Thầy và trò trường vùng biên dồn lực ôn thi ‘vượt vũ môn’ THPT
Giáo dục 07/06/2024 09:55
Động viên, khích lệ tinh thần
Năm học 2023-2024, Trường THPT Quan Sơn có 6 lớp 12, với tổng số 202 học sinh. Trong số này, có 4 em đăng ký dự thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, còn lại 198 học sinh dự thi tổ hợp Khoa học xã hội.
Theo thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng nhà trường, công tác ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh cuối cấp được triển khai từ đầu tháng 2 vừa qua, và được phân chia theo từng giai đoạn. Trong đó, từ đầu tháng 2 đến ngày 25/5/2024, nhà trường bố trí 3 buổi chiều mỗi tuần để ôn thi tất cả các môn. Sau ngày 25/5 là giai đoạn về đích, sẽ tập trung ôn tập theo nhóm năng lực của học sinh.
Giờ ôn tập môn Địa lý của cô, trò Trường THPT Quan Sơn |
“Việc ôn thi theo nhóm năng lực học sinh được nhà trường căn cứ vào kết quả đánh giá của năm và kết quả thi khảo sát của Sở GD&ĐT. Trên cơ sở đó để điều chỉnh lại chương trình ôn tập và nội dung giảng dạy cho phù hợp. Hiện tại, việc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp được diễn ra vào các buổi sáng trong tuần, trừ Chủ nhật. Riêng chiều thứ Sáu hàng tuần, giáo viên tập trung ôn luyện cho nhóm học sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng”, thầy Đạo chia sẻ.
Thầy Đạo cho biết, kế hoạch ôn thi ở giai đoạn nước rút sẽ kết thúc trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra khoảng 2 ngày, nhằm giúp các em thả lỏng tinh thần, chuẩn bị tốt các điều kiện, sẵn sàng cho kỳ thi.
Đối với học sinh thuộc khu vực vùng núi, khó khăn lớn nhất trong công tác ôn tập theo thầy Đạo là tâm lý học sinh rất dễ bị xao nhãng. Vì vậy, thầy cô phải quan tâm, thường xuyên đôn đốc các em trong việc ôn luyện. Ngoài ra, việc phối kết hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh cũng gặp khó khăn do điều kiện hoàn cảnh, nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình.
“Hồi cuối tháng 4 vừa qua, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh nhằm tăng cường sự phối hợp. Đối với một bộ phận học sinh chưa vững vàng tâm lý, dễ bị lôi kéo bỏ học đi làm, nhà trường phải động viên, phân tích để các em nhìn nhận ra vấn đề”, thầy Đạo thông tin.
Ngoài dồn lực ôn thi tốt nghiệp THPT, Trường THPT Quan Sơn cũng phối hợp với lực lượng công an, Huyện Đoàn Quan Sơn xây dựng “Cổng trường an toàn”. Đồng thời, tuyên truyền đến tận bản, làng nhằm giúp học sinh tham gia giao thông an toàn khi mùa thi đang cận kề.
Sẵn sàng cho kỳ thi
Thầy Đạo cho biết, một trong những thuận lợi của nhà trường trong việc triển khai ôn thi tốt nghiệp THPT là đội ngũ thầy cô được phân công nhiệm vụ đều là giáo viên cốt cán, giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, hầu hết giáo viên nhận nhiệm vụ đều sinh sống gần trường nên rất thuận lợi trong việc triển khai kế hoạch ôn tập.
“Nhà trường tạo mọi điều kiện để giáo viên triển khai việc ôn tập cho học sinh đạt hiệu quả tốt nhất. Với học trò, cũng không gia tăng thêm áp lực mà tập trung ôn luyện dựa trên lực học của các em”, thầy Đạo chia sẻ.
Cô Hà Thị Khuyên hướng dẫn trò làm bài trong giờ ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. |
Ở giai đoạn nước rút, cô Hà Thị Khuyên (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Quan Sơn) tập trung cho học sinh hệ thống lại kiến thức cơ bản và dành thời gian luyện đề. “Với thời lượng mỗi lớp là 4 tiết/tuần, tôi cho học sinh luyện đề trong 120 phút, tương đương với thời gian thi thật nhằm giúp các em phân chia thời gian hợp lý cho các phần. Các tiết còn lại, giáo viên tập trung chữa đề, sửa lỗi cho học sinh. Về cơ bản, đến thời điểm này, cô và trò đã sẵn sàng cho kỳ thi”, nữ giáo viên bộc bạch.
Theo cô Khuyên, với học trò vùng núi cao như Quan Sơn, điểm đầu vào của các em thuộc nhóm thấp nhất toàn tỉnh, khả năng tiếp thu bài không đồng đều. Vì vậy, giáo viên có phần vất vả hơn trong việc kiểm tra đánh giá, phân nhóm học sinh để có phương pháp ôn luyện phù hợp.
Với nhóm học sinh có lực học yếu, giáo viên tập trung hướng dẫn các em nắm chắc kiến thức, phương pháp làm bài câu hỏi nhận biết, thông hiểu của phần Đọc hiểu. Với câu 1 phần Làm văn, phải đảm bảo đúng hình thức, cấu trúc đoạn văn, đúng dung lượng và đúng vấn đề. Với câu 2 của phần này, có thể không trình bày được phần lệnh phụ nhưng phải viết đúng cấu trúc bài văn, xác định được vấn đề nghị luận, khái quát được tác giả, tác phẩm, vị trí và nội dung đoạn trích, nêu sơ lược được nội dung và nghệ thuật đoạn trích trong đề bài.
Nhóm học sinh lực học trung bình cần đạt được tiêu chí viết đúng, đủ. Với các em có lực học Khá trở lên, giáo viên tập trung giúp các em chau chuốt hơn trong diễn đạt ngôn từ, đảm bảo bài viết vừa đúng, đủ, có chiều sâu.
“Đối với Quan Sơn, hầu hết học sinh đi học xa, thời tiết thất thường nên ban đầu, độ chuyên cần chưa cao. Vì vậy, thầy cô vừa “dạy” vừa “dỗ”, kết hợp nhiều cách để khích lệ tinh thần; lập bảng theo dõi kết quả luyện đề theo tuần, tháng để nhận biết mức độ tiến bộ của các em, từ đó động viên các em nỗ lực cố gắng”, cô Khuyên chia sẻ.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, thầy và trò nhà trường đặt mục tiêu giữ vững tỷ lệ đỗ tốt nghiệp như năm học trước (đạt từ 97-98%)”, thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn thông tin. |