Stress và cách xả stress trong cuộc sống
Sức khỏe 15/12/2020 10:33
Nguyên nhân gây Stress
Tác nhân gây stress xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể là do buồn bực trong cuộc sống hoặc tác động của môi trường như tiếng động, không khí ô nhiễm, thay đổi thời tiết đến những tác động thể chất như chế độ dinh dưỡng… Bên cạnh đó tâm lí lo lắng hay việc tưởng tượng cũng có thể dẫn đến stress.
Nhìn chung phần lớn nguyên nhân gây stress xuất phát từ học tập, làm việc quá mức, mệt mỏi, thiếu thời gian nghỉ ngơi hoặc suy nghĩ, lo toan về công việc, học tập, các vấn đề trong cuộc sống,
Stress ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống?
Không phải mọi stress đều có hại mà mặt khác, một số tác nhân gây stress lại chính là động lực kích thích tính năng động khi làm việc. Các tác nhân gây stress này tạo ra stress cần thiết (eustress) bởi vì nó động viên chúng ta hành động, mạnh dạn đối đầu với sự việc sắp xảy ra hoặc một tình huống cấp bách nào đấy. Tuy nhiên, nếu gặp quá nhiều hoặc tiếp diễn lâu dài thì stress lại trở nên không có lợi (distress). Lúc này stress thậm chí có thể làm hại đến cách ứng xử, đưa đến nhiều trạng thái bệnh lí khác nhau ảnh hưởng đến sức khỏe với những triệu chứng như khó ngủ, mất ngủ, nhức đầu, chán nản, ăn không ngon, dễ bị phân tâm, có cảm giác lo âu… hay thậm chí là trầm cảm.
Ngoài ra, từ lâu các nhà khoa học đã chứng minh được sự liên quan chặt chẽ giữa hoạt động của hệ thần kinh và hoạt động cơ bắp. Khi tâm tư lo lắng hoặc tinh thần rối loạn thì hoạt động sinh lí, nội tạng sẽ bị xáo trộn và trương lực cơ bắp cũng gia tăng. Ngược lại, nếu điều hoà được trương lực cơ bắp ở mức độ thư giãn thì thần kinh cũng sẽ ổn định. Với những người bị stress, trương lực cơ bắp của họ thường trong tình trạng căng cứng hơn bình thường và chính điều này đã tác động nghịch trở lại làm rối loạn thêm hoạt động của hệ thần kinh.
Nhìn chung thời gian đầu, stress có thể gây rối loạn thần kinh, rối loạn khí hóa hay mệt mỏi trí tuệ (không chú ý tập trung, trí nhớ giảm, hay quên)... Nhưng nếu không điều trị kịp thời lâu dài sẽ dẫn đến những tổn thương thực sự như rối loạn ăn uống, rối loạn tình dục, căng thẳng, giảm đề kháng cơ thể, rối loạn tim mạch, loét dạ dày... Đặc biệt, stress còn có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể và khiến các bệnh có nguy cơ tiềm ẩn trở nên trầm trọng hơn.
Xả Stress như thế nào?
Để xả stress đầu tiên cần xác định loại stress bạn đang gặp là gì? Stress cần thiết (eustress) hay stress không có lợi (distress)?Nó đang ảnh hưởng đến bạn như thế nào?
Khi đã xác định được tình huống và cách đối phó thì bước kế tiếp là kiểm soát về mặt tâm lí. Hãy coi stress như là động lực để phát triển. Điều này sẽ giúp chúng ta thích nghi với các tác nhân liên quan đến stress, biến những tình huống stress đã gặp thành những kinh nghiệm và tạo nên bản lĩnh cho bản thân.
Ngoài việc kiểm soát tâm lí, bạn có thể kết hợp thêm các biện pháp dưới đây:
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Khi phải đương đầu với stress, cơ thể chúng ta cần được bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất để giúp cho hoạt động của hệ thần kinh và nội tiết. Các vitamin và khoáng chất cần thiết là các vitamin nhóm B, nhóm C, khoáng chất Magie và Canxi…
Nếu tình trạng stress kéo dài, bạn cần bổ sung các vitamin và khoáng chất này nhiều hơn mức bình thường bởi chúng sẽ giúp cơ thể, đặc biệt hệ thần kinh, nội tiết và miễn dịch hoạt động, đối phó và thích nghi với các tình huống liên quan đến stress.
Luyện tập thể thao
Stress thường bộc phát trong cuộc sống hằng ngày vì vậy chúng ta nên tìm cách chung sống và thích nghi với chúng. Luyện tập thể dục thể thao là một trong những biện pháp hữu hiệu vì nó có khả năng liên kết tinh thần và thể chất. Vậy nên hãy lựa chọn cho mình một bộ môn thể thao yêu thích để theo đuổi. Đây sẽ là một trong những liều thuốc tốt nhất để bạn có thể xóa tan những căng thẳng, stress trong cuộc sống hằng ngày.
Suy nghĩ lạc quan
Nếu cảm thấy buồn liên miên, chán cả mình lẫn người khác thì hãy cố tìm cách tự vực mình dậy và suy nghĩ, hành động lạc quan, tích cực hơn. Làm như vậy tức là bạn đang áp dụng luật hấp dẫn, khi thoải mái, lạc quan bạn sẽ thu hút những điều tốt đẹp, tích cực đến với mình đấy.
Thư giãn
Khi bị stress hãy tìm cách thư giãn theo sở thích của bạn như gặp mặt người thân, bạn bè, đi du lịch, nghe nhạc, xem phim, thiền hay đốt nến thơm… bất kì điều gì khiến bạn thấy thoải mái hơn mà không gây hại đến sức khỏe hay vi phạm pháp luật.
Tiếng cười
Sau cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là nụ cười của bạn. Hãy nhìn vào khía cạnh lạc quan của sự việc và nên nhớ “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Hãy cười nhiều hơn mỗi ngày và sử dụng khiếu hài hước của mình trong mọi tình huống để có thể giải tỏa phần nào stress trong công việc, cuộc sống.
Tham vấn ý kiến chuyên môn từ bác sĩ
Nếu tình trạng stress vẫn không khả quan hơn, bạn hãy dành thời gian đi thăm khám để được Bác sĩ chuyên môn tư vấn và có phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của mình.