Như bông hoa lặng lẽ toả hương
Giáo dục 12/09/2023 08:51
Một gia đình cách mạng kiên trung
Trước cách mạng tháng Tám, Thanh Hà là mảnh đất cuối của vùng hạ huyện Thanh Chương, mảnh đất mà cái nghèo, cái đói cứ bám riết từ đời cha cho tới đời con. Đói khổ nhưng hiếu học và cách mạng thì khó nơi nào sánh kịp. Đầu năm 1930, Chi bộ Đảng cộng sản Thanh Chương được thành lập, ông nội của Thủy là ông Trần Đình Trượn vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, ông đã dìu dắt người con đầu Trần Lương vào đội Tự vệ đỏ. Năm 1931, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị dìm trong biển máu, ông Trần Đình Trượn và con trai Trần Lương đã anh dũng hy sinh. Ông Trượn và anh Lương hy sinh, bọn cường hào đến đốt nhà, đuổi vợ và 5 người con ông ra khỏi làng duy chỉ còn lại người con thứ 6 Trần Đình Trọng, (bố của Thủy) còn nhỏ nên mới thoát được cảnh gông cùm.
Cô Trần Thị Thủy, giáo viên trường Mầm non xã Thanh Hà. |
Lớn lên trong sự cưu mang đùm bọc của bà con chòm xóm, năm 1947, ông Trọng xung phong đi bộ đội, tham gia chiến đấu và bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến tranh chống Mỹ cứu nước bùng nổ, ông Trọng xung phong đi dân công hỏa tuyến. Cuối năm 1964, sức khỏe yếu, ông về địa phương được bầu giữ chức Xã đội trưởng cho đến năm 1989 thì nghỉ hưu. 7 năm sau ông Trọng qua đời trong nỗi tiếc thương vô hạn của bà con chòm xóm.
Nỗi đau một người mẹ
Năm 1955, ông Trọng xây dựng gia đình với bà Vương Thị Lý, người cùng xã. Ông bà 6 lần sinh được 7 người con, trong đó có một lần sinh đôi. Người con gái đầu Trần Thị Quảng lành lặn hiện đã có gia đình, sáu người con còn lại của ông Trọng đều bị tật nguyền. Người con thứ hai Trần Thị Châu khi mới sinh ra đã bị còi cọc mất năm 1995. Người con thứ ba Trần Đình Đức khi sinh ra bàn tay đã bị cụt ngón. Thời đó chưa có quy định về các loại bệnh do nhiễm chất độc nên ông Trọng không biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Ông bà gắng sinh thêm lần thứ tư được hai người con gái đặt tên là Trần Thị Liên và Trần Thị Minh. Nhưng cả Liên và Minh sinh ra đã bị liệt cả hai chân. Các chị nay đã gần 60 tuổi nhưng chưa một lần đứng lên được trên đôi chân của mình. Người con thứ sáu Trần Thị Thắng bị liệt cả hai tay và hai chân. Vượt lên nỗi đau, vượt lên số phận, ông bà gắng sinh thêm lần nữa. Lần này, ông trời đã nở nụ cười với họ. Trần Thị Thủy sinh ra bình thường nhưng cũng yếu, chân tay nhỏ, đi lại khó khăn. Thương con khi còn đi học, ngày hai buổi ông Trọng lúc cõng, lúc chở Thủy tới trường với niềm hy vọng" Ngày mai trời lại sáng". Lên học Trung học phổ thông, Thủy được bạn bè chở đi, chở về, em đã tốt nghiệp lớp 12 và đậu vào Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An nhưng khổ một nỗi Thủy không đủ sức khỏe và kinh tế để theo học,Thủy mà đi học lấy ai nuôi cả nhà. Thương hoàn cảnh gia đình bà Lý, UBND xã Thanh Hà đã ưu tiên cho Thủy vào dạy lớp Mẫu giáo trong xóm.
Như bông hoa lặng lẽ toả hương
Hơn 28 năm dạy học, chưa bao giờ Thủy nghỉ dạy một buổi. Buổi sáng Thủy thức dậy nấu nướng, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, sau đó cùng mẹ bế ba chị đi vệ sinh, thay quần áo, dặt dũ xong mới tới lớp. Khi chưa có điện, đến bữa ăn, Thủy vừa quạt vừa động viên các chị ăn ngon miệng. Do tàn tật nên cuộc đời Liên, Minh Thắng chưa một lần được đến trường, chưa một lần ra khỏi lũy tre làng nên các chị hay buồn tủi, thường chụm đầu vào nhau khóc nức nở. Thương các chị Thủy chẳng biết làm sao, vờ tươi tỉnh hát ru các chị, nhiều lúc ru khản cả giọng. Hát bài này sang bài khác, Thủy lại mang sách báo ra đọc cho các chị nghe. Những bài hát mộc mạc, những câu chuyện cổ tích có hậu, những chuyện tình cảm động trên sách báo đã làm nguôi ngoai những tủi buồn của các chị. Đó là nghị lực, là ước mơ chắp cánh cho các chị, hy vọng ngày mai trời lại sáng cho ba số phận quanh quẩn nơi vườn nhà.
Sáng hôm sau đến lớp, thấy các cháu nhỏ vui đùa, Thủy như quên hết nỗi đau. Hết mình với công việc, từ năm 1991 đến nay, lớp học của Thủy liên tục đạt học sinh tiên tiến. 11 năm liên tục Thủy đươc công nhận giáo viên giỏi cấp huyện. Hôm kết nạp vào Đảng, Thủy vui lắm và hạt giống cách mạng vẫn nảy mầm trong căn nhà nghèo thanh sạch, nối tiếp ba đời của gia đình cách mạng kiên trung. Năm học mới 2023 - 2024, Thủy tâm sự: Em luôn say mê với nghề nuôi dạy trẻ, "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", 28 năm đứng trên bục giảng là từng ấy năm em tâm huyết với nghề. Nay sức khỏe đã giảm, mẹ già yếu, các chị tuổi đã cao cần sự trợ giúp trong công việc hàng ngày, nên em cố gắng thêm vài năm nữa cho đủ 30 năm và xin về nghỉ chế độ theo Nghị định 108 để có thời gian chăm sóc các chị gái tật nguyền và mẹ già trên 90 tuổi.
Nói về cô Trần Thị Thủy, ông Đặng Hữu Biền, Chủ tịch UBND xã Thanh Hà tâm sự. Hoàn cảnh gia đình cô Thủy neo đơn, mẹ già trên 90 tuổi, ba chị gái tật nguyền không đi lại được phải có người trợ giúp, bản thân Thủy đi lại khó khăn. Nhưng Thủy đã vượt lên nỗi đau, vượt lên số phận luôn đam mê, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Còn cô Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Hà thì nói. Đến nhà cô Thủy, chúng tôi không cầm nổi nước mắt bởi hoàn cảnh quá thương tâm. Mẹ già cùng ba người tàn tật đều trông chờ vào đôi vai gầy của Thủy. Bản thân không đi được xe máy, hàng ngày Thủy đến trường bằng sự cưu mang của các bậc phụ huynh nhưng chưa một lần cô đi chậm hay vắng một buổi dạy. Cô đến trường với tâm huyết: Tất cả vì học sinh thân yêu.
Xin mượn lời bài hát của Nhạc sỹ Trần Long Ẩn trong bài "Một đời người, một rừng cây" tặng Thủy: "Khi nghĩ về một đời người/ Tôi thường nghĩ về một rừng cây/ Khi nghĩ về một rừng cây/ Tôi thường nhớ về nhiều người/ Trẻ trung như cụm hoa hồng/ Hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm khi gió về". Trần Thị Thủy, em đã vượt lên nỗi đau, vượt lên số phận để sống, cống hiến, làm việc, dệt lên câu chuyện cảm động "Cổ tích giữa đời thường". Và cô giáo Trần Thị Thủy - Như bông hoa lặng lẽ tỏa hương.