Nước Anh giữa cơn khủng hoảng
Quốc tế 12/07/2022 09:50
Theo kênh CNN, tỉ lệ ủng hộ ông Johnson suy giảm nghiêm trọng do lạm phát gia tăng, nền kinh tế Anh trì trệ, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nguy cơ đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh khó khăn trong mùa Đông này, cùng với đó là nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại với Liên minh châu Âu (EU).
Mọi nền kinh tế lớn đều phải gánh chịu hậu quả kéo dài của đại dịch Covid-19 đối với chuỗi cung ứng, cũng như hứng chịu cú sốc về chi phí năng lượng và lương thực sau khi Nga tấn công Ukraine hồi tháng 2, nhưng tình hình ở Anh tồi tệ hơn hầu hết các nước khác. Lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm, lên tới 9,1% vào tháng 5, cao nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu G7. Dự báo lạm phát ở Anh sẽ tăng trên 11% vào cuối năm nay bất chấp một loạt các đợt tăng lãi suất.
Ông Boris Johnson cuối cùng đã buộc phải chấp nhận từ chức Thủ tướng Anh ngày 7/7 khi hàng chục thành viên trong đảng của ông rời bỏ chính phủ. Ông Johnson đồng ý ra đi trong bối cảnh Anh chìm trong nhiều cuộc khủng hoảng... |
Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng tạo ra cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ, buộc các hộ gia đình có thu nhập thấp phải lựa chọn giữa sưởi ấm và thức ăn. Chính phủ của ông Johnson đã hứa hỗ trợ 400 bảng Anh cho mỗi gia đình để giúp đỡ hàng triệu người đang gặp khó khăn khi thanh toán hóa đơn năng lượng. Chính phủ cũng buộc phải công bố mức thuế 5 tỉ bảng Anh đối với lợi nhuận thu được của các công ty dầu khí.
Tuy nhiên những nỗ lực đó không còn tác dụng. Theo Ngân hàng Trung ương Anh, thu nhập khả dụng có xu hướng giảm mạnh do chi phí năng lượng và thực phẩm tăng cao. Số tiền chi trả hóa đơn của người Anh sẽ còn cao hơn rất nhiều. Các hộ gia đình ở Anh đặc biệt bị ảnh hưởng khi mức sống liên tục suy giảm. Hiện nay, các mức lương phổ biến không cao hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này đứng im vào tháng 2 và bắt đầu suy giảm vào tháng 3. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, tình trạng sụt giảm rõ hơn vào tháng 4, khi GDP ước tính giảm 0,3%. Cả ba lĩnh vực chính của nền kinh tế là dịch vụ, chế tạo và xây dựng đều đang thụt lùi. Doanh số bán lẻ trong tháng 5 đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp.
Có nhiều tin xấu đang chờ Anh. Trong báo cáo về ổn định tài chính được công bố vào đầu tuần này, Ngân hàng Trung ương Anh nói rằng, triển vọng của nền kinh tế Anh xấu đi đáng kể. Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo rằng, nền kinh tế Anh đang đi tới giai đoạn trì trệ, khi dự báo mức tăng trưởng năm 2023 chỉ bằng 0. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là thành tích tồi tệ nhất của G7 trong năm 2023.
Về Brexit, ông Johnson đã thành công khi hoàn thành, nhưng cắt đứt với Liên minh châu Âu (EU) không thúc đẩy thương mại như những gì mà ông và những người ủng hộ Brexit khác hứa. Anh đã bỏ lỡ phần lớn quá trình phục hồi trong thương mại toàn cầu kể từ sau đại dịch.
Đối với nhiều doanh nghiệp, thỏa thuận thương mại miễn thuế mà ông Johnson kí với các nhà lãnh đạo EU cách đây chưa đầy 2 năm làm phức tạp thêm thủ tục giấy tờ hải quan, khiến họ khó bán hàng vào thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình và làm tăng chi phí nhập khẩu. Các giao dịch kí kết với các quốc gia khác hầu như không có tác dụng.
Dữ liệu chính thức được công bố vào tuần trước cho thấy, thâm hụt cán cân thanh toán của Anh đã tăng vọt lên 8,3% GDP trong quý đầu tiên của năm 2022. Có nghĩa là nước này đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư nước ngoài để bù đắp cho thực tế là nước này đang phải nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, đồng bảng Anh bị giảm giá trong năm nay. Mối quan hệ giữa Anh với các nhà lãnh đạo EU căng thẳng. Tình hình có thể leo thang thành một cuộc chiến thương mại có khả năng gây tổn thương nhiều nhất cho Anh.