Độc đáo nền văn hóa ẩm thực Hà Giang
Tin tức - Sự kiện 31/12/2024 07:42
Đoàn không chỉ được chiêm ngưỡng những phong cảnh tuyệt đẹp của vùng cao, mà còn khám phá văn hóa, con người và những giá trị bền vững tại nơi đây, trong cái lạnh buốt giá 2–6 độ C của vùng đất cực bắc, địa đầu Tổ quốc.
Đoàn chụp ảnh cùng ông Ogura, một người Nhật Bản yêu mến văn hóa ở Lô Lô Chải |
Thành viên của đoàn là những cá nhân đam mê thiên nhiên và văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam. Điển hình là nữ chủ nhân chuỗi nhà hàng dân tộc nổi tiếng tại Hà Nội: A Bản và Bản Quán, người không ngừng tìm kiếm và khám phá những nguyên liệu đặc trưng của ẩm thực dân tộc. Với mong muốn giản dị nhưng đầy hoài bão: “Đưa ẩm thực miền núi Việt Nam đến một không gian tuyệt vời ở Hà Nội,” cô đã nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ đó. Chỉ trong ba năm, chuỗi nhà hàng A Bản đã gặt hái thành công đáng kể, được Michelin đề cử hai năm liên tiếp, khẳng định dấu ấn của ẩm thực miền núi Việt Nam trên bản đồ ẩm thực quốc gia và vươn tầm quốc tế. Mỗi món ăn tại đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa những công thức chế biến lâu đời, nguyên liệu trồng từ khắp các vùng miền Bắc, và bàn tay tài hoa của các đầu bếp người Việt, mang đến những trải nghiệm ẩm thực chân thực trong không gian đậm đà bản sắc dân tộc.
Đoàn có sự tham gia của các bếp trưởng từ chuỗi nhà hàng A Bản và Bản Quán, những người đã được nuôi dưỡng và gắn bó với hương vị dân tộc từ thuở nhỏ. Các món ăn tại đây luôn mang lại sự phong phú, hấp dẫn và mới lạ với cách chế biến công phu, được phục vụ trong không gian đậm chất văn hóa vùng cao.
Không thể không nhắc đến nữ nhà thiết kế thời trang thương hiệu La Phạm, người đã đưa lụa và thổ cẩm Việt Nam tỏa sáng tại các sự kiện thời trang quốc tế. Tại UN – DRESS, chương trình thời trang bền vững lớn nhất tại Thụy Sĩ, cô đã giới thiệu bộ sưu tập “Invitation of Nature” lấy cảm hứng từ thổ cẩm và chất liệu dân gian Việt Nam. Những thiết kế của cô sử dụng chất liệu tự nhiên như lá dứa, gai, lụa... kết hợp với họa tiết thổ cẩm và sáp ong, tất cả đều được dệt, vẽ thủ công bởi bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề ở các làng dệt truyền thống như Mai Châu, Hòa Bình. Đây là một phần trong dự án Empower Women Asia, nơi cô cùng cộng đồng hỗ trợ phát triển nghề dệt truyền thống Việt Nam.
Đoàn chụp ảnh dưới chân cột cờ Lũng Cú |
Bên cạnh đó, đoàn còn có sự góp mặt của nhà nghiên cứu và giảng viên du lịch bền vững, những người không ngừng đóng góp tri thức và kinh nghiệm vào sự phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bền vững tại các vùng sâu, vùng xa. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân địa phương mà còn góp phần gìn giữ và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Đoàn còn là sự hội tụ của những nhà báo đam mê khám phá những giá trị sâu sắc từ những con người bình dị nhưng có đóng góp to lớn cho cộng đồng và các vùng khó khăn. Đó là cựu chuyên gia đã làm về công tác tộc trong nhiều năm; một nữ doanh nhân làm trà từ Trà Nhà Vân luôn trăn trở và mong muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững của các vùng nguyên liệu trà địa phương. Bên cạnh đó, còn có những bạn trẻ làm marketing và truyền thông, năng động, sáng tạo và không ngừng nỗ lực truyền tải những giá trị tuyệt vời về thiên nhiên và văn hóa vùng cao đến công chúng.
Đoàn tặng quà cho các em bé dân tộc vùng cao |
Một trong những hoạt động nổi bật trong chuyến đi là các buổi giao lưu ẩm thực giữa các bếp trưởng và các đầu bếp gia đình tại homestay Cực Bắc. Đây là một hoạt động cộng đồng thường niên của A Bản, với mục tiêu nâng cao tay nghề nấu nướng cho đồng bào dân tộc, giúp họ cải thiện chất lượng món ăn và phục vụ du khách tốt hơn. Các bếp trưởng của A Bản đã chế biến những món ăn đặc sắc hoàn toàn từ nguyên liệu địa phương trong cái lạnh khắc nghiệt của vùng cực Bắc, đồng thời chia sẻ những ý tưởng về việc khai thác nguyên liệu truyền thống một cách bền vững.
Chuyến đi cũng mang đến những món quà ý nghĩa cho các trẻ em dân tộc tại Trường mầm non Lũng Cú, với hơn 320m2 thảm xốp trải sàn, 300 bát ăn chống nóng, 200 gối ngủ và hơn 100 con thú bông cùng bánh kẹo. Những món quà không chỉ mang tính vật chất mà còn là sự chia sẻ về những nhu cầu lâu dài của trường học và các điểm trường ở khu vực khó khăn. Đoàn đã làm việc với lãnh đạo trường, tìm hiểu thêm về các nhu cầu cụ thể với mong muốn có thể hỗ trợ nâng cao điều kiện ăn ở và giáo dục cho trẻ em các vùng bản xa hơn.
Ấn tượng người nghệ nhân 90 tuổi vẽ sáp ong |
Một điểm đến thú vị trong hành trình là hợp tác xã lanh Lùng Tám, nơi đoàn khám phá quy trình dệt lanh truyền thống của người H’Mông và những sản phẩm độc đáo làm từ sáp ong. Những người phụ nữ H’Mông tại đây không chỉ duy trì nghề truyền thống mà còn mang đến những nét vẽ mộc mạc nhưng đầy sáng tạo trong từng sản phẩm của mình.
Chuyến đi cũng là dịp để đoàn gặp gỡ nhiều cá nhân truyền cảm hứng, như ông Ogura Yasushi, người Nhật Bản gắn bó với du lịch cộng đồng tại Hà Giang suốt hơn 10 năm, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về việc phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó là những câu chuyện đầy động lực từ cô gái trẻ Dìu Thị Hương, chủ quán café và homestay Cực Bắc, Lô Lô chải, Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang, người đã từ bỏ cơ hội phát triển sự nghiệp tại Hà Nội để trở về quê hương gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.
Đoàn có cơ hội gặp gỡ lãnh đạo huyện Đồng Văn, những con người tận tâm đồng hành cùng nhân dân địa phương, chia sẻ những thông tin về những khu vực còn nhiều khó khăn và kêu gọi giải pháp hỗ trợ thiết thực. Buổi tối ấm cúng bên bếp lửa hồng, chúng tôi nâng chén rượu vùng cao, lắng nghe câu chuyện của trưởng thôn Lô Lô, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang – anh Anh Sình Dỉ Gai. Với hơn một thập kỷ tận tụy, anh đã kiến tạo và phát triển phong trào du lịch cộng đồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân.
Những doanh nhân trẻ như anh Đại, anh Đức, từ miền xuôi lên lập nghiệp tại làng Thèn Pả, Lũng Cú, Đồng Văn nằm dưới chân núi Rồng, nơi đặt cột cờ Lũng Cú, hay cô gái đầy nghị lực người H’Mong Vàng Thị Dế, tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa.. đều thể hiện tinh thần kiên trì và quyết tâm vượt khó để xây dựng cộng đồng. Câu chuyện của họ khơi mở những hướng đi mới, đầy hứa hẹn cho du lịch cộng đồng tại các bản làng vùng đất Hà Giang.
Vàng Hồng, chàng trai người H’Mông, chủ nhân của Lao Xa Homestay, Đồng Văn, Hà Giang - đã khéo léo ứng dụng công nghệ, lập fanpage quảng bá hình ảnh làng cổ Lao Xa. Anh kể câu chuyện đầy sức hút về nghề làm bạc truyền thống và mùa hoa đào nở sớm nhất Hà Giang, biến nơi đây thành điểm đến không thể bỏ qua mỗi mùa xuân. Những nỗ lực không ngừng của họ đang thổi làn gió mới, làm rạng rỡ hơn bức tranh du lịch cộng đồng tại Hà Giang.
Những cuộc gặp gỡ với lãnh đạo và người dân địa phương đã mang đến cho đoàn những góc nhìn sâu sắc hơn về những thách thức và nhu cầu cấp bách mà họ đang đối mặt. Từ đó, chúng tôi đã khơi nguồn cảm hứng cho những sáng kiến hỗ trợ phát triển bền vững vùng đất này. Những nỗ lực không chỉ dừng lại ở việc thấu hiểu, mà còn hướng đến việc kết nối cộng đồng với các tổ chức, tạo điều kiện để các cá nhân và doanh nghiệp địa phương tiếp cận nguồn lực cần thiết, góp phần kiến tạo tương lai tươi sáng hơn cho nơi đây.
Chuyến đi Hà Giang của đoàn “A Bản và những người bạn” không chỉ là cơ hội để các thành viên chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao, mà còn là lời nhắc nhở ý nghĩa về giá trị của sự kết nối và sẻ chia. Phát triển du lịch bền vững không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy kinh tế, mà còn là cách để bảo tồn bản sắc văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến thế hệ mai sau. Với sự chung tay của nhà nước, các tổ chức và cá nhân, cùng tinh thần học hỏi và sáng tạo của thế hệ trẻ, tương lai của các bản làng miền núi phía Bắc chắc chắn sẽ rạng rỡ hơn. Và trong những hành trình tiếp theo, chúng ta hy vọng rằng sẽ còn nhiều câu chuyện đẹp như thế được viết nên, gắn kết con người với thiên nhiên và văn hóa vùng cao theo cách bền vững và trọn vẹn nhất.