Ô nhiễm ở làng tái chế nhựa phế thải lớn nhất Hà Nội
Xã hội 24/04/2022 16:54
Thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu) trước đây có nghề làm hương đen nổi tiếng khắp các vùng lân cận. Do công việc làm hương cho thu nhập không ổn định, nhiều hộ dân trong thôn đã chuyển qua thu gom, buôn bán phế liệu từ nhiều năm nay.
Sau nhiều năm hoạt động, thôn Xà Cầu lại được biết đến với cái tên mới “làng thu gom và sơ chế rác thải”.
Song song với sự phát triển kinh tế là vấn nạn ô nhiễm môi trường đe dọa tới cuộc sống của người dân nơi đây.
"Ở thôn Xà Cầu chúng tôi, chỉ những người đau ốm mới không làm ra tiền. Còn lại từ già đến trẻ nhỏ ai cũng có thể làm được, vì công việc hết sức đơn giản. Người khỏe thì đứng máy nghiền, máy xả nước, bốc hàng lên xuống xe cho thu nhập cao; còn người già, trẻ em thì phân loại, bóc nhãn mác, xúc chai lọ… mỗi ngày ít nhất cũng kiếm được trên 100.000 đồng...”, ông Lý Đinh Tuấn cho biết.
Với đồ phế thải bằng nhựa, người ở thôn Xà Cầu không bỏ đi bất cứ thứ gì. Từ vỏ ô tô, xe máy, can, thùng, chậu, vỏ chai, ống nước, tấm lợp, đến nắp nhựa bé tí xíu đều được gom về… sau đó phân loại rồi tái chế.
Người dân đem đốt bỏ những thứ không thể tái chế được nữa, bầu không khí trong làng bị ảnh hưởng lớn từ mùi khét của nhựa.
Ngoài ra, người dân trong làng còn bị tiếng ồn của những chiếc máy nghiền nhựa "tra tấn" suốt ngày.
Chị Lý Thế Hạnh làm nghề tái chế rác đã gần 10 năm cho biết: “Mỗi ngày tôi thu nhập được khoảng hơn 200.000 đồng. Ruộng đồng do ô nhiễm nguồn nước, chuột bọ phá phách, không cấy lúa. Thu nhập tuy thấp, nhưng không có nghề nào khác để làm, nên đành phải chấp nhận làm nghề này. Do hàng ngày vẫn phải tiếp xúc với rác thải, nhiều thứ hóa chất còn đọng lại, làng này mắc bệnh ung thư nhiều”.
Ông Trang Văn Viễn, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, hiện tại, thôn Xà Cầu có khoảng 180 hộ làm nghề tái chế phế liệu. Khảo sát thực tế cho thấy, rác thải, phế liệu được bà con thu mua ở khắp nơi mang về tái chế.
Phần không sử dụng được, người dân vứt bỏ bừa bãi khắp ngôi làng, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Trước đây, Công ty Cổ phần đô thị Bắc Sơn có hợp đồng với UBND xã chuyên thu gom xử lý nay đã dừng việc thu gom rác thải từ 1/4/2022, khiến cho lượng rác thải nhựa không thể tái chế tồn đọng đến khoảng 150 tấn.
"Chiều ngày 22/4, UBND xã Quảng Phú Cầu đã làm việc với phòng Tài nguyên Môi trường của huyện Ứng Hòa cùng với đại diện công ty Công nghệ cao Hòa Bình thống nhất phương án xử lý tấn rác thải nhựa không thể tái chế tránh tình trạng nhiễm môi trường như hiện nay", ông Trang Văn Viễn cho biết thêm
Hình ảnh ô nhiễm ở làng tái chế nhựa phế thải thôn Xà Cầu:
Một phần nhỏ nơi tập kết phân loại rác thải nhựa ở thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu). |
Rác thải nhựa xếp bên đường cao như một bức trường thành dài. |
Cảnh rác thải nhựa xếp đống từ trong nhà, ngoài sân, ngõ xóm. |
Phế liệu chủ yếu là ống nhựa cấp thoát nước, vỏ lon nước ngọt, vỏ chai nhựa các loại... Sau khi rửa sạch sẽ được đưa vào máy nghiền thành hạt nhựa. |
Các hộ dân ở Xà Cầu đang ngày ngày phải chịu cảnh sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. |
Hàng nghìn tấn rác thải bủa vây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân và môi trường sống xung quanh. |
Sàng lọc rác nhựa chủ yếu bằng tay, người dân chỉ trang bị găng tay vải. |
Những phế phẩm nhựa không thể tái chế được đốt bỏ, khiến không khí nơi đây bị ô nhiễm trầm trọng. |
Xã duy trì tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các hộ làm nghề thu gom, tái chế phế liệu để họ chấp hành tốt các quy định về phân loại, xử lý rác thải. |
TP Hà Nội đang triển khai giai đoạn 2 xây dựng cụm công nghiệp Xà Cầu để sớm di dời các hộ dân sản xuất ngành nghề tái chế phế thải ra khỏi khu dân cư. |