Sống khỏe ở người cao tuổi
Sống khỏe 11/04/2022 16:55
Đối với NCT, việc luyện tập, chăm sóc, giữ gìn sức khỏe càng quan trọng. Sức khỏe bao gồm sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần. Vì vậy, người cao tuổi cần quan tâm sống vui, vận động thể lực và thường xuyên hoạt động trí não.
Vận động nhẹ nhàng nâng cao sức khỏe người cao tuổi |
Theo kinh nghiệm của nhiều cụ cao tuổi, giữ gìn sức khỏe bằng thuốc men không tốt bằng ăn uống để khỏi bệnh (ẩm thực trị liệu); giữ gìn sức khỏe bằng ăn uống không quan trọng bằng thường xuyên vận động thân thể (đi bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh…). Đặc biệt, phải giữ cho tâm trí luôn thanh thản, sảng khoái. Người cao tuổi nên có các cuộc đi du lịch nhẹ nhàng, giao lưu trao đổi bạn bè, tâm sự chia sẻ, vui chơi với các cháu… tạo tâm thế vui tươi, thoải mái, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
Khi đã mắc bệnh thì đi khám bác sĩ, dùng thuốc theo phác đồ điều trị và y lệnh. Tuy nhiên, đối với bệnh mạn tính, các bác sĩ Đông y khuyên dùng chế độ ăn uống để điều trị, tuy có kéo dài thời gian nhưng bảo đảm an toàn cho người cao tuổi.
Tham gia các CLB giúp người cao tuổi sảng khoái, vui vẻ |
Thái độ sống được coi là đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe người cao tuổi. Các chuyên gia cho rằng, người sống khỏe là người luôn trầm tĩnh, điềm đạm trong suy nghĩ, đi đứng, ăn uống, nói năng thì khi rơi vào tình huống khó khăn cũng bình tĩnh giải quyết, tránh được sự nôn nóng, lo lắng, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Cần biết thích nghi, không thụ động và biết tự điều chỉnh trước mọi thay đổi, chấp nhận khi hoàn cảnh khách quan không theo ý muốn. Nên cởi mở, thổ lộ tâm sự với bạn bè, chia sẻ cùng người thân khi tâm trạng bất an, buồn bực, đau khổ, khó chịu; tránh tình trạng cô đơn, trầm lặng, uể oải dễ sinh bất mãn, tiêu cực ảnh hưởng đến tinh thần. Nếu để cảm xúc dồn nén lâu ngày dễ sinh ra đau đầu, mỏi lưng, nhức xương khớp. Tuy nhiên, cũng không nên nói nhiều, nói đi nói lại một sự việc trở thành bức xúc, làm phiền người khác và tạo cảm giác bi quan, tăng thêm bực bội cho bản thân và những người xung quanh, dẫn đến xung đột không đáng có.
Để sống khỏe, hằng ngày người cao tuổi cần làm những công việc phù hợp sức khỏe, dành say mê cho sở thích riêng (ca hát, giao lưu, chăm sóc cây cảnh, làm vườn…); sẵn sàng bận rộn với những việc có ích (làm từ thiện, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn), gánh vác trách nhiệm, góp phần tích cực thắt thặt mối quan hệ tốt với người thân, gia đình, hàng xóm láng giềng.
Với phương châm sống vui sống khỏe, người cao tuổi coi trọng nhất, cho rằng cái quý nhất của đời người là “Sức khỏe”; với “một chút thoải mái, một chút đại khái” để quên đi tuổi tác, bệnh tật, tư thù giận dữ. Đặc biệt, cần chuẩn bị cho mình (ngay từ khi còn trẻ) có một chỗ ở phù hợp, có bạn tâm giao, một vài người bạn tri kỉ và nguồn tài chính nhất định cho tuổi già.
Để sống khỏe, người cao tuổi cũng nên tăng cường hoạt động thể lực phù hợp điều kiện và sức khỏe, hoạt động trí óc, có chút hóm hỉnh, hài hước, cởi mở chan hòa và sống dung dị, chân thành.