Nhớ và... quên!
Trong mắt người già 21/05/2024 15:36
Hãy vào các từ khoá quen thuộc như tỉ lệ chọi, tên trường THPT, nguyện vọng 1,2… làm nhiều học sinh cũng như cha mẹ các em mất ăn mất ngủ. "Đấu trường" này rất cam go từ nhiều năm trước, nay càng nóng, bởi mỗi học sinh lớp 9 phải loại 2 - 3 "đối thủ" mới giành được suất vào lớp 10 trường THPT công lập.
Tại Hà Nội, trong số hơn 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm nay (tăng gần 4.000 em so với năm học trước), chỉ có gần 82.000 học sinh được tuyển vào lớp 10 công lập. Như vậy, hơn 51.000 em phải chọn phương án khác, vào trường dân lập, hoặc tìm việc làm... TP Hồ Chí Minh có hơn 111.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 trường công lập cũng chỉ hơn 72.000; số không vào được trường công lập gần 39.000 em.
Còn ở Đà Nẵng, năm học này có trên 18.300 học sinh lớp 9, nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 trường công lập chỉ hơn 11.000 em... Như vậy, gần 7.000 học sinh lớp 9 ở Đà Nẵng sau tốt nghiệp phải đăng kí học lớp 10 ngoài công lập. Con số ấy cứ tưởng nhỏ so với con số 40.000 đến 50.000 học sinh bị "loại" khỏi trường công ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng nếu so với tỉ lệ dân số (xấp xỉ 1 triệu người) của Đà Nẵng và gần 10 triệu người ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh thì tỉ lệ "chọi" vào lớp 10 của học sinh Đà Nẵng cao hơn nhiều.
Một nghịch lí là, trong khi hệ thống hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội tại các đô thị đã, đang thay đổi, phát triển nhiều lần, nhưng trường công lập cho con trẻ lại không tăng. Lỗi này thuộc về các Sở Giáo dục và Đào tạo hay do công tác quản lí nhà nước, quản lí quy hoạch lỏng lẻo, thiếu khoa học dẫn đến nông nỗi này.
Quá trình đô thị hoá của 3 thành phố nói trên với sự ra đời của rất nhiều khu dân cư, khu đô thị mới... nhưng lãnh đạo, các cơ quan chức năng, nhà đầu tư lại "quên" xây dựng trường học. Vấn đề này từng được nhiều đại biểu HĐND 3 thành phố trên nói rất nhiều, rất gay gắt tại các kì họp, nhưng ai nói cứ nói, còn làm thì lãnh đạo “quên” ngay sau đó.
Thiếu trường học công lập, vô hình trung tạo áp lực cho học sinh và cả cha mẹ các em. Với thu nhập ít ỏi, cùng giá cả thị trường “leo thang”, phần lớn công chức, viên chức, người lao động ở 3 thành phố nói trên nếu cho con học trường dân lập với mức đóng góp nhiều như hiện nay thì không nhà nào chịu nổi. Trong tình thế bất đắc dĩ, các ông bố, bà mẹ có con thi vào lớp 10, đành phải cùng con ra “đấu trường”.
Nếu nhìn sâu hơn, việc “quên” xây trường công lập ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy đạo đức của người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan chức năng, cơ quan quản lí nhà nước có… vấn đề. “Đấu trường” thi cử vô hình trung đẩy vấn nạn học thêm, dạy thêm lên “đỉnh” mới; đẩy nhiều gia đình thành hộ nghèo, chưa nói đến các tiêu cực khác đã và đang xảy ra.