“Sứ giả” đặc biệt của hai nước Việt - Lào
Tuổi cao gương sáng 15/07/2022 10:13
Hết lòng tri ân đồng đội
Năm 1966, ông Trần Văn Bông (sinh năm 1947) nhập ngũ và đi làm nhiệm vụ chiến đấu giúp cách mạng Lào ở tỉnh Sầm Nưa (nay là tỉnh Hủa Phăn).
Năm 1968, sau khi Sầm Nưa giải phóng, ông tham gia chiến đấu tại 6 tỉnh Bắc Lào. Từ năm 1970-1973, ông là Chính trị viên C3 Mường Sài là đơn vị độc lập chiến đấu dọc sông Mê Kong.
Đến nay, khi chiến tranh đã lùi xa, cây cỏ đã lấp đầy những hố bom, nhưng có những vết thương do chiến tranh vẫn chưa kín miệng. Rời quân ngũ hơn 20 năm, nhưng ông Bông vẫn canh cánh trong lòng lời hứa: “Nếu còn sống sẽ quay lại đưa đồng đội trở về”. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe giảm nhưng ông vẫn thường dẫn các đội quy tập hài cốt quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Ông Trần Văn Bông (bên trái) với người đồng đội là CCB Lào. |
Công việc khó khăn, dường như “mò kim đáy bể” bởi phần lớn các liệt sĩ hi sinh gần nửa thế kỉ, nơi chôn cất là cao điểm chiến đấu, nơi đóng quân của bộ đội Việt Nam trong rừng sâu hiểm trở không người qua lại. Thêm nữa, mùa khô ở Lào thời tiết rất khắc nghiệt; ngày nóng bỏng rát nhưng có đêm lạnh thấu xương, phải dựng lán ngủ trong rừng nhiều ngày. Đường sá chưa được đầu tư nhiều, khi phải leo dốc, lội suối 7, 8 tiếng đồng hồ, vừa đi vừa mở đường. Những bữa cơm ở giữa rừng trở nên quá quen thuộc với đội quy tập.
Không chỉ đi tìm hài cốt đồng đội, ông còn đến thăm hỏi, động viên những đồng đội còn sống và giúp đỡ thân nhân những người CCB tại Lào.
Tích cực làm kinh tế
Sau khi chiến tranh kết thúc, từ năm 1995 - 1998, ông về làm phiên dịch ở Học viện Hậu cần, đào tạo cho sĩ quan Lào. Năm 1999, ông nghỉ hưu và làm đại diện cho Vinaconex xây dựng Trường Đại học quốc gia Lào, sau đó là đại diện cho Licogi xây dựng đường 8 Cầu Treo. Từ năm 2004 tới nay, ông làm Giám đốc Công ty Tiến Hiếu, tham gia khai thác mỏ tại tỉnh Hủa Phăn.
Chia sẻ về quá trình đầu tư và làm kinh tế tại Lào, ông cho biết, năm 2004, sau khi đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ, Công ty kí hợp đồng với Chính phủ Lào để khai thác mỏ sắt ở Sầm Nưa, với tổng số vốn gần 2 triệu USD. Đến năm 2014, Công ty thiếu vốn xin tạm dừng hoạt động nhưng vẫn phải đóng thuế. Ông đề nghị với Đại sứ quán và được hỗ trợ giãn nợ nộp thuế đến năm 2020, sau khi mua lại 85% cổ phần, Công ty mới hoạt động trở lại. Hiện Công ty được phép mở rộng khai thác thêm một mỏ nữa, dự kiến sẽ đi vào hoạt động thời gian tới. Những dự án không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương mà còn tô thắm thêm tình hữu nghị Việt - Lào. Bên cạnh đó, Công ty đã khẳng định được uy tín với các đối tác bởi phong cách làm việc chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo với phương châm: Uy tín - Chất lượng - Tiến độ.
Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu, Công ty ông quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kĩ sư, nhân viên, người lao động có kĩ năng lành nghề, sáng tạo, tâm huyết. Công ty cũng xây dựng môi trường làm việc đồng thuận, tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát huy tối đa năng lực làm việc và giúp nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động...
Càng tiếp xúc với CCB Trần Văn Bông, càng thấy rõ vẻ chân chất, giản dị. Nghe ông nói mới thấy, dù thời chiến cầm súng đối mặt với quân thù hay thời bình lăn lộn trên thương trường, thì phẩm chất “Người lính Cụ Hồ” vẫn luôn là nguồn sức mạnh để ông vượt khó, vươn lên. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, người “sứ giả” đặc biệt này vẫn đang miệt mài với công tác thiện nguyện, bởi ngày nào còn liệt sĩ nằm lại trên mảnh đất Lào, ngày ấy bước chân của ông vẫn chưa thể dừng lại…
Với những đóng góp của mình, ông đã được Đảng và Nhà nước Lào trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Kháng chiến vì những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến ở Bắc Lào.