Giải pháp nào để xóa nghèo bền vững ở Phú Tân
Xã hội 08/12/2023 17:30
Nhiều điểm nổi bật...
Huy động và tập trung tốt các nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo là một trong nhiều điểm nổi bật mà huyện Phú Tân nỗ lực thực hiện lồng ghép với nhiều chương trình dự án, đồng thời triển khai đồng bộ với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ đó góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo. Ông Võ Thanh Tùng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Tân cho biết: Từ nguồn vốn cơ bản chủ yếu là ngân sách Nhà nước để thực hiện mục tiêu giảm nghèo thời gian qua huyện đã hỗ trợ 100% BHYT cho nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tiền điện; học phí đào tạo nghề cho người lao động; trợ giúp học phí, chi phí học tập cho học sinh; ủy thác nguồn vốn hỗ trợ việc làm; hỗ trợ vốn sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo… Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng doanh số cho vay các chương trình từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 91 tỉ đồng; trong đó cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm gần 16 tỉ đồng; đến nay, tổng mức dư nợ trên 415 tỉ đồng, hơn 15.000 hộ; trong đó dư nợ hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên 58 tỉ đồng. Nguồn vốn Quỹ vì người nghèo các cấp huy động trên 25,7 tỉ đồng, hỗ trợ giúp 36.157 hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn với tổng giá trị trên 9 tỉ đồng, hỗ trợ xây nhà mới 269 căn, sửa chữa 21 căn nhà trị giá trên 13 tỉ đồng, trợ cấp thường xuyên và đột xuất 2,6 tỉ đồng cho hơn 10.000 lượt hộ.
Thủ tục ký kết bàn giao bò cho nông dân có chứng kiến của Phòng lao động- Thương binh và xã hội huyện Phú Tân, lãnh đạo UBND xã Phú Bình huyện Phú Tân tỉnh An Giang |
Ông Tùng cho biết thêm: “Giai đoạn 2021 - 2023, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, tỉ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2022 là 3,49%, dự kiến đến cuối năm 2023 còn 2,74%. Bình quân mỗi năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 0,75 %/năm. Trong giữa kì qua, huyện Phú Tân đã đạt được mục tiêu về giảm tỉ lệ hộ nghèo. Chất lượng giảm nghèo từng bước được nâng lên. Huyện đã tổ chức triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả”.
Cùng với huy động các nguồn vốn, đào tạo nghề cho người lao động được xem là biện pháp cốt lõi để giúp hộ nghèo giữ vốn, ổn định cuộc sống từ thu nhập hàng ngày, từng bước giảm nghèo vững chắc. Năm 2023, huyện Phú Tân đã đào tạo nghề cho 39 lao động thuộc hộ nghèo và 90 lao động thuộc hộ cận nghèo, chiếm tỉ lệ 22,6% trong tổng số lao động được đào tạo. Trên 90% lao động được đào tạo nghề hoặc qua tập huấn trước khi tiếp nhận vốn thực hiện mô hình giảm nghèo. Bên cạnh đó việc triển khai áp dụng nhiều mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả. Từ chính sách hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo Dự án 2, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Tiểu dự án 1 của Dự án Hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, toàn huyện có 16 dự án được phê duyệt (9 dự án nuôi bò thịt, 7 dự án nuôi dê sinh sản), có 171 hộ được hỗ trợ vốn, trong đó có 27 hộ nghèo, 106 hộ cận nghèo, 24 hộ mới thoát nghèo và 14 hộ làm kinh tế giỏi giữ vai trò dẫn dắt, tổng kinh phí thực hiện dự án là 9,95 tỉ đồng (Ngân sách hỗ trợ 4,36 tỉ đồng, hộ dân đối ứng 5,59 tỉ đồng).
...Những giải pháp tích cực
Từ những việc làm tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ khó khăn cụ thể là thu nhập thấp, nhất là những người trong độ tuổi lao động. Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Tân có nhiều giải pháp tích cực để người dân thoát nghèo bền vững đó là:
Ông Võ Thanh Tùng Trưởng phòng Lao động-Thương binh và xã hội huyện Phú Tân tỉnh An Giang cùng lãnh đạo UBND xã Phú Bình trao bò theo dự án tạo sinh kế cho người nghèo |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác giảm nghèo. Tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình giảm nghèo nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong nội bộ, tạo quyết tâm chính trị cao nhất; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác giảm nghèo, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; nâng cao trách nhiệm, nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của chính bản thân hộ nghèo; chú trọng tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy nhân rộng và tạo sức lan tỏa bằng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, kinh nghiệm, sáng kiến giảm nghèo và gương điển hình vươn lên thoát nghèo.
Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo; thực hiện tốt công tác quản lí nhà nước về chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động, điều hành tập trung và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho chương trình giảm nghèo.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lí trong công tác giảm nghèo cho cán bộ xã, thị trấn, ấp, khóm. Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo ở cơ sở để tăng cường giải thích về chính sách, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện; thúc đẩy giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa bàn trong thực hiện Chương trình.
Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương Bình và Xã hội huyện Phú Tân tỉnh An Giang đối thoại với các hộ bó chổi bông sậy ở Cồn Nhỏ xã Phú Bình để lập kế hoạch hỗ trợ vốn |
Các phòng, ban, ngành cấp huyện, tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, quản lí, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí, đúng mục đích, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách hỗ trợ sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; các chương trình tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng khác được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất, tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời sử dụng khai thác có hiệu quả lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn xã, thị trấn; ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có lao động, có phương án sản xuất, có tay nghề tham gia vào các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh để nâng cao khả năng thoát nghèo.
Thực hiện đầy đủ, đồng bộ chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền điện; mua thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội... Quản lí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực an sinh xã hội cho chương trình giảm nghèo.
Có thể nói, từ những giải pháp thiết thực giúp người dân xóa nghèo bền vững, Phú Tân được xem là một trong những điểm sáng về phong trào xóa đói giảm nghèo của tỉnh An Giang. Với tinh thần cần cù lao động, người dân đất cù lao Phú Tân từng bước sẽ phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Nhà nước để người dân có cuộc sống tốt hơn.