Nhớ sự kiện “Rước tù chính trị Côn Đảo về Sóc Trăng” tháng 9/1945
Sự kiện 02/09/2023 09:35
Mùa Thu tháng Tám năm nay, tôi có dịp trở lại Sóc Trăng, tuy câu chuyện lịch sử đón Đoàn tù chính trị Côn Đảo đã đi qua gần 80 năm, nhiều nhân chứng đã hóa thành thiên cổ, nhưng những thế hệ tiếp nối vẫn lưu tâm và nghiên cứu lịch sử sự kiện có một không hai này. Một trong những người đã dày công nghiên cứu về Nhà tù Côn Đảo và cuộc đấu tranh của những người tù chính trị tại “địa ngục trần gian” này và bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ (TS) năm 2005, với đề tài: “Đấu tranh của những người tù Cộng sản ở nhà tù Côn Đảo (1930-1945) là nhà sử học Trịnh Công Lý, người con của đất Sóc Trăng, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Sóc Trăng.
TS Trịnh Công Lý đã tự hào và xúc động kể về tháng năm lịch sử đó. Để thực hiện đề tài, ông đã dày công nghiên cứu, gặp nhiều nhân chứng lịch sử còn sống, tập hợp đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu trung tâm lưu trữ, báo chí, hồi kí, hội thảo,... thận trọng đúc kết, ghi lại trong “Hành trình chiếc xà lúp (Chaloupe) do Bác Tôn Đức Thắng lái và 12 chiến sĩ Cộng sản từ nhà tù Côn Đảo về đất liền năm 1945”.
Sóc Trăng đã nhiều đổi thay là đô thị loại II và đang phấn đấu thành đô thị loại I. |
“Đó là rạng sáng ngày 23/9/1945, tàu Phú Quốc và đoàn ghe 25 chiếc chở gần 2.000 tù chính trị rời Côn Đảo. Theo sau đoàn tàu, ghe là chiếc xà lúp chở 13 người tù chính trị. Chiếc xà lúp do Bác Tôn hướng dẫn cùng với 2 thợ máy làm tài công là Nguyễn Hùng Minh và Nguyễn Hùng Phước.
Trên đường về, cả đoàn ghe cùng chiếc xà lúp lại bị gió mạnh rồi mưa giông, sóng lớn. Riêng chiếc xà lúp bị sóng đánh, nước tràn cả vào bên trong, chiếc la bàn lớn bị sóng đánh rơi xuống biển. May nhờ đồng chí Tôn Đức Thắng còn giữ được chiếc la bàn nhỏ được gắn trong cây bút máy để ở túi áo ngực, nên xà lúp vẫn được định hướng chạy về phía đất liền, nhưng lạc vào cửa Mỹ Thanh.
Khi chạy gần đến xóm nhà, tiến vào gần bờ thì chiếc xà lúp tắt máy. Lúc này, số dân quân, thanh niên, thiếu niên tiền phong của xã Lạc Hòa và Nhân dân đã tập hợp khá đông với nhiều cờ đỏ sao vàng, cờ vàng sao đỏ (cờ hiệu của Thanh niên Tiền phong). Một người trên xà lúp lội vào bờ hỏi thăm, rồi lại lội trở ra xà lúp. Sau đó, số người trên chiếc xà lúp chỉnh đốn lại quần áo, rời xà lúp đi vào bờ. Mực nước ngập khoảng gần 1 mét, tất cả đoàn người đứng thành hàng dài, có một thanh niên cầm cờ đỏ sao vàng đi trước, tiến vào bờ và hát vang bài hát “Tiến lên đường máu”. Tất cả mọi người trên bờ ùa xuống mí nước đón đoàn tù chính trị. Một sự xúc động dâng tràn đối với mọi người có mặt lúc đó. Đại diện chính quyền, đoàn thể và Nhân dân lập tức đưa đoàn đến võ ca (nơi làm sân khấu hát đình). Số thì dọn bánh trái, trà nước; số thì chạy lo chỗ nghỉ, nấu cơm, thức ăn. Nhiều người trong đoàn cầm bánh pía, bánh in trong tay mà nước mắt cứ rưng rưng…
Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi, thăm hỏi, nắm tình hình chung, chiều tối cùng ngày, đoàn được hướng dẫn đi ngay về Sóc Trăng bằng chiếc xà lúp theo tuyến sông Mỹ Thanh vào Cổ Cò, Bãi Xàu. Riêng đồng chí Phạm Hùng cũng đi ngay ra Đại Ngãi để đón đoàn tàu Phú Quốc và các ghe về ghé địa điểm này…” (Sóc Trăng và Côn Đảo-Lịch sử, nhân vật và truyền thuyết, Tác giả TS Trịnh Công Lý, xuất bản năm 2013).
Theo tư liệu lịch sử tỉnh Sóc Trăng, tối 23/9/1945, tàu Phú Quốc và 23 ghe lần lượt cặp bến Đại Ngãi. Một số tù chính trị được chuyển ngay về Sóc Trăng bằng đường bộ và đường thủy. Một số thì được bố trí nghỉ qua đêm tại chùa Quan Âm (Đại Ngãi) và hôm sau được đưa về điểm đón tiếp tập trung tại Trường Taberd-Sóc Trăng. Sau những giờ phút gặp gỡ giữa các đồng chí từ Côn Đảo trở về với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Đại Ngãi, vào khoảng 19 giờ, đoàn tàu tiếp tục chạy thẳng về tỉnh lị Sóc Trăng, cặp bến cầu tàu Lục tỉnh, đông đảo đồng bào đã tập trung đón Đoàn và hô vang các khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh", “Hoan hô Đoàn tù chính trị”, “Biết ơn các chính trị phạm”,... Thanh niên nam, nữ lần lượt xuống tàu, người cõng, người dìu các đồng chí bị thực dân Pháp đày ải, tra tấn dã man, để lại nhiều di chứng bệnh tật nên có đồng chí không đi được... Hai bên đường, đồng bào đốt đuốc sáng rực soi đường cho Đoàn đi về Trường Tabert là địa điểm được Tỉnh ủy chọn làm nơi tiếp đón và lo ăn, nghỉ của Đoàn.
Sáng 24/9/1945, một cuộc mít tinh lớn chào mừng Đoàn tù chính trị Côn Đảo được tổ chức tại sân Trường Tabert. Cuộc mít tinh đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, kiên quyết đánh Pháp để giữ vững đất nước độc lập. Từ đó đến ngày 30/9/1945, sân Trường Tabert lúc nào cũng nhộn nhịp người đi thăm anh em tù chính trị.
Ngày 30/9/1945, Đoàn tù chính trị Côn Đảo lên đường về Cần Thơ để nhận nhiệm vụ mới. Trong số đó, nhiều đồng chí sau này trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như đồng chí: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Phan Trọng Tuệ,...
Với ý nghĩa to lớn của việc đón rước, chăm sóc chu đáo Đoàn tù chính trị Côn Đảo của Đảng bộ và quân dân tỉnh Sóc Trăng, góp phần bảo vệ tốt sức khỏe cán bộ lãnh đạo nòng cốt cho Trung ương và các tỉnh, đáp ứng nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, ngày 11/6/1992, Bộ Văn hóa-Thông tin đã ban hành Quyết định số 734/QĐ-BVHTT công nhận di tích Trường Tabert tỉnh Sóc Trăng là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Sóc Trăng trên đường phát triển
Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, trải qua hơn 30 năm kể từ năm tái lập tỉnh (1992), tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Kinh tế tỉnh Sóc Trăng liên tục tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 13%. Quy mô kinh tế của tỉnh năm 2021 tăng 38 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 35 lần so với năm 1992.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng luôn được triển khai tích cực, đầy đủ, kịp thời. Mạng lưới trường học được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đến nay toàn tỉnh có số trường học tăng gấp 2 lần so với năm 1992, với hơn 76% trường đạt chuẩn Quốc gia. Mạng lưới y tế được củng cố, hoàn thiện từ tỉnh đến cơ sở; tỉ lệ xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế là 100%. Hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn. Đến cuối năm 2021, có 72% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Tại Lễ kỉ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (27/4/2022), thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Sóc Trăng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Sóc Trăng là đô thị loại II.