Những hệ lụy khó lường của “đòn trừng phạt”
Quốc tế 07/12/2022 09:06
Ý tưởng áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga do G7, trên thực tế do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, đề xuất nhằm làm giảm nguồn thu của Nga nhưng vẫn muốn dầu thô từ Nga tiếp tục được cung cấp ra thế giới, qua đó tránh kịch bản giá dầu tăng đột ngột. EU khẳng định việc áp giá trần không ảnh hưởng tới lệnh cấm vận toàn diện đối với dầu mỏ Nga, tức là các nước thành viên của liên minh sẽ không mua dầu thô có nguồn gốc từ Nga được vận chuyển bằng đường biển kể từ ngày 5/12 theo quyết định được thông qua từ hồi tháng 6.
Trong thông báo ngày 3/12, Ủy ban châu Âu (EC) làm rõ hơn mục đích của việc áp giá trần là nhằm ổn định thị trường năng lượng thế giới mà cơ quan này đánh giá đã bị cuộc chiến ở Ukraine “thổi phồng”. EC tin rằng điều này sẽ giúp giải quyết tình trạng lạm phát, giữ giá năng lượng ổn định giữa lúc giá cả tăng cao ảnh hưởng tới tất cả các nước thành viên EU. Trước đó, các nguồn tin ngoại giao cho biết EU đã nhất trí cơ chế điều chỉnh để giá trần luôn thấp hơn giá trị trường ít nhất 5%.
Một trạm bơm dầu gần Dyurtyuli, CH Bashkortostan, LB Nga |
Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng mức giá trần 60 USD/thùng là sự thỏa hiệp nội bộ EU và vì lợi ích của chính các nước thành viên. Phản ứng ngay sau khi EU thông báo hoàn tất phê chuẩn thỏa thuận áp giá trần đối với dầu thô của Nga, Thư kí báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, Moskva không chấp nhận và sẽ sớm có biện pháp sau khi phân tích tình hình. Phó Thủ tướng Nga Alexandr Novak nhấn mạnh Nga sẽ không bán dầu cho các nước áp đặt giá trần, đồng thời đang xây dựng cơ chế cấm áp dụng giá trần với bất kì mức nào. Ông Novak nhắc lại quan điểm của Moskva coi bước đi của phương Tây là sự can thiệp thô bạo và phi thị trường, sẽ càng gây thêm bất ổn, dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung và giảm đầu tư cho ngành năng lượng.
Chuyên gia Nga Alexander Potavin nhận định, sẽ có 3 kịch bản đối với thị trường dầu mỏ của Nga sau ngày 5/12. Tuy nhiên, chuyên gia này thiên về kịch bản giá dầu của Nga duy trì ở mức 60 USD/thùng và sản lượng khai thác sẽ chỉ giảm 0,3 - 0,5 triệu thùng/ngày. Đây cũng là kịch bản mà giới phân tích phương Tây thừa nhận hầu như không tác động đến nguồn thu từ dầu mỏ của Nga bởi trên thực tế dầu Ural của Nga đang được xuất khẩu quanh ngưỡng 60 USD/thùng trong khi chi phí khai thác vào khoảng 20 USD/thùng.
Các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẵn sàng mua dầu thô của Nga sau ngày 5/12 và có thể thực hiện nhiều biện pháp nhằm ứng phó với sự áp đặt của phương Tây. Ngoài ra, Nga vẫn đang xuất khẩu khoảng 30% sản lượng dầu mỏ của mình cho Trung Quốc và một số nước châu Âu qua hệ thống đường ống, vốn không chịu tác động của các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, do gặp khó khăn về kinh tế trong khi vẫn đang tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga tiếp tục phải dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ. Do đó, dự báo được đưa ra là Nga sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ ngay cả khi mức giá trần thấp hơn nữa.
Nhưng những phát biểu của giới chức Nga cho thấy nước này không loại trừ khả năng cắt giảm mạnh nguồn cung ra thị trường thế giới khi bị dồn vào thế bí. Với tư cách là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, chiếm 10% sản lượng toàn cầu, đồng thời là quốc gia có tiếng nói quan trọng trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), mỗi động thái của Nga chắc chắn sẽ tác động lớn tới thị trường dầu mỏ nói riêng, thị trường năng lượng thế giới nói chung…