Những thành tựu của ngành Y tế nước ta
Nghiên cứu - Trao đổi 27/02/2024 14:09
Năm 2023, nước ta có 12,5 bác sĩ và 32 giường bệnh/1 vạn dân và 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Theo báo cáo giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong giai đoạn 2018-2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp huyện) có trung tâm y tế; 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế (sau đây gọi là trạm y tế xã); 97,3% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020.
Nhân lực y tế cơ sở từng bước được củng cố, 92,4% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 78,9% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc cơ hữu; số lượng nhân lực y tế có trình độ cao ngày càng tăng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến với gần 80% trạm y tế xã được đầu tư kiên cố. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, cơ bản thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế được cải thiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trạm xá Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội ngày 21/3/1960. |
Bên cạnh đó, nước ta đã chủ động sản xuất được nhiều loại vắc xin phòng bệnh, như sản xuất thành công kháng sinh Pénicilline (1950), vắc xin phòng bệnh đậu mùa (1961), vắc xin Sabin phòng bại liệt (1961), vắc xin phòng cúm mùa 4 type (2021)... Vắc xin tả uống của Việt Nam phát triển từ công nghệ được Thụy Điển chuyển giao và Việt Nam cũng là quốc gia nghiên cứu, sản xuất được vắc xin này từ sớm. Năm 2000-2001,Việt Nam tiếp tục chuyển giao miễn phí công nghệ này cho Viện Vắc xin Hàn Quốc và từ đó một công ty của Ấn Độ đã có bản quyền sản xuất vắc xin tả uống xuất khẩu khắp thế giới.
Trong 39 năm (từ năm 1985) thực hiện tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam, hiện Việt Nam đã sản xuất được 12/13 vắc xin tham gia chương trình. Bộ Y tế đang đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sản xuất được 14 loại vắc xin cung cấp cho tiêm chủng mở rộng. Từ năm 1993-2020, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi luôn được duy trì trên 90% ở quy mô tuyến tỉnh.
Theo thống kê của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hằng năm số lượng mũi tiêm thực hiện trong tiêm chủng mở rộng khoảng 30 triệu mũi, đó là ngừa lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi - viêm màng não do Hib, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản. Bên cạnh đó có xấp xỉ 10 triệu liều vắc xin dịch vụ cho cả người lớn và trẻ em (vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, hậu môn, vòm họng do HPV, vắc xin ngừa cúm, thủy đậu, dại, các bệnh do phế cầu, Rota vi rút, thương hàn...).
Lần đầu tiên tại Việt Nam, trẻ đến độ tuổi đi học sẽ được rà soát tiền sử tiêm chủng, nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi sẽ được tiêm bù liều, giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh. Trong năm 2023, hoạt động này được triển khai trên quy mô nhỏ tại 12 tỉnh, thành của 4 khu vực, gồm Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng. Dự kiến đến năm 2024, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ mở rộng phạm vi triển khai thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học tại trường học khoảng 30% số tỉnh, thành, từ năm 2025 sẽ triển khai trên toàn quốc.
Nhờ đó, Việt Nam đã kiểm soát và ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm. Nước ta đã thanh toán thành công các dịch bệnh nguy hiểm: Đậu mùa (1978), bại liệt (2000), dịch hạch (2002), uốn ván sơ sinh (2005). Nước ta là một trong những nước khống chế thành công dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng); ngăn chặn thành công những bệnh truyền nhiễm mới nổi: Cúm A/H7N9 (Bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người), Ebola (Bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra), MERS-CoV (Hội chứng hô hấp Trung Đông - một bệnh hô hấp cấp tính nặng do coronavirus MERS gây ra). Dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam cũng tiếp tục được kiểm soát. Việt Nam với Anh, Đức, Thụy Sỹ là bốn quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.
Để phòng chống dịch Covid-19, từ rất sớm, Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra thông điệp “5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene virus gây dịch Covid-19 và là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể. Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ cũng nỗ lực đàm phán để có nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 từ các nước trên thế giới. Đến nay nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc xin Covid-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%, góp phần quan trọng trong khống chế dịch Covid-19, đưa cuộc sống quay trở lại bình thường như hiện nay.
Ngày 25/10/2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Với quan điểm y tế cơ sở là nền tảng, Chỉ thị hướng tới mục tiêu: Phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.
Nhân dịp kỉ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930- 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết bài: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”; đã đánh giá: “Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam mở rộng diện bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện, đến nay đã đạt mức 93,35% (năm 1993 mới chỉ là 5,4%); đồng thời tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023”.