“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên
Văn hóa - Thể thao 23/03/2023 10:02
Kì 1: Hậu duệ làng kháng chiến Xốp Dùi
Đúng thời khắc những cánh chim Cơ Tia, C’rao sải cánh và hoa Pơ lang thắp lửa khắp đại ngàn Tây Nguyên thì chúng tôi đã hiểu khá rõ về các vị già làng người Giẻ Triêng, Xơ Đăng ở buôn Xô Man trong văn học xưa, làng kháng chiến Xốp Dùi, xã Xốp, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum hôm na…
Nói đến Tây Nguyên là chúng tôi phải đề cập tới những “Bóng cây Kơ Nia” và ảnh hưởng của đội ngũ già làng như các hậu duệ đích thực của cụ Đinh Môn - nhân vật nguyên mẫu là cụ Mết, buôn Xô Man trong tác phẩm “Rừng xà nu” mà nhà văn Nguyễn Trung Thành lột tả rõ khí chất anh hùng cách mạng và lòng căm thù giặc ngoại xâm đến tận cùng. Con cháu, anh em, bạn bè cụ Mết trong văn học, cụ Đinh Môn từ thời chiến đến nay đã trở thàng những vị già làng tiêu biểu tại cộng đồng người người Giẻ Triêng, Xơ Đăng gồm các ông Đinh Rươn, A Cố, A Đoan và cựu chiến binh A Miếc… Tiếp chúng tôi bằng bình rượu cần tại ngôi nhà đơn sơ nằm lọt thỏm giữa làng Xốp Dùi, ông A Nghem, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xốp, ngược dòng lịch sử văn học để tự hào về lớp cha anh mình thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ:
Già làng Đinh Rương dâng kiếm của Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Môn thuở xưa cho nhà văn hóa làng Xốp Dùi. |
“Năm 1954, đồng chí Đinh Môn - nhân vật nguyên mẫu là cụ A Mết trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành được Đảng và Bác Hồ đưa ra Bắc để học tập, tạo nguồn cán bộ, dẫn theo vợ và con trai Đinh Như Rươn. Nhưng nỗi nhớ Xô Man, nhớ cánh rừng xà nu (rừng thông ba lá) và dòng máu của một chiến binh Giẻ Triêng đã thôi thúc ông trở về núi rừng Đăk Glei. Tạm gửi lại đứa con trai đầu lòng và mộ phần người vợ ở miền Bắc, năm 1959, đồng chí trở lại Đăk Glei sống cùng quân, dân quê nhà chống giặc và công tác. Cuối 1960, đồng chí được trên điều lên làm Huyện đội trưởng H30 (huyện Đăk Glei ngày nay) chỉ huy chiến sĩ đánh Đồn Đăk Tả, bắt sống 50 tên địch và thu 50 khẩu súng các loại. Ngoài ra, đồng chí Môn còn chỉ huy đánh chốt Đăk Glei, nhà ngục Đăk Choong. Hai trận này đồng chí và các chiến sĩ loại được 100 tên địch. Đến năm 1962, đồng chí Môn làm Bí thư Chi bộ xã Xốp; từ năm 1963 đến 1972, đồng chí lần lượt được bầu làm Phó Chủ tịch huyện, Bí thư Huyện uỷ huyện H30, trực tiếp chỉ huy đánh Mỹ cho đến ngày đất nước thống nhất”.
Có lẽ chuyện cụ Đinh Môn đánh giặc ngoại xâm đã lâu rồi nên chỉ còn cựu chiến binh A Nghem và những người cao tuổi ở đây hiện nay là còn nhớ rõ thôi. Nhưng nhân vật A Mết rắn rỏi, hào sảng từ trong văn học bước ra đời thực là cán bộ Đinh Môn vào các năm sau giải phóng làm Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đăk Glei, làm vị già làng bình dị, hoà mình với dân làng thì lớn bé tại làng Xốp Dùi đều nhắc đến. Già làng Đinh Rươn, con trai của cụ Môn kể lại: “Từ cuối 1975 đến năm 1980, cha tôi làm Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đăk Glei. Thời điểm ấy cha tôi thường xuyên băng rừng đi từ thị trấn về khắp các buôn làng ở Đăk Glei kể chuyện đánh Pháp, đánh Mỹ ngày xưa và vận động đồng bào làm ăn, xây dựng nếp sống văn minh…Từ năm 1987, cha tôi về nghỉ hưu là già làng làng kháng chiến Xốp Dùi được dân tin yêu và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quý trọng. Cuối năm 2000, do tuổi cao, sức yếu, cha tôi đã qua đời ở tuổi 87. Với những thành tích tận hiến cho quê hương, nước nhà, cha tôi đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Anh hùng LLVTND, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...”.
Già làng A Cố làm lễ ghi công người hiến đất mở rộng đường . |
Hậu sinh, già làng Đinh Rươn không được tận mắt chứng kiến nhiều cái thực quyền tự nhiên, cái uy tín bản chất trong tập hợp dân chúng của thế hệ cha ông mình thời trận mạc, nhưng cái uy tín, cái “luật tục” và sự tinh thông… làm công cụ để khích lệ tinh thần, quản lí, điều hành cả buôn làng thì già Rươn hẳn là người trong cuộc “cầm trịch”. Đúng như ông Nguyễn Hữu Hà, Chủ tịch UBND xã Xốp giãi bày: “Thời bình hôm nay cán bộ, cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc xã nhà đang quyết tâm gây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh theo đúng Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ ban hành. Nhưng để hiện thực đồng bộ, đẩy nhanh nhiệm vụ này thì phải nhờ cậy vào các già làng uy tín điển hình như già Rươn vận động con cháu, họ tộc tích cực hưởng hứng phong trào. Già Rươn nói - cả làng kháng chiến Xốp Dùi nghe; già Rươn hô đoàn kết xây dựng nông thôn mới - dân làng nhiệt tình hưởng ứng; già làng làm nhà cửa sạch đẹp, sống văn minh - dân làng làm theo. Có nghĩa là vai trò của các già làng như già Rươn trong xây dựng nông thôn mới địa phương là vô cùng quan trọng, nhất là việc già hỗ trợ cấp ủy, chính quyền xã nhà vận động quần chúng…”.
Để có diện mạo khang trang như bây giờ, ngoài sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư của trên, đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Xốp đã nỗ lực tạo dựng bằng biết bao công sức, nhiệt huyết dựng xây nông thôn mới. Nếu ai từng chứng kiến ngày các già làng Đinh Rươn, A Cố… hợp nhất hai đội chơi cồng chiêng làm một xong là tuyên bố hiến đất mở rộng đường làng, làm sân bóng đá xã; vận động, cắt cử con cháu, anh em, họ tộc đi khai thác cát vàng, sỏi đá về xây dựng nhà ở, nhà vệ sinh công cộng thì mới thấy hết giá trị từ thứ “quyền lực mềm”, sự gương mẫu, uy tín của các già làng nơi đây trong nhiệm vụ xây nông thôn mới trên địa bàn cư trú.
Vâng! Tại sao việc hiến đất lại dùng tiếng cồng chiêng cổ động? Khi chúng tôi nêu câu hỏi này, già làng A Cố trả lời tức thì: “Già làng chúng mình cũng giống như mỗi dàn ching chiêng đều phải có chiêng cái, chiêng con, chiêng núm, chiêng bằng, cái “đi” giai điệu, cái “cầm” nhịp cho cả dàn. Những dàn cồng chiêng lớn thì trống cái vừa giữ nhịp vừa tôn giai điệu, giữ cho sắc thái của giai điệu luôn luôn giàu sinh lực và đẹp về sắc điệu, cho nên các già làng như mình phải được ví như là trống cái. Trống cái cũng như việc hiến đất mở rộng đường nông thôn mới vì mình đã được bà con suy tôn là già làng thì phải là người hiến đất nhiều, hiến đất trước cho dân làng hiến theo chứ!…Thật vui cái bụng khi những hồi cồng chiêng hồn hậu này đã đón được rất nhiều lượt khách nước ngoài vào thăm làng Xốp Dùi tốt tươi của xã nhà”.
Chiều tháng Ba Tây Nguyên nhạt nắng, hoàng hôn gieo vàng ắp những ngọn đồi. Già làng Đinh Rươn bước lên căn gác nhỏ là nơi thờ cúng Tổ tiên cầm chiếc cồng chiêng, cái khố thổ cẩm cũ và thanh kiếm dài gần 1 mét - những kỉ vật cuối cùng của Anh hùng LLVT Nhân dân Đinh Môn đi qua hai cuộc kháng chiến để trao cho con cháu đem ra trưng bày ngoài nhà văn hóa làng. Trong gió lay và cộng cảm, nhưng già Rươn vẫn vồn vã nói với chúng tôi: “Tuy cái bụng mình áy náy, nhưng để ngày mai chiếc cồng chiêng, cái khố thổ cẩm và thanh kiếm này đón đoàn khách nước ngoài tới xem là yên tâm, vui cái bụng rồi”.
Chúng tôi thầm nghĩ, trong số khách du lịch mai kia vào thăm nhà văn hóa làng Xốp Dùi có không ít khách nước ngoài. Vậy, “Nhịp chiêng, bài múa kiếm, sắc chất thổ cẩm kết nối Tây Nguyên thời chiến với thời bình, Tây Nguyên căm giặc mà vị tha, Tây Nguyên hùng vĩ mà lãng mạn, Tây Nguyên tươi mới mà không quên quá khứ khổ đau” của các già làng đầy “quyền lực mềm” nơi đây hẳn có nhiều xúc cảm và “mang tầm” quốc tế.