Những ưu tiên chiến lược về chính sách đối ngoại của Nga năm 2022
Quốc tế 06/01/2022 10:11
Theo Tiến sĩ Andrey Kortunov, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), một số xu hướng chính sách đối ngoại quan trọng của Nga năm 2022 bao gồm: Ngăn chặn leo thang căng thẳng ở Donbass và dọc theo biên giới Nga - Ukraine. Ngày nay, nhiều chuyên gia và chính trị gia ở phương Tây cho rằng, leo thang đối đầu quân sự ở Ukraine là một viễn cảnh gần như không thể tránh khỏi, với các cuộc tranh luận chỉ xoay quanh quy mô và phương thức can dự của Nga. Ngăn chặn một kịch bản như vậy sẽ là một thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Nga năm 2022.
Thứ hai, ổn định quan hệ Nga - Mỹ. Mục tiêu quan trọng của quan hệ này trong năm 2022 là chấm dứt căng thẳng ngoại giao và khôi phục hoạt động của một số cơ quan đại diện ngoại giao hai bên, ít nhất là ở Moskva và Washington, tiếp đó là mở cửa trở lại lãnh sự quán Nga và Mỹ ở các thành phố khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Thứ ba, khôi phục Đối thoại Nga - NATO. Cả hai bên đều bày tỏ mong muốn tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng, không chỉ ở cấp độ chính trị mà còn ở cấp độ quân sự. Tuy nhiên, để hiệu quả, cuộc đối thoại này không nên chỉ giới hạn trong các cuộc tiếp xúc định kì giữa Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Mỹ, mà còn phải bao gồm cả tiếp xúc giữa các quan chức quân sự hai bên ở cấp độ thấp hơn.
Thứ tư, thỏa thuận giữa Nga - EU về chuyển đổi năng lượng. Trong vài năm qua, đặc biệt là 2021, Nga thể hiện quan điểm về các vấn đề khí hậu bằng cách khởi động một loạt các chương trình thiết thực cho quá trình chuyển đổi năng lượng carbon thấp. Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng có thể góp phần cải thiện quan hệ giữa Nga và EU, đặc biệt là liên quan đến quy định thuế carbon xuyên biên giới. Rõ ràng, năm 2022 sẽ có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của hợp tác Nga - EU trong lĩnh vực năng lượng. Điều quan trọng đối với Nga là cuối cùng đã đưa đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2) vào hoạt động, loại bỏ một trong những trở ngại chính trong vấn đề hợp tác năng lượng giữa Nga và các đối tác phương Tây, cùng với việc khởi động các dự án phát triển năng lượng mới.
Thứ năm, ngăn chặn Afghanistan trở thành một “quốc gia thất bại”. Thảm họa nhân đạo ở Afghanistan năm 2022 sẽ tạo ra mối đe dọa đối với các nước láng giềng liên quan đến hàng triệu người tị nạn, gây bất ổn đáng kể tình hình chính trị không chỉ ở Afghanistan mà còn ở các nước xung quanh. Việc thiết lập các cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả để hỗ trợ nhân đạo và kĩ thuật cho Afghanistan, nhất trí dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc sẽ là một thành công đối với chính sách đối ngoại của Nga.
Thứ sáu, mở rộng hợp tác Nga - Trung. Hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh có những động lực tích cực ổn định. Cả Nga và Trung Quốc đang phải tìm cách phát triển chuỗi sản xuất và công nghệ chung cũng như tăng cường hoạt động đầu tư song phương. Tình hình địa chính trị đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu đòi hỏi mức độ phối hợp ngày càng tăng về chính sách của Nga và Trung Quốc trong một số lĩnh vực, khu vực và trong nhiều tổ chức quốc tế.
Ngoài ra, những ưu tiên chiến lược quan trọng về chính sách đối ngoại của Nga trong năm 2022 sẽ là tạo bước đột phá trong quan hệ với Ấn Độ; củng cố vị thế của Nga ở châu Phi; hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại Covid-19 và tránh sự sụt giảm của giá dầu…