Nhờ sự nổ lực chung, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc UBQG UNESCO Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận
Tin tức 12/01/2024 07:46
Tham dự cuộc họp gồm có: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chủ tịch Tiểu ban Khoa học Tự nhiên chủ trì cuộc họp; Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Bà Lê Thị Việt Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; các nhà khoa học thuộc Tiểu ban chuyên môn và đại diện các Bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chủ tịch Tiểu ban Khoa học Tự nhiên chủ trì cuộc họp. |
Báo cáo tổng thể về hoạt động của Tiểu ban, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (KHXH,NV&TN) Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, năm 2023, hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác UNESCO nói chung và của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên nói riêng gặp một số khó khăn nhất định, tuy nhiên, Tiểu ban đã đạt được những kết quả nổi bật nhờ nỗ lực chung từ các cơ quan quản lý, các Tiểu ban chuyên môn, các Trung tâm…
Cụ thể, hưởng ứng tinh thần của UNESCO nhằm lan tỏa nhận thức về khoa học mở trong cộng đồng, Tiểu ban đã tổ chức Hội thảo "Khoa học mở dưới các góc nhìn"; tổ chức Phiên họp của Ban điều hành Quốc tế của 02 Trung tâm dạng 2 (Trung tâm quốc tế nghiên cứu và đào tạo Toán học và Trung tâm Vật lý quốc tế); làm việc với chuyên gia cố vấn về KHXH&NV tại khu vực Đông Nam Á của UNESCO Bangkok Khuyến nghị của UNESCO về đạo đức trong trí tuệ nhân tạo (AI) và triển khai nội dung này trong ASEAN cũng như trên phạm vi toàn cầu; trao đổi về sự hỗ trợ của UNESCO đối với Việt Nam trong việc thực hiện Dự án toàn cầu do UNESCO thực hiện tại 50 quốc gia về “Phương pháp đánh giá mức độ sẵn sàng về đạo đức trong AI vào đầu năm 2024”; tìm hiểu nhu cầu của Việt Nam trong việc thúc đẩy năng lực nghiên cứu về đạo đức trong AI và trong các lĩnh vực KH&CN.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (KHXH,NV&TN) Nguyễn Thị Thanh Hà báo cáo tổng thể về hoạt động của Tiểu ban. |
Bên cạnh đó, Tiểu ban cũng cử đại diện tham gia Hội nghị Quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình và Hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận tại Lạng Sơn; phối hợp cùng Ủy ban Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình năm 2023; hưởng ứng Chiến lược hành động của UNESCO ứng phó với biến đổi khí hậu với việc nhấn mạnh áp dụng kết quả của Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đối khí hậu (COP-28, tại Dubai, UAE); tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động Lima (2016-2025) về Chương trình con người và sinh quyển và các Khu dự trữ sinh quyển thế giới; phát động “Thập kỷ Đại dương của Liên hợp quốc”; hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Đặc biệt, các Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm dạng 2 đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp luận cứ khoa học trong các công bố quốc tế, khẳng định vị thế khoa học của Việt Nam tại UNESCO.
Tại cuộc họp, đại diện Tiểu ban chuyên môn và 02 Trung tâm dạng 2 đã chia sẻ một số khó khăn vướng mắc, đóng góp ý kiến về định hướng để hoạt động của Tiểu ban ngày một phát triển, đóng góp chủ động, tích cực hơn đối với hợp tác của Việt Nam nói chung trong khuôn khổ UNESCO.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh phát biểu tại Cuộc họp. |
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng, năm 2023, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên đã đạt được những thành tích nổi bật; đồng thời, khẳng định Phái đoàn sẵn sàng kết nối, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Tiểu ban chuyên môn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Theo đó, Trưởng Phái đoàn kiến nghị, Tiểu ban cần có kế hoạch đào tạo, chiến lược bài bản đưa chuyên gia Việt Nam tham dự vào các diễn đàn của UNESCO và ứng cử vào các cơ quan khoa học tự nhiên của UNESCO; nhằm góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam tại UNESCO.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết, năm 2023 là năm đầy biến động với những bước đột phá lớn của nhân loại, như sự phát triển của các chatbot trí tuệ và cả những thách thức to lớn, như khủng hoảng biến đổi khí hậu, chỉ dấu cho một năm khó đoán định phía trước. Trong bối cảnh chung đó, hoạt động của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác UNESCO nói chung và của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên nói riêng cũng gặp những thách thức nhất định, tuy nhiên, Tiểu ban đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhờ những nỗ lực chung từ các cơ quan quản lý, các Tiểu ban chuyên môn, các Trung tâm,…
Trong năm 2023, bên cạnh các hoạt động thường niên, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên đã phối hợp với các Tiểu ban chuyên môn triển khai các sáng kiến do UNESCO đi đầu và dẫn dắt cụ thể, như: Hưởng ứng tinh thần của UNESCO, nhằm lan tỏa nhận thức về khoa học mở trong cộng đồng, tổ chức các Hội thảo với chủ đề “Khoa học mở dưới các góc nhìn”, với sự tham gia và trình bày của các Giáo sư uy tín, các chuyên gia hoạch định chính sách từ các Bộ, ngành có liên quan và đại diện doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sáng kiến mới đây được UNESCO đưa ra, như: Đạo đức trong Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được Việt Nam nhiệt liệt hưởng ứng thông qua việc tiếp và làm việc với Chuyên gia cố vấn về khoa học xã hội và nhân văn tại khu vực Đông Nam Á của UNESCO Bangkok về Khuyến nghị của UNESCO về đạo đức trong trí tuệ nhân tạo (AI), việc triển khai nội dung này trong ASEAN và trên phạm vi toàn cầu,...
Thứ trưởng Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu kết luận cuộc họp. |
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, bên cạnh việc đánh giá về hoạt động trong năm 2023, chúng ta cần tập trung thảo luận về định hướng công tác năm 2024 của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, để trong năm 2024 và xa hơn. Trong giai đoạn tới, hoạt động của Tiểu ban ngày càng phát triển, có thể đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn đối với hợp tác của Việt Nam nói chung trong khuôn khổ UNESCO. Cụ thể là nâng cao hơn nữa vai trò của khoa học cơ bản, khoa học mở và vấn đề về đạo đức trong AI, trong bối cảnh UNESCO coi trọng những xu thế này, nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển và nâng cao vị thế của Việt Nam tại UNESCO.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái chia sẽ, do hạn hẹp về kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học, nên việc hỗ trợ kinh phí từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của các Tiểu ban chuyên môn còn hạn chế.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề nghị, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Tiểu ban Khoa học Tự nhiên với các tiểu ban chuyên môn, cùng tìm cách tháo gỡ các khó khăn về kinh phí cũng như cơ chế hoạt động để thúc đẩy hoạt động của các Tiểu ban. Hoạt động trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số trọng tâm sau đây: Một là, hỗ trợ các tiểu ban chuyên môn tăng cường hợp tác với các chương trình tương ứng của UNESCO trong giai đoạn 2021-2025. Thực hiện những nội dung hợp tác ưu tiên, như: Bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước, phục vụ phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và hải dương học, theo hình thức lồng ghép vào các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm chung. |
Hai là, tiếp tục nỗ lực triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 thông qua các các hoạt động cụ thể của Tiểu ban chuyên môn và Tiểu ban Khoa học Tự nhiên.
Ba là, hưởng ứng các ngày kỷ niệm trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã được UNESCO thông qua.
Bồn là, tiếp tục hưởng ứng các sáng kiến do UNESCO dẫn đầu, như: Thí điểm một số nội dung của Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO tại Việt Nam thuộc lĩnh vực chuyên sâu, như: Sở hữu trí tuệ, dữ liệu mở, truy cập mở, công nghệ mở, tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học mở.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với UNESCO để đảm bảo triển khai hiệu quả các vấn đề mà Việt Nam chủ trì, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, sẵn sàng đưa đạo đức trong AI vào thực tiễn với sự hỗ trợ của UNESCO.
Năm là, đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO sớm kiện toàn Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển và Ủy ban Chương trình thủy văn quốc tế trong năm 2024.
Sáu là, tiếp tục hỗ trợ các địa phương có tiềm năng xây dựng cơ sở khoa học cho hồ sơ đề cử các danh hiệu được UNESCO công nhận.
Bảy là, bố trí tham gia các phiên họp của Đại Hội đồng và của các tiểu ban chuyên môn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và hải dương học. Tăng cường mời chuyên gia UNESCO vào Việt Nam để tư vấn cho các hoạt động của các tiểu ban.