Bóng cả che làng
Tuổi cao gương sáng 01/01/2025 08:30
Trong dáng hình ngả bóng che làng
Vào đây, vào với làng! Vào nghe cồng chiêng, nghe Ta Lê, Pa Chanh, Cha Kit, nghe cái bụng của Giẻ Triêng chân thật và nồng nhiệt. Già làng A Brôl Vẻ đã 80 tuổi nhưng vẫn mạnh mẽ khỏe khoắn, cái khỏe khoắn đặc trưng và đậm chất núi rừng Tây Nguyên cất tiếng kèn giẻ chiêng mời khách. Căn nhà gỗ đơn sơ ở làng Đăk Răng, xã Đắk Rục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum của già làng có một gian phòng thoáng đãng được dùng làm nơi trưng bày các nhạc cụ dân tộc và đón tiếp những vị khách gần xa ghé thăm. Bước qua bậc cửa là chiếc đàn Trưng được kê gọn ghẽ. Trên khoảng tường nhỏ đã ám màu thời gian có đến hơn 20 nhạc cụ “xếp hàng”. Tất cả, đều do một tay già làng A Brôl Vẻ tạo nên và làm chủ những thanh âm cuốn hút ấy làm xiêu lòng không ít người đến thăm.
Già A Brôl Vẻ vận động các nghệ nhân trong làng tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. |
Sinh năm 1945, già A Brôl Vẻ từng tham gia đánh Mỹ tại chiến trường Đắk Pét, Đắk Sút (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Sau chiến tranh già tham gia đảm nhận các nhiệm vụ trong Công an xã, Xã đội, Mặt trận và là Già làng được bà con trong làng rất tín nhiệm nhiều năm qua. Đã 80 tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, già A Brôl Vẻ như cây Kơnia tỏa bóng mát cho làng, cứ vẫn mải miết tìm tòi, gìn giữ, trao truyền lại cho người làng, cho những đời sau tất cả vốn quý của Giẻ Triêng mà già có được. Chiếc vòng cổ xâu chuỗi bởi những hạt cườm, dọc theo các hạt cườm là những chiếc răng nanh nhọn hoắt của loài heo rừng, già A Brôl Vẻ đeo lủng lẳng vào cổ, tạo thế uy nghi đĩnh đạc của một thủ lĩnh đầy uy quyền của tộc người Tây Nguyên. Trên đầu già đội chiếc mũ đầy màu sắc thổ cẩm, gắn đầy lông chim và đuôi loài chim công, già lần lượt trình diễn những loại nhạc cụ, mỗi thứ phát ra một thứ âm thanh khác nhau nhưng đều làm lòng người rạo rực.
Mênh mang trong tiếng kèn Talul, Talêh, già kể câu chuyện của mình, của làng, của cha ông, của người Giẻ Triêng bao đời trên miền đất này. Khi còn là một cậu bé, già vẫn thường theo ông, theo cha học ca hát và chế tác các loại nhạc cụ. Đêm Trường Sơn trên nương, bên bếp lửa hồng, già vẫn thường chăm chú theo dõi cách làm nhạc cụ của cha mình và lắng nghe cha hát những làn điệu dân ca. Lớn lên, những câu chuyện cổ, lời hát dân ca ấy và cách cha làm nhạc cụ đã ngấm dần vào máu thịt thành nỗi đam mê. Cứ thế mỗi khi trong làng tổ chức lễ hội, A Brôl Vẻ lại có mặt và giữ một vai trò rất quan trọng trong đội văn nghệ của làng.
Là người có uy tín, là Nghệ nhân ưu tú, già làng A Brol Vẻ sử dụng và chế tác được khoảng 20 loại nhạc cụ khác nhau. Nhiều người kể rằng, mỗi khi tiếng sáo của A Brôl Vẻ cất lên, người ta nghe trong đó vừa như có tiếng nước róc rách chảy xuống từ nóc, nghe thấy tiếng âm vang của thác nước, nghe da diết tiếng của gió, nghe chung chiêng trầm hùng tiếng của bước chân, hay rúc rích tiếng của muôn loài chim.
Chỉ tay lên vách nhà, nơi treo nhiều loại nhạc cụ khác nhau, do chính tay mình làm ra, già làng A Brol Vẻ khoe rằng: Giẻ Triêng mình có nhiều loại nhạc cụ, như Ta Lê, Pa Chanh, Cha Kit, Din Goror, Bin, Ta Lil, Dêl Do, Pil Pôi,… có thể phát ra những âm thanh lúc trầm, bổng, lúc khoan thai, có lúc nhộn nhịp ngẫu hứng như thúc giục lòng người. Tiếng đàn, tiếng sáo thánh thót vang khắp núi rừng.
Kho báu miền biên giới
Trong ngôi làng Giẻ Triêng, tiếng cồng chiêng, hát xoang rộn rã cuốn hút đoàn khách lạ vào thăm. Trong văn hóa của người Giẻ Triêng, âm nhạc luôn gắn liền với cuộc sống hằng ngày, trong những lúc lên nương, lên rẫy, hay trong những lễ như mừng lúa mới, đám cưới, tỏ tình và đón du khách phương xa. Làng Đăk Răng ở miền biên giới này nơi sinh sống của hơn 200 hộ, với gần 700 nhân khẩu người Giẻ Triêng. Bao đời vẫn thế, họ chân chất như cây rừng, phóng khoáng như gió núi, thật thà như dòng suối chảy. Yêu là yêu, ghét thì sẽ ghét, cứ thế sinh ra và về với Yang trời Yang đất mộc mạc như đất như rừng. Trân quý làm sao khi giữa sự xâm nhập của văn hóa hiện đại, vậy mà bà con vẫn giữ được những điều xưa cũ. Tự hào làm sao khi giữa nhịp sống xô bồ, ở ngôi làng ấy vẫn mặc trang phục truyền thống, vẫn nấu cơm lam, uống rượu ghè, vẫn tay trong tay múa xoang trong tiếng cồng chiêng dưới mái nhà rông bập bùng ánh lửa. Ngôi làng giữ lại được những nét nguyên sơ nhất, như kho báu của vùng biên giới xa xanh.
Già A Brôl Vẻ là kho báu của người Giẻ Triêng ở Ngọc Hồi. |
Những trai gái trong làng cần mẫn làm rượu cần, dệt thổ cẩm, chế tác các loại nhạc cụ độc đáo. Họ giữ cho làng mình các hoạt động văn hóa cồng chiêng, múa xoang và một số lễ hội truyền thống vẫn được duy trì như lễ hội Cha chah (lễ ăn than), lễ ăn trâu. Ở cái tuổi 80, già A Brôl Vẻ dẫu mái tóc đã bạc trắng theo thời gian mà đôi mắt ông vẫn tinh anh, đôi tay thoăn thoắt, giọng hát mượt mà. Già vẫn nhớ vanh vách những luật tục, những nét văn hóa cha ông ngàn đời. Thời trai trẻ xông pha đánh giặc, đến tuổi xế chiều, già A Brôl Vẻ thích làm du lịch, thích dạy cho bọn trẻ biết nhiều bài hát, điệu khèn, tiếng sáo, cồng chiêng… để giữ gìn bản sắc văn hóa của người Giẻ Triêng.
Trong mạch sống của làng, trong tâm niệm của già, thì văn hóa truyền thống của dân tộc luôn là gốc rễ cần được giữ gìn và phát huy. Vì vậy, già A Brôl Vẻ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận động các nghệ nhân trong làng cùng tập luyện và tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Qua đó, quảng bá với bạn bè và du khách về nét văn hóa truyền thống của Kon Tum, cũng như của người Giẻ Triêng ở vùng biên giới này. Để giữ gìn bản sắc, già đã mở nhiều lớp dạy chế tác nhạc cụ, thổi sáo, đánh chiêng… cho thanh niên trong làng theo học. Được sự giúp đỡ của ngành văn hoá, già đã mở lớp truyền dạy về cách làm, cách chơi nhạc cụ cho nhiều thanh niên trong làng.
Ông Hiêng Lăng Thắng, Chủ tịch UBND xã Đăk Dục chia sẻ, cuộc đời giản dị của già A Brôl Vẻ thật đáng ngưỡng mộ về tình yêu tha thiết, say đắm với nhạc cụ dân tộc. Già có tinh thần làm việc miệt mài, nghiêm túc để gìn giữ và lan tỏa nét đẹp âm nhạc truyền thống, cùng tâm huyết truyền trao cho các thế hệ tiếp nối, làm thành bản sắc của mảnh đất và con người Đăk Răng ở vùng Bắc Tây Nguyên giàu truyền thống. Từ nỗ lực nhen nhóm của già làng tâm huyết, tình yêu với nhạc cụ truyền thống ngày được lan tỏa trong cộng đồng. Các thế hệ tiếp nối niềm say mê cho tiếng sáo, tiếng đàn ngân vang.
Già được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen, cũng đã nhiều lần ra Hà Nội hay vào TP Hồ Chí Minh, xuống Đà Nẵng để biểu diễn trong các lễ hội lớn, già cũng đi cả nước ngoài để biểu diễn dù đã ở cái tuổi bát thập tri tiên. Đối với người dân địa phương, A Brôl Vẻ là già làng được mọi người vô cùng yêu mến và kính trọng, già nói gì bà con cũng nghe. Đối với du khách hay các nhà nghiên cứu văn hóa, già là cái tên được điểm đến đầu tiên khi họ đến địa phương này để tìm hiểu về văn hóa dân tộc Giẻ Triêng.