ‘chuỗi’ Phở bodega đâu, mà quyết tâm làm thật tốt tại một địa chỉ 57 Tràng Tiền, góp phần gìn giữ tinh hoa ẩm thực của thủ đô, phục vụ người dân thủ đô và giới thiệu tới du khách”.
Đầu bếp đạt giải đặc biệt năm nào, Lê Văn Vinh, đã được mời trở lại đồng hành với phở bodega. Vẫn là những nguyên liệu hảo hạng, với hương vị, hình thức trình bày, kỹ năng chế biến… đậm chất “đệ nhất”, vẫn là những tiêu chuẩn nấu phở rất ngặt nghèo để tạo nên một bát phở đúng nghĩa, xuất sắc, phở Bodega – một “món ngon nhớ lâu” – khi hồi sinh sẽ góp phần giữ gìn tinh túy và linh hồn của ẩm thực Việt.
“Một bát phở ngon thì bánh phải mềm, không được bở; cách thái bánh cũng phải tính toán cho vừa miệng thực khách; thịt phải mềm không được khô; nước trong, ngọt, để lại hậu vị; hành, rau thơm phải tươi, hành cho vào phở là hành quế có vị thơm, khi chần làm sao cho cọng hành ngoài mềm trong giòn và vẫn giữ được vị ngọt. Và quan trọng nhất là nguyên liệu phở phải tươi, ngon, dùng xương ninh thật, không dùng mì chính hay đường hóa học” Nguồn: Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết |