Tầm nhìn dài hạn để kiểm soát hiệu quả Covid-19
Sức khỏe 05/11/2021 09:45
Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra nhận định này trên cơ sở phân tích tình hình hiện tại và các mô hình dự báo. Diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới đang chứng minh đánh giá của WHO rằng "đại dịch còn lâu mới kết thúc”.
Tuần qua ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu vượt con số 5 triệu. Giới chuyên gia nhận định, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đang bùng phát tại châu Âu, trong khi một số nước châu Á cảnh giác trước việc số ca nhiễm tăng cao và sự xuất hiện của một dạng biến thể "Delta plus". .
Chỉ trong 1 tuần, số ca mắc mới ở CH Séc tăng tới 102%, Hungary tăng 92%, Đan Mạch, Bỉ và Ba Lan trên 70%. Trong khi Anh và Nga vẫn là hai nước có số ca mắc mới cao nhất khu vực, thì tại Đức, tỉ lệ mắc Covid-19 và tỉ lệ nhập viện trên 100.000 người liên tục tăng, khiến các bệnh viện "đang trong tình trạng nghiêm trọng”.
Không chỉ châu Âu, diễn biến dịch ở một số nước châu Á trong tuần qua cũng gây lo ngại. Tình hình tại Trung Quốc có phần “nóng” trở lại khi số ca nhiễm tăng 119%. Cho đến nay, dịch bệnh đã bùng phát ở ít nhất 14 tỉnh của Trung Quốc và hàng triệu người đã được xét nghiệm trong tuần qua. Tại Singapore, dù tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi hiện đạt 84% dân số và đã có 14% được tiêm mũi bổ sung thứ ba, nước này vừa ghi nhận ngày có số ca mắc mới Covid-19 cao nhất từ trước đến nay.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Luanda, Angola. |
Các chuyên gia khẳng định ngoài việc dịch bệnh do virus thường bùng phát mạnh vào mùa Đông, sự xuất hiện của các biến thể mới là yếu tố khiến dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt. WHO đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ AY.4.2 - một biến thể phụ của chủng Delta, nhằm đánh giá liệu mức độ lây nhiễm của biến thể này có cao hơn so với chủng ban đầu hay không. Biến thể phụ này đã được phát hiện ở ít nhất 42 quốc gia trên thế giới. So với Delta, biến thể phụ AY.4.2 có thêm 3 đột biến, trong đó có 2 đột biến ở protein gai, phần virus bám vào tế bào của người.
Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học của WHO cho rằng thế giới cần xác định tầm nhìn dài hạn để sống chung an toàn với Covid-19, để có thể kiểm soát đại dịch về lâu dài. Do đó, các quốc gia cần sửa đổi các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
WHO khẳng định việc sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn tay và cải thiện hệ thống thông gió của các không gian trong nhà vẫn là chìa khóa để giảm lây truyền virus SARS CoV-2, bên cạnh việc tiếp tục tiêm vaccine.
Tại hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới diễn ra tuần qua tại Thủ đô Berlin của Đức, WHO cho biết, khoảng 75% tổng số vaccine được tiêm trên toàn cầu là ở các nước giàu, trong khi ở các nước kém phát triển châu Phi, trung bình mới chỉ khoảng 4% dân số được tiêm chủng đầy đủ. WHO kêu gọi huy động 23,4 tỉ USD trong 12 tháng tới mới có thể thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch Covid-19 (ACT-Accelerator). Theo WHO, việc thực hiện kế hoạch này có thể giúp ngăn chặn ít nhất 5 triệu ca tử vong do Covid-19.
Sự xuất hiện của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh hơn, thậm chí nguy hiểm hơn đòi hỏi thế giới phải thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu và kéo dài như đại dịch Covid-19, bởi “không quốc gia nào có thể chấm dứt đại dịch khi tự cô lập với phần còn lại của thế giới”. Đó là tầm nhìn dài hạn mà thế giới cần xác định để kiểm soát hiệu quả, lâu dài Covid-19 và cũng để giải quyết mọi thách thức toàn cầu trong tương lai.