Những mô hình nông nghiệp đô thị tiêu biểu
Đời sống 10/11/2022 10:27
Ông Phạm Thanh Long, 65 tuổi, hội viên Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), đến với nghề làm vườn như một thú vui tuổi già. Rời quân ngũ trở về đời thường (năm 2015), ông Long tận dụng khu đất trống gần nhà để trồng rau đậu các loại, vừa có thu nhập cho gia đình, vừa góp phần gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp. Đến năm 2018, khi khu đất trống ấy đã được xây dựng công trình, ông Long chuyển lên canh tác trên sân thượng và trở thành mô hình sản xuất nông nghiệp trong không gian đô thị đầu tiên ở phường Hòa Cường Nam.
Từ tìm hiểu kiến thức trên internet, ông Long mua 30 thùng xốp, tráng xi măng và đổ đất vào bên trong để canh tác. Cách đáy thùng khoảng 5cm, ông đặt tấm nhựa có những lôỗ nhỏ để tạo khoảng trống chứa nước bên dưới, còn bên trên cho đất vườn trộn với phân chuồng hoai mục. Người CCB già đặt một ống nhựa để đổ nước vào đáy thùng xốp và lắp vòi thoát nước sát dưới đáy thùng, tạo sự lưu chuyển, thay đổi lượng nước. Hằng năm, ông trồng nhiều loại rau đậu như xà lách, cải xanh, rau muống, tần ô, mướp, khổ qua, dưa leo. “Nhờ thường xuyên có nước ở đáy thùng, nên đất trong thùng luôn bảo đảm độ ẩm để cây trồng phát triển. Ban ngày, chỉ dùng vòi tưới sơ trên lá để cây trồng mau phát triển”, ông Long chia sẻ.
Ông Phạm Thanh Long tưới rau trên sân thượng. |
Quanh năm, ông Long chăm sóc các loại cây trồng theo hướng hữu cơ nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Những loại rau đậu, ông trồng bên dưới, còn phía trên trồng các loại cây bò giàn như bí, bầu, mướp, mồng tơi, khổ qua. Các loại rau đậu thường trồng khoảng 60 ngày là thu hoạch, sản phẩm không chỉ có bán mà ông Long còn thường xuyên cho, tặng bà con, hàng xóm, bạn bè. Đồng thời, ông Long trồng nhiều loại hoa cây cảnh, hoa treo giàn, tạo ra khoảng không gian đẹp mắt trên sân thượng. Đặc biệt, có những cây đu đủ quanh năm chen chúc quả dù chỉ cao khoảng 1 mét. Ông Long cho biết: “Tôi trồng đu đủ xiên 25 độ so với mặt phẳng ngang, trong quá trình phát triển, nó dần dần ngóc ngọn lên, do vậy, cây chỉ cao khoảng 1 mét, hạn chế bị gãy do gió bão”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hồng Nam, ở phường Thanh Bình (quận Hải Châu) hằng ngày dành hết tâm sức cho niềm đam mê trồng hoa phong lan. Từ năm 2019, anh lần lượt đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng mái tôn trên sân thượng, mua chậu các loại và lắp đặt đồng bộ hệ thống tưới nước, bón phân tự động. Anh trồng lan kín cả sân thượng với nhiều kích cỡ khác nhau. Vừa tưới lan, anh vừa chia sẻ: “Mình mua cây lan giống giá 5 triệu đồng/thân; chăm sóc một năm sau, lan phát triển thêm từ 3 - 6 thân, mỗi thân cắt bán giống được từ 4-5 triệu đồng. Trồng lan trên sân thượng đem lại mức thu nhập từ 30-50 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí”.
Vốn là kĩ sư kinh tế và say mê với hoa phong lan từ bé, anh Nam tập trung phát triển 3 giống lan quý hiếm có nguồn gốc từ lan kiếm, đó là lan Phan Trí, lan Vị Hoàng và lan Xanh Huế, đồng thời luôn chú trọng chăm bón bằng các loại phân hữu cơ. Hằng ngày, anh đều đặn tưới lan hai lần vào lúc sáng sớm và chiều mát, không để chậu lan bị khô mặt và cũng không tưới quá nhiều nước. Anh Nam cho biết, chăm sóc lan phải nhẹ nhàng, khéo léo, giai đoạn cây tăng trưởng phải bón phân có tỉ lệ đạm nhiều và tăng các yếu tố vi lượng như magie, can xi. “Nghề trồng lan rất công phu và nhất thiết phải có sự ham thích, say mê, tâm huyết. Trồng lan đem lại thu nhập cao nhưng phải thành thạo kĩ thuật và bảo đảm đầu ra thì mới làm được”, anh Nam nhấn mạnh…
Theo Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nông dân quận Hải Châu Hoàng Minh Trinh, mô hình của ông Phạm Thanh Long có sự đa dạng về các loại cây trồng, còn mô hình của anh Nguyễn Hồng Nam mang tính chuyên canh; cả hai mô hình đều phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, đạt hiệu quả kinh tế cao và đang được các cấp hội tuyên truyền, nhân rộng.