Quy hoạch: “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Chùa Hương”
Nhịp sống văn hóa 14/04/2023 14:03
Theo phê duyệt, phạm vi nghiên cứu lập Quy hoạch có tổng diện tích khoảng 8.200 ha, là toàn bộ không gian, diện tích tự nhiên các xã Hương Sơn, An Tiến, An Phú và Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Phạm vi lập Quy hoạch có tổng diện tích là 4.960,06 ha, bao gồm: Diện tích Khu vực bảo vệ I là 2.759,32 ha; diện tích khu vực bảo vệ II là 1.198,81 ha (theo Biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn) và khu vực nghiên cứu, dự kiến mở rộng vùng phụ cận nhằm phát huy giá trị có diện tích là 981,93 ha.
Ranh giới lập quy hoạch: Phía Bắc giáp khu sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp xã An Tiến, Hùng Tiến, An Phú; phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Nam; phía Đông giáp khu dân cư và đất nông nghiệp xã Hương Sơn và phía Tây giáp đất nông nghiệp và khu dân cư xã An Phú.
Không khí lễ hội náo nhiệt ở Chùa Hương dịp chính lễ. Hội chùa Hương diễn ra từ mùng 6 tháng giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch, cũng có thể coi là lớn nhất miền Bắc chỉ sau lễ hội Đền Hùng. |
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Chùa Hương
Mục tiêu lập Quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Chùa Hương, với các giá trị đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan và đa dạng sinh học.
Động Hương Tích cách bến Thiên Trù hơn 2000 mét, với độ cao 390m, đuợc coi là trung tâm của khu thắng cảnh chùa Hương, và là đích dừng chân của mọi du khách khi về đây, là địa điểm tâm linh quan trọng nhất tại Chùa Hương. |
Làm căn cứ pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích và làm cơ sở khoa học trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chùa Hương gắn với phát triển du lịch; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống và tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân trong khu vực.
Tổ chức không gian và bố trí, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách tham quan, hưởng thụ các giá trị di tích.
Đồng thời, định hướng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Tạo hình ảnh huyện Mỹ Đức ngày càng thân thiện, phát triển, gắn với việc bảo tồn bền vững các giá trị di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương).
Ngồi thuyền từ bến Đục, theo dòng Suối Yến để đến các điểm dâng hương. |
Tạo lập cơ sở pháp lý để triển khai đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, môi trường cảnh quan, quần thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Hương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm phát triển và kế thừa di sản là nhiệm vụ trung tâm, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân là nhiệm vụ then chốt.
Phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững
Nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững; định hướng tổ chức không gian; phân tích, dự báo những tác động ảnh hưởng đến môi trường di tích...
Thời gian lập Quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày 13/4/2023.
Quy hoạch sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì thẩm định và trình phê duyệt Quy hoạch. Cơ quan quản lý lập quy hoạch là UBND thành phố Hà Nội. UBND huyện Mỹ Đức là chủ đầu tư.
Điểm tham quan ở chùa Hương
Đền Trình hay còn có tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ, là ngôi đền nhỏ nằm ngay bên phải của dòng Suối Yến cách bến đò Yến Vĩ (bến Đục) khoảng 500m thuộc tuyến du lịch chính đi vào chùa Thiên Trù và động Hương Tích. |
Chùa Thiên Trù toạ lạc trên thềm núi Lão, được xây dựng từ đời Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Theo một số sử ký còn lưu lại có chuyện kể rằng trong một chuyến tuần thú phương nam lần thứ hai Vua Lê Thánh Tông cùng tướng sĩ qua vùng núi Hương Sơn nghỉ lại ở thung lũng núi Lão và cho quân lính thổi cơm ăn. Trong lúc thưởng ngoại cảnh sắc thiên nhiên, Vua xem thiên văn thấy vùng này ở vào vị trí của sao Thiên Trù (= Bếp trời: một chòm sao chủ về ăn uống) nên nhân đấy nhà Vua đặt tên cho thung lũng này là Thiên Trù. |
Chùa Giải Oan có giếng nước trong vắt gọi là “Thiên nhiên thanh trì” hay còn gọi là giếng Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. |
Động Tiên Sơn nằm lưng chừng núi Thanh Long, đến lưng chừng núi sẽ nhìn thấy cổng tam quan nổi lên bên sườn núi vút cao như sắp bay lên. Qua cổng vào sâu bên trong du khách sẽ nhìn thấy một toà lâu đài nho nhỏ tráng lệ dưạ vào vách núi. |
Đường đến động Hinh Bồng bắt đầu từ cổng Chùa Thiên Trù và được nhận xét là khá cao và dốc. |