Sự quan trọng của giấc ngủ đối với con người
Sức khỏe 13/12/2019 10:38
Ngược dòng thời gian, vào năm 1959, Peter Tripp, một DJ nổi tiếng ở TP New York, Mỹ, vỗ ngực tuyên bố sẽ thức liên tục 200 giờ liền và dẫn chương trình trên sóng phát thanh vì mục đích từ thiện. Lúc đó, hiếm có cuộc nghiên cứu nào xoáy vào đề tài thiếu ngủ nên chẳng ai biết được hậu quả của hành động này là gì. Do vậy, bên cạnh hàng triệu người xem đài ưa thích DJ Tripp, nhiều nhà khoa học cũng quyết định dự khán, với hi vọng có thể rút ra một vài điều liên quan đến giấc ngủ và hoạt động thường ngày của đối tượng.
Trên thực tế, mức độ ảnh hưởng của việc thức liền tù tì hơn 8 ngày đối với DJ Tripp vượt xa mọi sự tưởng tượng của người xem. Một người luôn vui vẻ, lạc quan đã thay đổi đáng kể theo thời gian dài liên tục mở mắt. Đến ngày thứ 3, ông bắt đầu cáu gắt dữ dội, chửi rủa và không ngần ngại sỉ nhục bạn thân nhất của mình. Càng gần đích đến, người này liên tục bị ảo giác và biểu lộ những hành vi hoang tưởng. Tuy nhiên, bất chấp những quan ngại của các bác sĩ theo dõi tình trạng của DJ Tripp, ông vẫn kiên trì với cam kết ban đầu và cuối cùng đi ngủ sau 201 giờ liên tục thức trắng.
Các cuộc thí nghiệm ngày nay đã lập lại một vài hành vi từng quan sát được ở DJ Tripp trong thời gian thức, vốn được xem là hậu quả của tình trạng mất ngủ. Thiếu ngủ hoặc cố tình thức trong một khoảng thời gian dài sẽ gây ra tình trạng cáu gắt, tâm trạng tệ dần và những cảm giác tiêu cực như trầm cảm, giận dữ, lo lắng thay nhau ập đến. Một số chuyên gia còn cho rằng mất ngủ có thể khiến cảm xúc con người trở nên quá khích.
Mất ngủ gây mệt mỏi và dễ xúc động
Giống như DJ Tripp, có thể nổi đóa với bạn thân chỉ vì một lỗi nhỏ nhặt nhất, những người tình nguyện tham gia cuộc thí nghiệm không ngủ cũng trải nghiệm tình trạng căng thẳng thần kinh và dễ nổi cáu, so với nhóm ngủ đủ giấc. Những hình ảnh chụp não đã tiết lộ tại sao thiếu ngủ có thể dẫn đến các phản ứng cáu gắt. Hạch hạnh nhân, khu vực nằm sâu trong não, là trung tâm kiểm soát những cảm xúc của con người. Khi nhóm thiếu ngủ được yêu cầu nhìn vào những hình ảnh có cảm xúc tiêu cực, tần suất hoạt động ở hạch hạnh nhân cao gấp 60% so với nhóm nghỉ ngơi bình thường.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng quan sát cách thức các vùng khác nhau của não bộ được liên kết trong 2 nhóm đối tượng. Họ phát hiện tình trạng thiếu ngủ làm gián đoạn sự kết nối giữa "hạch hạnh nhân" với vùng não giữa trán trước, khu vực đóng vai trò điều tiết chức năng của hạch hạnh nhân. Ngủ không đủ dường như khiến hạch hạnh nhân phản ứng quá mức trước những kích thích tiêu cực, bởi vì bộ phận não này bị đứt kết nối với các vùng não đóng vai trò điều tiết phản ứng của nó.
Giới chủ sòng bài thừa biết rằng các con bạc mệt mỏi dễ đưa ra những quyết định đầy rủi ro. Do vậy, các casino thường được thiết kế lúc nào cũng có đèn đuốc rực rỡ, âm thanh ồn ào và tất nhiên chẳng hề có cửa sổ nhằm đánh lừa thời gian của người chơi. Vào năm 2017, các chuyên gia của Đại học Duke (Mỹ) yêu cầu những người tham gia một cuộc thử nghiệm đánh bạc. Chỉ cần một đêm thiếu ngủ, họ dễ dàng đưa ra những lựa chọn mạo hiểm mà đáng lẽ ra không hề được chọn khi đầu óc tỉnh táo. Điều đó có nghĩa là mất ngủ khiến người chơi nóng nảy và dễ dàng đánh cược hơn, do những thay đổi trong hoạt động ở các vùng não đánh giá những kết quả tích cực và hậu quả tiêu cực.
Sự kì diệu của giấc ngủ
Một bộ phận khác của não cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong trường hợp thiếu ngủ là "hồi hải mã". Đây là khu vực chủ chốt cho hoạt động lưu giữ kí ức mới. Khi con người mất ngủ chỉ trong một đêm, năng lực ghi nhớ thông tin mới của họ bị sa sút trầm trọng. Điều này đã được chứng minh trong một cuộc nghiên cứu, cho thấy hồi hải mã suy yếu hẳn khi con người thiếu ngủ. Ngược lại, bộ phận này của não có thể cần được ngủ nếu muốn di chuyển thông tin ghi nhận được để tồn trữ ở những nơi khác của não. Trong trường hợp này, thiếu ngủ có thể khiến năng lực lưu giữ thông tin bị nhồi đầy, ngăn cản thông tin mới được lưu trữ.
Câu chuyện của DJ Tripp có một kết thúc rất bất hạnh. Ngay sau khi hoàn tất thách thức đối với bản thân, hôn nhân của ông tan vỡ và Tripp còn bị mất việc ở đài phát thanh. Vào năm 1964, kỉ lục thức của DJ Tripp (Mỹ) bị người đồng hương phá vỡ. Theo đó, Randy Gardner, một học sinh trung học ở San Diego, bằng cách nào đó đã xoay xở không ngủ trong vòng 264 giờ. Tuy nhiên, thảm cảnh của DJ Tripp dường như không lặp lại ở trường hợp học sinh Gardner và những người khác. Dù vậy, giới khoa học cũng rút ra được những điều cần biết từ trải nghiệm phải trả giá đắt của ông và từ các phát hiện mới nhất trong lĩnh vực khoa học về giấc ngủ.
Đa số công dân toàn cầu thời hiện đại không ngủ đủ vì hi sinh giờ nghỉ ngơi để làm việc, hoặc mê mẩn trước màn hình các thiết bị phát ra ánh sáng xanh. Đây là dạng ánh sáng khiến đầu óc trở nên khó ngủ, dần dần làm hủy hoại chất lượng cũng như thời lượng cần ngủ của con người. Giới khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của giấc ngủ đối với sức khỏe và hoạt động của con người, đặc biệt đối với não bộ. Ngủ đủ giấc được xem là cách đầu tư cần thiết và hiệu quả để đầu óc thông minh hơn đưa ra những quyết định tốt hơn, và từ đó cuộc sống được hạnh phúc hơn. Vậy tại sao lại không ngủ đủ?