Thấy gì qua gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỉ USD của Mỹ?
Quốc tế 11/03/2021 09:45
Các nhà lập pháp kì vọng đạo luật sẽ được kí ban hành trước ngày 14/3 thời điểm các trợ cấp thất nghiệp bổ sung hiện tại sẽ tới hạn. Một mặt, gói cứu trợ khổng lồ này có thể góp phần khắc phục hệ quả của đại dịch Covid-19 và xây dựng uy tín của ông Joe Biden. Mặt khác, nó cũng để lộ những chia rẽ trong nội bộ và đặt ra một số vấn đề mà Washington cần sớm giải quyết.
Cú hích cần thiết
Thứ nhất, gói cứu trợ 1.900 tỉ USD này được kì vọng sẽ tạo ra cú hích lớn cho quá trình phục hồi nền kinh tế Mỹ trước đại dịch Covid-19. Về mặt cá nhân, gói cứu trợ bao gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho người Mỹ có thu nhập ít hơn 80.000 USD hoặc các cặp vợ chồng thu nhập dưới 160.000 USD, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp trị giá 300 USD/tuần, tăng tín dụng thuế dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, hỗ trợ các công ty bất động sản nhỏ lẻ. Gói cứu trợ cũng dành 350 tỉ USD nhằm trợ giúp các chính quyền bang và địa phương, 160 tỉ USD cho chương trình tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19, 129 tỉ USD cho các trường học và 25 tỉ USD nhằm chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ bang New York Chuck Schumer vui mừng sau khi dự thảo về gói cứu trợ 1.900 tỉ USD được thông qua. Nguồn Reuters. |
Thứ hai, việc gói cứu trợ đặc biệt quan trọng với tương lai của nước Mỹ được thông qua sẽ tạo động lực để chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục đề xuất những dự luật cần thiết, kiên quyết hiện thực hóa tầm nhìn của ông về “chữa lành nước Mỹ” thời gian tới. Đó có thể là các chính sách nội trị như quản lí người nhập cư, đề xuất tăng lương tối thiểu, chương trình Medicare, hay đối ngoại như định hướng về quan hệ với Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và khu vực Trung Đông.
Thứ ba, gói cứu trợ được thông qua thể hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm “chữa lành nước Mỹ”, với ưu tiên hàng đầu ở hiện tại là phòng, chống dịch Covid-19, khôi phục niềm tin của người dân Mỹ vào thể chế, chính sách của Washington sau 4 năm sóng gió.
Vấn đề cấp thiết
Bên cạnh những thuận lợi, gói cứu trợ này cũng đặt ra một số vấn đề cấp thiết mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cần sớm giải quyết.
Thứ nhất, nó đã để lộ chia rẽ sâu sắc trên chính trường Mỹ, trước hết là nội bộ đảng Dân chủ: Có tới 8 Thượng nghị sĩ đảng này đã bỏ phiếu chống lại việc tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, khiến đề xuất này thất bại, buộc các thành viên còn lại của đảng Dân chủ phải loại bỏ đề mục này khỏi dự thảo để gói cứu trợ 1.900 tỉ USD được thông qua. Ngược lại, đảng Cộng hòa duy trì sự đoàn kết khi 49 Thượng Nghị sĩ đều bỏ phiếu chống dự thảo gói cứu trợ đảng Dân chủ đề xuất.
Việc không thể thông qua toàn bộ nghị trình dù có đa số tại Thượng viện và Hạ viện là tín hiệu đáng ngại với đảng Dân chủ nói chung và chính quyền Tổng thống Joe Biden nói riêng.
Thứ hai, gói cứu trợ khổng lồ 1.900 tỉ USD có thể khiến chính phủ Mỹ buộc phải cắt giảm hàng chục tỉ USD dành cho các chương trình khác như những khoản vay dành cho sinh viên, chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare. Chương trình nhà ở, thu thuế, bảo vệ nhà đầu tư và hoạt động hỗ trợ người thất nghiệp quốc gia không phải là ngoại lệ.
Thứ ba, các điều khoản ràng buộc khiến gói cứu trợ này sẽ không thể tới tay hàng triệu hộ gia đình. Trong thỏa hiệp với thành viên đảng Dân chủ ôn hòa tại Thượng viện, các khoản thanh toán cứu trợ Covid-19 theo gói 1.900 tỉ USD được sửa đổi sẽ chỉ dành cho cá nhân có thu nhập ít hơn 80.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 160.000 USD/năm.
Một nhà phân tích thuế của Viện Doanh nghiệp Mỹ Kyle Pomerleau cho biết, điều đó có nghĩa là gần 9 triệu hộ gia đình sẽ không được nhận khoản thanh toán trực tiếp thời gian này.
Kết quả của gói cứu trợ 1.900 tỉ USD ra sao vẫn là ẩn số. Song chắc chắn rằng Washington còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn “chữa lành nước Mỹ” của Tổng thống Joe Biden…