“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên
Xã hội 27/03/2023 09:20
Có lẽ đã xa xưa lắm rồi, trên rẻo đất cao nguyên hùng vĩ mà lãng mạn này, những ngôi làng nhỏ bé và lẩn khuất của bà con các dân tộc đều được hình thành từ kinh nghiệm sống chung với thiên nhiên và bởi những bước chân thăng trầm dạn dày nắng mưa, sương gió của các bậc tiền nhân huyền thoại, anh linh.
Trong cái không gian se lạnh của buổi chiều tháng Ba khi ánh mặt trời vừa tắt sau chân núi thiêng KLơl, đồng bào Chu Ru đã tề tựu về trung tâm thôn Ma Kir, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cùng vui ngày hội đại đoàn kết. Ánh lửa huyền ảo rực sáng giữa sân nhà văn hóa. Đêm hội của thôn không chỉ có thanh niên nam nữ mà cả những cụ cao niên cũng tới góp vui. Trong không gian tĩnh mịch giữa đại ngàn hùng vĩ, tiếng chiêng quen thuộc vang lên, quyện với thanh âm rơkel (kèn bầu) và tiếng trống da trâu, “Dàn nhạc Ma Bio” do già làng Ya Bá, Nguyên Chủ tịch Hội NCT xã Đa Quyn “chỉ huy” mở màn ngày hội với Tamya Arya. Cũng may cho chúng tôi trong lúc đang hòa mình vào màn dân vũ đậm chất vùng cao Tây Nguyên này thì được diện kiến già làng KTen - người đang cai quản cả một quần thể rừng thông đỏ quý hiếm hàng nghìn năm tuổi ở ngoài núi Voi cách đây gần 10 cây số theo đường chim kotia bay.
Già làng K’Ten đưa chúng tôi bằng xe máy vào rừng thông. |
Trò chuyện với chúng tôi, già làng KTen bảo: “Trong văn hóa của người Chu Ru, có những vũ điệu (Tamya) khác nhau nhưng điệu Arya mang tính cộng đồng cao hơn cả. Arya là một điệu múa cơ bản, thể hiện tình đoàn kết dân tộc, không mạnh mẽ, nóng bỏng mà nhẹ nhàng, uyển chuyển, quyến rũ đến nao lòng. Nghệ nhân - già làng Ya Bá là người có công lớn làm hồi sinh, gìn giữ vũ điệu Arya nồng say này. Vài năm trở lại đây có già Ya Bá, điệu dân vũ này được vui tươi trở lại sau khi bị mai một và trở thành điệu múa không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, hội hè của người Chu Ru quê nhà”.
Già làng Ya Bá là một bảo tàng sống. Đội cồng chiêng của già là hạt nhân kết nối cộng đồng mỗi khi họ trình diễn những vũ điệu quyến rũ của ngàn xanh cao nguyên. Bà Phạm Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Quyn nhận xét: “Già làng Ya Bá được coi là hình mẫu về bảo tồn, phát huy các loại nhạc cụ và những màn dân vũ đoàn kết dân tộc của xã nhà. Chỉ tính trong 2 năm vừa qua nhờ những hoạt động trình diễn, giao lưu văn hóa cổ truyền dân tộc Chu Ru do già Ya Bá “cầm trịch thiết chế”, khởi xướng mà chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của xã nhà được nâng lên rõ rệt. Nhân dân và cán bộ đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và hăng hái tham gia thực hiện phong trào yêu nước, đoàn kết dân tộc”.
Thay cho câu ước hẹn gặp lại bên núi Voi khi chúng tôi được già làng KTen mời sang thăm cả một quần thể rừng thông đỏ quý hiếm hàng nghìn năm tuổi mà mình đang cai quản. Được lời của già làng KTen như mở tấm lòng, chúng tôi vội vã ngồi sau 4 chiếc xe gắn máy lầm lũi cày tung những lớp bụi đỏ quạch trong màn đêm tĩnh mịch để đến với núi Voi trước khi mặt trời thức dậy. “Ngày nào không lên rừng là không chịu được, người bản địa Tây Nguyên mình nó thế, rừng thấm vào máu thịt rồi”, già KTen tranh thủ đoạn đường bằng phẳng hào sảng buông lời sau đôi vai vạm vỡ với chúng tôi như thế rồi nhanh chân về số 1 cho xe dư sức băng đèo, vượt dốc.
Già làng K’Ten và già làng Ya Bá đánh chiêng, tấu khèn dưới rừng thông đỏ nghìn tuổi |
Vừa tới cửa rừng, vượt qua con dốc cao hiểm trở không cần xuống dắt bộ, phi thẳng đến chỗ bằng phẳng dựng ngoắt chân chống xe, già KTen ngồi phịch xuống đất bắn điếu thuốc lào nhả ra làn khói trắng đậm đặc hơn sương mù xứ lạnh Đà Lạt. Già lim dim đôi mắt kể tóm tắt cho chúng tôi nghe trang sử đời mình: “Hai đồng chí ạ! Mình sinh ra rồi lớn lên ở buôn Cơ Ho Srê, xã Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Năm 1978, mình vừa bước qua tuổi đôi mươi, được cô sơn nữ Ka Khuy yêu thương rồi “bắt” về làm chồng. Từ ngày đó, KTen về thôn KLong, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng sinh sống. Nhưng, những ngày đầu sau giải phóng miền Nam ở đây chưa bình yên, lực lượng Fulro ra sức chống phá chính quyền, mình tham gia đội trinh sát vũ trang bí mật cắm trong khu rừng già này để bất ngờ đánh úp bọn Fulro, thổ phỉ bảo vệ sự bình yên cho dân làng, quê hương. Trong một trận quyết chiến không cân sức trước kẻ thù, mình đã bị tên Fulro to cao dùng lưỡi lê đâm toạc bắp chân làm đôi. Hết chiến trận mình là thương binh hạng 4/4 cùng vợ ở lại cửa rừng để canh rừng, để trả ơn rừng… từ đó đến nay”.
Câu chuyện trả ơn rừng thiêng của già làng KTen cứ nối tiếp theo từng bước chân, tai nghe, ánh mắt của chúng tôi chiêm ngưỡng những cây thông đỏ ở đây to chừng 5-6 người ôm mới hết nên lúc nào cũng bị kẻ ác rình rập cưa hạ... Ngầm về trang sử bảo vệ khu rừng ngắn gọn, dễ nhớ của già KTen, chúng tôi biết vào đầu năm 2000 khi các đại gia lắm tiền nhiều của bắt đầu biết thông đỏ có thể chiết xuất ra chất chữa bệnh ung thư nên rất chú ý. Giá trị gỗ thông đỏ trôi nổi ở nơi khác từng ngày tăng chóng mặt cũng là lúc quần thể thông đỏ ở đây mà già KTen cai quản phải đứng trước sự gục ngã dưới những đường cưa máy lạnh lùng ngày đêm gầm rú bất cứ lúc nào. Già KTen tiếp tục tâm sự với chúng tôi: “Thấy “máu” thông đỏ ở các khu rừng khác đã chảy, từng cây ầm ầm đổ xuống, xót xa, mình quyết định bỏ lại vợ con sinh sống dưới buôn, một mình lên lưng chừng núi Voi, dựng lều án ngữ ngay lối ra vào cửa rừng. Bị chặn cửa lên núi, nhiều toán “lâm tặc” kéo đến “hối lộ” nhưng đều bị mình lắc đầu. Mua chuộc không được, chúng chuyển sang uy hiếp, đe dọa, mình vẫn không nao núng. Bây giờ mình có bị kẻ ác gây hại ra sao thì cũng là để sống trọn nghĩa với rừng già!..”.
Câu chuyện trả ơn rừng thông của già làng KTen đang đến độ cao trào thì đúng như lời hẹn già làng Ya Bá ở bên thôn Ma Kir sáng nay đã cầm cây đàn rơkel đơn sơ sang đây chơi cho chúng tôi và già KTen thưởng thức. Sau khi tay bắt, mặt mừng, chúng tôi hỏi: “Già và già KTen kết tình anh em từ bao giờ vậy?” Già Ya Bá phóng tầm mắt chùm lên cả ngọn cây thông đỏ to cao nhất này rồi chậm rãi kể:
“Mình là anh em với già làng KTen từ khi những kẻ ác uy hiếp khu rừng này không thành, chúng chuyển sang châm lửa đốt cháy căn lều, đổ thuốc độc xuống ao của gia đình KTen khiến cá chết trắng chẳng còn một con. Bản lĩnh gan dạ của người từng xông pha trận mạc, nằm vùng đánh đuổi Fulro lại giúp già KTen lúc ấy đương đầu với kẻ xấu để bảo vệ bằng được quần thể thông đỏ quý hiếm này”.
Già làng Ya Bá còn thổ lộ thêm: “Vào đúng dịp vợ già KTen về thế giới bên kia cách đây gần 6 năm, để siết chặt công tác quản lí và bảo vệ cho quần thể cây thông đỏ tại núi Voi, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã tiến hành gắn chíp và đóng số vào từng thân cây quý hiếm này. Chính vì vậy sau một thời gian dài, già KTen dựng chòi án ngữ lối lên núi Voi, những cây thông đỏ cổ thụ này đã được bảo vệ nghiêm ngặt. Già già KTen bây giờ còn được ví là “đôi mắt” của rừng.
“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên |
“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên |