Những cách "cai nghiện" điện thoại hiệu quả cho con mà phụ huynh không nên bỏ qua
Đời sống 09/01/2020 08:31
Ông bố Jamie Clarke đến từ Calgary, Alberta, Canada, đã có cách “cai nghiện” điện thoại hiệu quả, áp dụng cho con của mình, giúp giảm đáng kể thời gian sử dụng thiết bị thông minh này, đó là cùng con đi phượt tới Mông Cổ
Xuất phát từ việc thấy cậu con trai Khobe, 18 tuổi dành quá nhiều giờ cho chiếc điện thoại cùng với đó là ước mơ tới Mông Cổ, Jamie Clarke đã đề xuất và cùng con trai thực hiện chuyến đi phượt này, mặc dù ban đầu Khobe tỏ ra không thích và rất miễn cưỡng
Chuyến đi dài một tháng đã giúp cho Jamie Clarke và con trai gắn kết. Theo anh, đó là khoảng thời gian mà hai cha con có thể tâm sự, cùng nhau đi, cùng nhau nấu ăn, và cùng nhau trò chuyện. Qua đó, anh thấy Khobe thay đổi, trưởng thành hơn, không còn cáu gắt khi bị cấm cản dùng điện thoại như trước
Hay như một người phụ nữ sống tại tỉnh Songkhla, Thái Lan cũng đã dùng “chiêu độc” giúp “cai nghiện” smartphone ở đứa con nhỏ của mình. Bởi, trước đó, con gái của cô thường xuyên sử dụng điện thoại khoảng 1 – 2 tiếng/ngày
Solly Khandee đã dùng màu, sau đó vẽ một quầng thâm lên mắt của cô con gái. Khi bé tỉnh dậy, nhìn thấy đôi mắt, bé đã hét lên và bật khóc vì hoảng sợ. Khandee nói với con rằng do chơi điện thoại nhiều quá nên đôi mắt bị thâm như vậy
Cách làm này sau đó đã được chia sẻ nhanh chóng, tạo thành một trào lưu hot trên mạng. Tuy nhiên, theo TS Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý, giáo dục trẻ chia sẻ trên báo Dân trí: “Không thể sử dụng chiêu trò nói dối để dạy trẻ. Trẻ sớm muộn cũng sẽ biết sự thật. Khi đó, mối quan hệ giữa trẻ và bố mẹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.” Phương án này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý của trẻ
Việc “cai nghiện”điện thoại ở con trẻ không thể diễn ra một cách nhanh chóng, mà phụ huynh cần kiên trì, rèn cho con các thói quen tốt
Thay vì trách mắng, quở phạt con trẻ bằng những câu từ nặng lời thì cha mẹ cần nhẹ nhàng khuyên bảo, giải thích cho con hiểu những hậu quả của việc lạm dụng quá nhiều vào smartphone
Cha mẹ có thể giới hạn thời gian sử dụng điện thoại trong một ngày đối với trẻ. Áp dụng việc cài đặt mật khẩu sau khoảng thời gian cho phép con dùng điện thoại. Chia nhỏ khoảng thời gian đó ra, và tránh việc chơi quá lâu hoặc chơi trước khi đi ngủ
Không nên để trẻ dùng điện thoại một mình. Cha mẹ nên cùng con học tập, tìm kiếm thông tin bởi các bạn nhỏ rất dễ mất khả năng tập trung, bị thu hút bởi những trò chơi trên thiết bị thông minh
Đăng ký cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng, vừa giúp trẻ học hỏi, giao lưu kết bạn với bạn bè, vừa hạn chế được việc trẻ dùng điện thoại mỗi ngày
Tiếp đến đó là việc vui chơi thông qua các hoạt động ngoài trời, các trò chơi, đi dạo…
Cha mẹ có thể cùng con trò chuyện, đọc sách hoặc tham gia các hoạt động khác cùng con, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện
Để việc “cai nghiện” điện thoại ở trẻ được hiệu quả thì bản thân cha mẹ cũng cần là những tấm gương cho con học tập theo. Không nên sử dụng điện thoại quá nhiều và quá lâu khi ở cùng con, đi chơi cùng con
Việc đưa ra những quy định, kỷ luật sẽ giúp trẻ thay đổi, từ đó hình thành các thói quen tốt, hạn chế được thời gian sử dụng điện thoại di động