
Tháng Chạp năm Đinh Mùi 1967, tôi vừa từ mặt trận Bình Long - Phước Long trở về cơ quan báo Giải Phóng trong chiến khu của Trung ương cục miền Nam tại tỉnh Tây Ninh, thì Ban biên tập có quyết định cử tôi tiếp tục đi công tác ở T4 (tức Đặc khu Sài Gòn - Gia Định).
Khoác ba lô lên B9 (cơ quan Ban Tuyên huấn Trung ương Cục) để nhận nhiệm vụ, tôi đang băn khoăn vì chưa rõ mình sẽ đi với ai và công việc cụ thể ra sao, thì ngạc nhiên thấy nhà báo Thép Mới đang đợi tôi tại đó. Ở chiến trường, chúng tôi thường thân mật gọi anh là "anh Thép" hoặc "anh Năm" (Năm Hồng Châu). Nhiều anh em phóng viên vẫn mong muốn mà chưa có dịp đi cùng anh để vừa công tác vừa học hỏi kinh nghiệm của cây bút tầm cỡ trong làng báo chí cách mạng nước ta. Anh Thép Mới thân mật bảo: "Chuyến công tác này là chuyến đi đặc biệt vì có những ngày anh em mình hoạt động công khai giữa vùng địch kiểm soát, đòi hỏi phải bí mật, vững vàng, mưu trí và khỏe về mọi mặt. Nhóm của ta chỉ có tôi với cậu và cháu Lực, chiến sĩ bảo vệ".

Đài Tưởng Niệm Tổng tiến công Mậu Thân 1968
Anh Thép Mới nói: "Ngoài viết bài, cậu có thể chụp ảnh và tự in, phóng ảnh được chứ?"
- Dạ, em làm được, tôi thưa.
- Thế là mình đỡ lo. Bây giờ, cậu sang hầm bên gặp Tám Mập để nhận thêm mấy thứ cần thiết và chuẩn bị lên đường.
Ngoài tư trang gọn nhẹ cùng máy ảnh, máy thu thanh, giấy bút và súng ngắn, tôi được giao thêm một khẩu súng tiểu liên AK, 4 băng đạn cùng một số tiền của chính quyền Sài Gòn.
Chúng tôi ra khỏi rừng vào lúc chập tối. Cô chiến sĩ giao liên tên Hương bơi xuồng đón chúng tôi đúng hẹn bên thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông rồi đi chung thuyền của các chiến sĩ giải phóng vừa đậu dưới những tán lá rậm nhô ra, lướt sóng về hướng Sài Gòn. Chừng nửa đêm, chúng tôi rời xuồng, tiếp tục đi bộ. Đêm tháng Chạp trăng mờ, gió nhẹ. Theo bước chân anh giao liên quê ở đất thép Củ Chi, chúng tôi lặng lẽ qua những đồng lúa mới gặt, những xóm ấp vắng vẻ, tan hoang, rồi nhập vào đội hình hành quân của một đơn vị du kích. Chúng tôi có mặt tại điểm hẹn, trong căn lều được ngụy trang rất kĩ giữa cánh đồng gần với Sài Gòn, dừng chân ở đó chừng hơn một tiếng đồng hồ để các đồng chí lãnh đạo T4 gặp riêng anh Thép Mới.
Từ đây, chỉ có anh Thép Mới và tôi tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng anh Thép Mới lại có lệnh tách khỏi đoàn và được sắp xếp đi trước theo đường dây đặc biệt. Anh thông báo nhanh với tôi những địa chỉ mới nhất về Sài Gòn - Gia Định, dặn tôi một số việc cụ thể khi hoạt động độc lập ở vùng đô thị Sài Gòn trong thời gian tới. Anh đưa cho tôi tấm vải dù hoa - loại dù, hàng của Mỹ, màu xanh lá cây, rất mềm và dày.
- Đây là chiến lợi phẩm của quân Giải phóng vừa tặng tôi. Mình tặng lại Cao Kim, chắc cậu sẽ dùng được nhiều việc - anh nói nhỏ, giọng hơi trầm, hãy ráng lên nhé! Ta sẽ gặp nhau ở điểm hẹn mới.
Chia tay anh Thép Mới, tôi cùng tổ công tác của T4 tiếp tục vượt bưng biền Long An. Chúng tôi lội băng qua mấy cánh đồng sình lầy ngập cỏ, lác, qua những vạt rừng tràm cháy rụi vì đạn bom chỉ còn trơ trụi gốc. Đi dưới làn pháo bầy, pháo chụp của địch bắn vu vơ và máy bay trực thăng Mỹ không ngớt ngó nghiêng soi mói trên đầu, tôi càng thấy tác dụng của việc ngụy trang khi khoác tấm vải dù do anh Thép Mới tặng.
Nửa đêm về sáng, chúng tôi nghỉ chân bên một dòng kênh vắng. Ba chiếc xuồng gắn máy của giao liên chờ sẵn từ trong các khóm dừa nước gần đó lướt tới đón chúng tôi. Đang lội bộ cực nhọc, được chuyển sang di chuyển bằng xuồng, lại được các cô giao liên mời ăn cơm vắt với thịt vịt kho, ai cũng thấy vui và tỉnh táo.
Tôi và hai người nữa, đều là cán bộ Mặt trận, được đón xuống xuồng đầu tiên. Xuồng nổ máy, lao nhanh trên sông Vàm Cỏ Tây lộng gió. Máy bay Mỹ quần đảo, thả pháo sáng soi rõ từng bụi rậm ven sông nhưng chúng không phát hiện nổi xuồng của chúng tôi.
Thêm một ngày nữa, chúng tôi cùng các chiến sĩ du kích "ém quân" trong rừng tràm rậm rạp để tránh các tàu tuần tra của địch. Đêm sau, tôi rời xuồng và có người đón tới nơi cần đến. Đó là khu phố nhỏ sát bến sông, tấp nập ghe, xuồng, thuộc Nam Sài Gòn. Thật bất ngờ là anh Thép Mới cũng đang ở đó. Chúng tôi được tạm nghỉ tại một tiệm may - cơ sở mật của ta, chỉ cách đồn cảnh sát địch chừng 500 mét. Anh Thép Mới tranh thủ dặn thêm tôi một số việc quan trọng. Được sự chăm sóc rất khéo léo, chu đáo của anh em cơ sở mật, cả anh Thép Mới và tôi nhanh chóng "thay hình, đổi dạng", từ người "miệt rừng" trở thành dân đô thị: Anh Thép Mới đạo mạo trong bộ đồ lớn, tóc chải mượt, bệ vệ như một nhà tư sản. Còn tôi, cũng rõ dáng anh chàng chụp ảnh dạo tại vườn hoa. Cả hai anh em đều đủ giấy tờ tùy thân (dĩ nhiên mang tên khác), có chữ kí của Quận trưởng hẳn hoi. Thẻ căn cước ghi anh Thép Mới ngụ tại quận 5, tôi là "dân" quận 8.
Theo hướng dẫn của cơ sở mật, anh Thép Mới và tôi lại mỗi người một ngả, đi sâu vào trung tâm thành phố. Chúng tôi trực tiếp hoạt động làm báo trong đêm mồng 1 Tết Mậu Thân 1968 - đêm mở màn cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta diễn ra khắp các đô thị miền Nam. Toàn bộ Sài Gòn rung chuyển. Cả nước Mỹ chấn động. Bọn Mỹ - ngụy bàng khoàng, khiếp sợ...
Chúng tôi tự hào được trực tiếp cầm súng và cầm bút góp phần cùng các đồng nghiệp kịp thời phản ánh thông tin chiến thắng nóng bỏng tại chỗ, ca ngợi các chiến công, những tấm gương chiến đấu, hi sinh dũng cảm, tinh thần yêu nước nồng nàn của chiến sĩ và đồng bào ta ở ngay sào huyệt của bọn Mỹ xâm lược
Cao Kim