Sức khỏe não bộ
Sức khỏe 07/05/2020 11:26
Ở phần trước chúng tôi đã giới thiệu về nguyên nhân gây chứng bệnh nhức đầu theo y học hiện đại và theo Y học cổ truyền. Trong phần nội dung này xin tiếp tục trình bày về nội dung nhức đầu do căng thẳng - một loại nhức đầu thường gặp…
Sơ lược về đau đầu do căng thẳng
Đây là dạng đau đầu phổ biến nhất, không phải do một tình trạng bệnh lí nào gây ra và được coi là tình trạng đau đầu bình thường. Đau đầu do căng thẳng còn có thể được gọi bằng các tên khác như là đau đầu thông thường, đau đầu do căng cơ.
Các chuyên gia đã xác định các loại đau đầu kiểu căng thẳng khác nhau dựa trên tần suất xuất hiện của các cơn đau đầu và mức độ dai dẳng của chúng, cụ thể như sau:
Đau đầu kiểu căng thẳng với các cơn không thường xuyên: Có ít hơn 12 cơn trong 1 năm và mỗi cơn có thể kéo dài từ 30 phút cho đến 7 ngày.
Đau đầu kiểu căng thẳng với các cơn thường xuyên: Trung bình có từ 1 - 14 cơn đau đầu trong mỗi tháng và mỗi cơn đau có thể kéo dài từ 30 phút cho đến 7 ngày.
Đau đầu kiểu căng thẳng mạn tính (dai dẳng): Có ít nhất 15 cơn đau trong mỗi tháng và mỗi cơn đau có thể kéo dài hàng giờ hoặc cả ngày trong hầu hết các ngày trong tuần, có khi cơn đau kéo dài liên tục. Cường độ đau có thể thay đổi trong thời gian xuất hiện cơn. Ngoài ra bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn.
Cho đến bây giờ, vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân của tình trạng đau đầu kiểu căng thẳng. Nhưng có một số yếu tố đóng góp gây ra tình trạng này: Một phần là do những thay đổi tác động đến các dây thần kinh của đầu, cổ vai gây đau. Phần khác là do những thay đổi trong hoạt động của não về việc phân tích các tín hiệu đau được gửi đến từ các cơ ở vùng đầu, cổ. Cảm xúc căng thẳng và tình trạng căng cơ cũng có thể đóng vai trò là yếu tố kích hoạt tình trạng đau đầu kiểu căng thẳng.
Triệu chứng của đau đầu do căng thẳng
2.1. Các trường hợp điển hình
- Triệu chứng chính của tình trạng đau đầu do căng thẳng đó là cảm giác căng cứng quanh đầu. Nhức đầu có tính chất ép, thắt chặt, thường đau cả hai bên hoặc lúc đau bên này, lúc đau bên kia và không tăng lên với các hoạt động thể lực thông thường.
- Không buồn nôn hoặc nôn, nhức đầu không đập (mạch máu hai thái dương không giãn, không giật), không sợ ánh sáng, tiếng động hoặc nếu có thì chỉ một trong hai hiện tượng trên.
- Đôi khi đau chỉ biểu hiện nặng đầu, đặc biệt nặng trên đỉnh đầu, cảm giác thắt chặt như siết vành khăn, như đội mũ hoặc cảm giác bốc nóng ở đầu.
Các triệu chứng này tăng lên khi xúc cảm, khi có vấn đề gay cấn trong sinh hoạt hằng ngày. Kèm theo các cơ cổ gáy và vai thường căng và đau khi chạm vào. Bệnh nhân cũng có thể khó tập trung và khó ngủ.
Một người có thể bị cùng một lúc hai loại đau đầu đó là nhức đầu do căng thẳng và đau nửa đầu. Lúc này, các triệu chứng của đau đầu kiểu căng thẳng và đau nửa đầu có thể xuất hiện chồng chéo lên nhau. Cả hai loại đau đầu này đều có thể trở nên tồi tệ hơn bởi ánh sáng mạnh hoặc tiếng ồn lớn. Tuy nhiên, đau nửa đầu thường có xu hướng đau nhói, trong khi nhức đầu kiểu căng thẳng gây ra một cơn đau đầu liên tục. Nhưng cơn đau do đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng thẳng có thể xuất hiện riêng biệt hoặc xen kẽ vào nhau khiến cho việc chẩn đoán khó khăn hơn.
2.2. Tiến triển của bệnh
Cách tiến triển của bệnh là tiêu chuẩn quan trọng để chẩn đoán:
Thời gian bệnh: Phải đã nhức đầu ít nhất vài tuần, tháng hoặc năm.
Nhức đầu xuất hiện từng đợt dài vài phút đến vài ngày (theo phân loại Quốc tế 30 phút đến 7 ngày). Có thể xuất hiện nhiều đợt trong ngày, thường chỉ đau âm ỷ, ảnh hưởng ít đến sinh hoạt nhưng không bao giờ cản trở sinh hoạt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hầu hết các cơn đau đầu do căng thẳng là vô hại. Thật tốt nếu như bạn có thể giảm đau đầu mà không cần dùng thuốc hoặc chỉ thỉnh thoảng sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, bạn cần gặp bác sĩ nếu có một trong các biểu hiện sau đây:
Nhức đầu xảy ra sau chấn thương đầu
Nhức đầu kèm theo sốt hoặc nôn.
Nhức đầu kèm theo các triệu chứng khác như:
+ Nhìn mờ
+ Nói khó
+ Tê hoặc yếu tay hoặc chân
Nhức đầu đang gia tăng cường độ hoặc tần suất theo thời gian
Đau đầu dữ dội và kèm theo mất ý thức.
Nhức đầu cần phải sử dụng thuốc giảm đau hằng ngày.
Chẩn đoán đau đầu do căng thẳng
Việc chẩn đoán xác định dựa vào mô tả của bệnh nhân về các đặc điểm, tính chất của cơn đau đầu cùng với việc thăm khám của bác sĩ. Chính vì vậy cần chuẩn bị tâm lí để trả lời đúng và chi tiết các câu hỏi của bác sĩ, đôi khi có cả những câu hỏi có tính chất riêng tư. Đó có thể là:
Cách bắt đầu, thể tiến triển, tác dụng với các thuốc đã dùng, tiền sử của cá nhân, tính chất nhức đầu, nhân cách người bệnh, thói quen sinh hoạt đặc biệt chú ý đến các yếu tố tâm lí (các stress), quan hệ gia đình, vợ chồng, nghề nghiệp,…
Chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu âm tính để loại trừ các bệnh thực thể về mạch máu, thần kinh, các bệnh vùng cổ (cột sống cổ), các bệnh mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, các bệnh truyền nhiễm, nhiễm độc, các rối loạn nội tiết, các nhức đầu do dùng một số loại thuốc (nội tiết, thuốc gây nhức đầu như loại thuốc giãn tính mạch, làm dụng thuốc giảm đau, thuốc co mạch,…).
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) đầu để kiểm tra xem có sự bất thường nào ở đầu là nguyên nhân gây đau đầu hay không.
Khi đã xác định chẩn đoán bác sĩ sẽ phân ra hai loại:
Nhức đầu do căng thẳng phối hợp co cơ quanh hộp sọ nhất là cơ vùng gáy.
Nhức đầu do căng thẳng không có bất thường của cơ.
Sự phân hai loại này rất quan trọng trong chỉ định điều trị và tìm nguyên nhân.
Mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo của “Nhức đầu - chứng bệnh thường gặp và đôi khi nguy hiểm”. Chuyên mục được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Sao Đại Việt – Thành viên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Địa chỉ: Số 18 Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0243.207.26.26 - Di động: 084.24.89.666 www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong www.saodaiviet.vn Email: saodaiviet.vn@gmail.com Youtube: Sao Đại Việt Mọi ý kiến về bài viết, xin quý vị vui lòng liên lạc với địa chỉ trên. |