Những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tại nhà tù Xam Khê
Xã hội 16/09/2022 10:16
Sau khi Hiệp định về lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được kí kết ngày 21/2/1973, đối phương buộc phải trao trả những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) cho Mặt trận Lào yêu nước (Neo Lào Hắc Sạt). Ngày 19/9/1974, tại sân bay Phôn Sa Vẳn, tỉnh Xiêng Khoảng, 173 chiến sĩ CMBĐBTĐ (trong đó có 163 chiến sĩ Việt Nam và 9 chiến sĩ Pa thét Lào) đã được giải thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về với Tổ quốc, với Nhân dân.
Những chiến sĩ đầu tiên bị địch bắt trên chiến trường Lào trong thời gian từ 1962-1966, là các chiến sĩ thuộc các Tiểu đoàn Quân tình nguyện tham gia chiến đấu và có người khi sa vào tay địch chỉ mới 20 tuổi, bị địch giam cầm đến 12 năm, khi được trở về Tổ quốc đã ngoài 30 tuổi. Còn phần lớn là các chiến sĩ bị địch bắt trong những năm 1971-1972, khi chiến trường đã trở nên ác liệt hơn. Trong đó, phải kể đến các trận đánh nổi tiếng trong các chiến dịch, như: Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Thượng Lào); Phà Lan - Đồng Hến, Nậm Bạc (Trung Lào); chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch giải phóng cao nguyên Bôlôven, chiến dịch Xa La Van, Không Sê Đôn (Hạ Lào)… Các anh là chiến sĩ thuộc Sư đoàn 316, Sư đoàn 968, Đoàn 559 hay chuyên gia quân sự, dân chính giúp bạn Lào xây dựng quân đội và chính quyền cách mạng… trên khắp đất nước Lào.
Khi cầm súng, họ là những chiến sĩ ngoan cường, dũng cảm trong chiến đấu; dù bị thương, bị vây, bị đói nhưng vẫn kiên cường tiến công khiến kẻ thù khiếp sợ. Dù ở vị trí chiến sĩ hay chỉ huy, chiến đấu hay phục vụ chiến đấu, cố vấn quân sự hay quân y… họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi không may sa vào tay địch, các anh từng bị giam cầm ở nhiều nhà tù trên đất nước Lào như: Pắc Xê, Xavannakhét, Phôn Khênh… và cuối cùng là nhà tù Xam Khê (Viêng Chăn). Mặc dù bị kẻ địch tra tấn dã man cùng với chế độ hà khắc trong nhà tù: Đói rét, bệnh tật, cùm chân như thời trung cổ, đày đi biệt giam…; nhiều đồng chí bị thương, bị tàn phế, tâm thần, bị địch thủ tiêu hoặc chết vì ốm đau bệnh tật… nhưng vẫn một lòng trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, giữ trọn 10 lời thề của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong những năm tháng nằm trong tay địch, các anh vẫn tiếp tục cống hiến tuổi thanh xuân cho tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào, giữ vững niềm tin sắt son vào ngày chiến thắng.
Tại nhà tù Xam Khê, chi bộ Đảng bí mật đã được thành lập và lãnh đạo anh em giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng: Tổ chức đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, đòi cải thiện cuộc sống nhà lao, chữa bệnh cho những người ốm đau, được tắm nắng, chống đánh đập, khủng bố… với các hình thức tuyệt thực hoặc chống chọi trực tiếp bằng vũ lực, bằng hô la… Trong đó, nêu gương đi đầu trong các cuộc đấu tranh là những đồng chí đảng viên, đoàn viên, những quần chúng tích cực. Họ viết quyết tâm thư bằng máu, sẵn sàng hi sinh thân mình để đấu tranh và đã kiên gan đấu tranh cho đến ngày thắng lợi.
Sau ngày chiến thắng trở về, các CSCMBĐBTĐ tại chiến trường Lào đã được Đảng và Quân đội cho đi an dưỡng, chữa bệnh. Sau khi hồi phục sức khỏe, có đồng chí trở lại quân đội tiếp tục tham gia chiến đấu, có đồng chí ra quân, chuyển ngành, học đại học hoặc trở về địa phương lao động sản xuất. Hầu hết các CSCMBĐBTĐ tại nhà tù Xam Khê - Viêng Chăn đã được các địa phương quan tâm, chăm sóc và được hưởng chính sách đối với người có công của Nhà nước.
Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận những cống hiến, hi sinh của các CSCMBĐBTĐ tại nhà tù Xam Khê (Viêng Chăn), các anh đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước Việt Nam, cũng như vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân Lào anh em, góp phần xây đắp nên tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị đặc biệt của hai dân tộc Việt Nam - Lào trong suốt 60 năm qua.