Nhiều quyết định, việc làm có dấu hiệu trái luật
Đơn thư bạn đọc 01/12/2021 18:22
Nguồn gốc tranh chấp
Các anh Lê Bá Cẩm, Lê Bá Lương và Lê Bá Tùng, con trai của ông Lê Bá Trạng cho biết: Ông Trạng và vợ là bà Phạm Thị Ca, được thừa hưởng phần đất của cụ Lê Tỵ và cụ Đỗ Thị Xin để lại ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 1967, cụ Tỵ và cụ Xin (cha mẹ ông Trạng) lập văn tự đoạn mãi đất cho con rể Phan Hịch và con gái Lê Thị Ba diện tích 1 sào 2 thước trong phần đất của gia đình. Năm 1976, bà Xin cùng các con là ông Trạng, bà Huệ lập văn tự đoạn mãi đất tiếp cho ông Phan Hịch 3 sào 2 thước trong phần đất của gia đình bà Xin. Phần đất còn lại là 1 sào 5 thước, gia đình bà Xin sử dụng ổn định cho đến khi có Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Văn tự đoạn mãi đất của cụ Xin và ông Trạng, có xác nhận của UBND xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. |
Văn tự đoạn mãi đất của ông Lê Tỵ (cha của ông Trạng). |
Năm 1978, ông Lê Bá Hữu là em họ của ông Trạng, xin làm nhà ở nhờ trên phần đất của gia đình ôngTrạng. Năm 1987, ông Trạng kê khai đăng ký phần đất này là thửa số 93, diện tích 750m2, tờ bản đồ số 2, xã Nghĩa Phú, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Năm 1993, ông Trạng kê khai hiện trạng sử dụng phần đất của gia đình ông là thửa số 181, diện tích 750m2 , bản đồ số 73, xã Nghĩa Phú, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Ông Trạng sử dụng đất ổn định và đóng thuế đầy đủ, xây dựng trại mộc, trồng cây… và không có ai tranh chấp. Tuy nhiên, chính quyền không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho gia đình ông Trạng.
Biên lai thu tiền làm GCNQSDĐ của ông Trạng. |
Năm 1995, ông Hữu theo con trai đi vào Nam lập nghiệp. Năm 2000, ông Hữu (có lúc gọi là ông Lê Hữu, hiện đã chết) ủy quyền cho con trai là ông Lê Bá Sĩ khiếu nại, tranh chấp đất với gia đình ông Trạng.
Qua nhiều lần hòa giải không thành, UBND huyện Tư Nghĩa ra Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 11/1/2006, không chấp nhận khiếu nại của ông Trạng yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất tranh chấp là của gia đình ông Trạng. Ông Trạng khiếu nại Quyết định số 27/QĐ-UBND.
Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 11/1/2006 của UBND huyện Tư Nghĩa. |
UBND tỉnh Quảng Ngãi ra Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 18/1/2007 (Quyết định 94) bác bỏ yêu cầu khiếu nại của ông Trạng; chia đôi khu đất, công nhận quyền sử dụng đất cho ông Sĩ và ông Trạng, buộc thi hành theo Quyết định này. Ông Trạng tiếp tục khiếu nại Quyết định 94 lên các cấp cho đến khi ông chết.
Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 18/1/2007 của UBND tỉnh Quảng Ngãi. |
Theo các con của ông Trạng, khi ra các quyết định trên, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã không xem xét đầy đủ toàn bộ nội dung vụ việc, bỏ qua các căn cứ chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp của gia đình ông Trạng.
Nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật
Quyết định 27/QĐ-UBND của UBND huyện Tư Nghĩa, chỉ là Quyết định hành chính, không phải là quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo của ông Trạng. Mà Quyết định 94 của UBND tỉnh Quảng Ngãi là Quyết định giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu cho ông Trạng. Theo Luật Khiếu nại tố cáo (Luật KNTC) năm 1998, Luật KNTC năm 2004, Luật KNTC năm 2005 và Luật Đất đai 2003, ông Trạng có quyền khiếu nại lên Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT).
Như vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi buộc gia đình ông Trạng phải thi hành theo Quyết định 94, là thể hiện “tước đoạt” quyền khiếu nại lên Bộ TN&MT của ông Trạng; là thể hiện vi phạm quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 25 và khoản 4, 5, 6 Điều 32 Luật KNTC năm 1998; vi phạm điểm b, khoản 1, Điều 2 Luật KNTC sửa đổi bổ sung năm 2004; vi phạm khoản 2, Điều 4; khoản 2, Điều 5 Luật KNTC năm 2005; vi phạm Điều 32 Luật KNTC 1998; vi phạm Điều 8 Luật KNTC 2005; và vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 123 Luật Đất đai năm 2003.
Điểm c, khoản 1, Điều 25 Luật KNTC năm 1998 quy định Bộ trưởng Bộ TN&MT có có thẩm quyền “giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu”.
Điểm b, khoản 1, Điều 25 Luật KNTC năm 2004, quy định Bộ trưởng Bộ TN&MT “giải quyết khiếu nại mà những người quy định tại Điều 24 của Luật KNTC đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại”.
Khoản 2, Điều 23 Luật KNTC năm 2005 quy định Chủ tịch UBND tỉnh: “Giải quyết khiếu nại mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại;” Và điều luật này quy định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh không phải là quyết định giải quyết cuối cùng.
Khoản 2, Điều 25 Luật KNTC năm 2005 quy định Bộ trưởng“giải quyết khiếu nại mà những người quy định tại Điều 24 của Luật khiếu nại, tố cáo đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại”.
Ngoài ra, các quy định tại Điều 32 Luật KNTC năm 1998 và Điều 8 Luật KNTC năm 2005 có chung quy định về việc khiếu nại không được giải quyết. Trong trường hợp của ông Trạng không thuộc đối tượng, chủ thể bị áp dụng quy định này. Nghĩa là ông Trạng còn có quyền khiếu nại và được giải quyết khiếu nại.
Trong cả Luật KNTC năm 2004 và năm 2005 nói trên, không có quy định tước bỏ quyền khởi kiện của ông Trạng, nếu ông Trạng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại. Đồng thời, khoản 5, 6 Điều 8 Luật KNTC năm 2005 còn quy định rõ là việc khiếu nại sẽ không được giải quyết khi được giải quyết khiếu nại lần 2; hoặc có bản án quyết định có hiệu lực của Tòa án.
Trong vụ việc nói trên, quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải là Quyết định của Bộ trưởng Bộ TN&MT; không phải là các văn bản trả lời khiếu nại mà các vị đại diện cho UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành cho ông Trạng sau khi có khiếu nại về Quyết định 94 nói trên. Thực tế chưa có quyết định giải quyết khiếu nại cho ông Trạng từ Bộ TN&MT, nhưng chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã buộc gia đình ông Trạng giao đất cho ông Sĩ, là thể hiện có sai phạm nghiêm trọng.
Luật gia Nguyễn Văn Thịnh (Hội Luật gia Việt Nam) chỉ ra: Khi ban hành Quyết định 94 UBND tỉnh Quảng Ngãi không xem xét đầy đủ các tài liệu về nguồn gốc đất, mà công nhận cho ông Sĩ, là thể hiện không khách quan. Vì đất tranh chấp và đất còn lại đều cùng một khu đất chung bản đồ, chung số hiệu. Nếu không phải chủ đất tại sao ông Tỵ và bà Xin, ông Trạng có quyền làm văn tự đoạn mãi, bán QSDĐ lại cho người khác? Hơn nữa, việc mua bán QSDĐ lại được lập văn bản và có chứng thực của chế độ cũ và UBND xã Nghĩa An? Năm 1978, ông Lê Hữu được bà Xin, là bà nội ông Cẩm, ông Lương, cho mượn đất để ở. Năm 1996, ông Hữu trả lại đất, cắt hộ khẩu để vào sống ở tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Ông Hữu không có giấy tờ gì để chứng minh ông được công nhận về quyền sử dụng khu đất này. Theo các quy định về quyền sở hữu của Bộ luật Dân sự 2005 thì ông Hữu không có quyền sở hữu quyền sử dụng khu đất ông đã từ bỏ quyền sử dụng, không đủ điều kiện để được công nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, Quyết định 94 còn thể hiện vi phạm khoản 3, Điều 138 và điểm b, khoản 2 Điều 136 của Luật Đất đai năm 2003. Khoản 3, Điều 138 Luật Đất đai năm 2003, quy định “việc giải quyết khiếu nại về đất đai quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 138 không bao gồm trường hợp khiếu nại về quyết định giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại khoản 2 Điều 136 của Luật này.”
Điểm b, khoản 2, Điều 136, Luật Đất đai 2003 quy định khi có tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này được giải quyết như sau: b) Trường hợp Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ TN&MT; quyết định của Bộ trưởng Bộ TN&MT là quyết định giải quyết cuối cùng.
“Chỉ khi ông Trạng có quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ TN&MT, đây mới là quyết định có hiệu lực buộc phải thi hành! Do vậy, Quyết định 94 nói trên vẫn chưa có hiệu lực pháp luật để buộc gia đình ông Trạng phải thi hành”, Luật gia Thịnh khẳng định.
Đất đang tranh chấp vẫn cấp giấy chứng nhận?
Sau khi ông Trạng khiếu nại Quyết định 94, ngày 7/4/2009, ông Phạm Cao Trận, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, kí ban hành Văn bản số 162/UBND ngày 7/4/2009 về thi hành theo Quyết định 94.
Văn bản số 162/UBND ngày 7/4/2009 của UBND huyện Tư Nghĩa. |
Ngày 25/11/2011, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi dựa vào Quyết định 94 để cấp GCNQSDĐ cho ông Sĩ, bất chấp các quy định liên quan của luật pháp, bất chấp việc ông Trạng liên tục khiếu nại đối với Quyết định 94 và Quyết định 27.
Ngày 19/5/2016, ông Lê Minh Huấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi ra văn bản số 2427/UBND-NC, trả lời khiếu nại cho ông Trạng, cho rằng: Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 136 Luật Đất đai năm 2003, thì việc ông Trạng khiếu nại Quyết định 27 của UBND huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi giải quyết (bằng Quyết định 94/QĐ-UBND ngày 18/1/2007-PV) và quyết định này là quyết định cuối cùng và đúng theo luật định.
Văn bản số 2427/UBND-NC ngày 19/5/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi. |
Tuy nhiên, việc trả lời nói trên là thể hiện vi phạm quy định khoản 2, Điều 136 Luật Đất đai năm 2003: Ông Trạng được quyền khiếu nại lên Bộ TN&MT nếu không đồng ý với Quyết định 94. Đồng thời, theo quy định ở các Luật KNTC các năm 1998, 2004, 2005, 2011, ông Trạng có quyền khiếu nại lên Bộ TN&MT hoặc khởi kiện ra Tòa án, nếu không đồng ý với Quyết định 94.
“Xét về mặt pháp lý, thì Quyết định 27 và Quyết định 94 đang thể hiện nhiều dấu hiệu không có giá trị pháp lý, không hợp pháp, nên không có hiệu lực thi hành. Bởi Quyết định 94 không phải là Quyết định giải quyết cuối cùng và còn bị khiếu nại theo quy định của pháp luật; và việc cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông Sĩ đối với phần đất đang có tranh chấp giữa ông Trạng và ông Sĩ”, Luật gia Thịnh khẳng định.
Tuy nhiên, ngày 3/2/2015, tại Văn phòng Công chứng số 1, số 73 đường Phan Đình Phùng, TP Quảng Ngãi, vợ chồng ông Sĩ đã bán lại quyền sử dụng khu đất tranh chấp cho vợ chồng ông Nguyễn Thanh Liêm, bà Trịnh Thị Mẫu, là cha mẹ của bà Nguyễn Thị Thanh, bà Nguyễn Thị Thanh Huệ, bà Nguyễn Thị Nga. Việc công chứng do công chứng viên Nguyễn Trung Tiếp thực hiện, số công chứng 535, quyển số 02TP/CC-SCC/HĐGD.
Các hành vi nói trên có dấu hiệu vi các quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, đất đang tranh chấp không được cấp GCNQSDĐ. Quy định náy cho thấy việc cấp GCNQSDĐ cho ông Sĩ và bà Hạnh, là có dấu hiệu làm trái luật, hành vi này tất nhiên không được pháp luật bảo vệ.
Do đó, việc vợ chồng ông Sĩ, bà Hạnh chuyển nhượng cho vợ chồng ông Liêm, bà Mẫu là thể hiện vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 122, Điều 127, Điều 128; vi phạm khoản 3, Điều 688; khoản 1, khoản 2 Điều 691; Điều 733, 734 Bộ luật Dân sự 2005; vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1 Điều188, khoản 1 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Đất đai năm 2013, thì QSDĐ, tài sản đang tranh chấp, chưa đủ điều kiện để mua bán, giao dịch, chuyển nhượng; ông Sĩ và bà Hạnh không có quyền mua bán, chuyển nhượng QSDĐ đối với đất đang có tranh chấp. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản giữa vợ chồng ông Sĩ và vợ chồng ông Liêm cần phải được Tòa án xem xét, giải quyết tuyên bố là giao dịch vô hiệu.
Việc tặng cho có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Ngày 23/3/2018, tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Ngọc Hồng ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, ông Liêm bà Mẫu đã tặng cho quyền sử dụng phần đất đang tranh chấp cho các con là bà Thanh, bà Huệ, bà Nga. Sổ công chứng: 0932, quyển số 02.TP/CC-SC/HĐGD, do công chứng viên Nguyễn Ngọc Hồng thực hiện.
Tuy nhiên, giao dịch trên có dấu hiệu vi phạm các quy định ở điểm b, khoản 1 Điều188, khoản 1 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 và các quy định ở điểm a, điểm c, khoản 1 Điều 117, Điều 122, Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015. Các điều luật này quy định đất đang tranh chấp, sử dụng không hợp pháp thì không đủ điều kiện để tặng cho. Do đó, việc tặng cho QSDĐ giữa ông Liêm, bà Mẫu cho 3 người con là bà Nga, bà Huệ, bà Thanh là thể hiện có vi phạm pháp luật, không hợp pháp, các giao dịnh tặng cho này có dấu hiệu là vô hiệu.
Có căn cứ để được công nhận quyền sử dụng đất
Theo hồ sơ, nguồn gốc đất tranh chấp do cha mẹ ông Trạng để lại. Năm 1978, ông Lê Hữu được bà Xin, là bà nội ông Cẩm, ông Lương, cho mượn đất để ở. Năm 1996, ông Hữu trả lại đất, cắt hộ khẩu vào ở tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Ông Hữu không có giấy tờ gì để chứng minh ông được công nhận QSDĐ đất tranh chấp.
Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cấp GCNQSDĐ cho ông Sĩ căn cứ Quyết định 94 của UBND tỉnh Quảng Ngãi, là thể hiện bất hợp pháp, không có hiệu lực pháp lý. Vì Quyết định 94 chưa phải là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng và còn bị ông Trạng khiếu nại liên tục. Do vậy, việc cấp GCNQSDĐ của ông Sĩ là có dấu hiệu vi phạm pháp luật như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, nên giấy này không có gia trị pháp lý.
Đồng thời, gia đình ông Trạng đã cung cấp nhiều tài liệu để chứng minh nguồn gốc đất, quyền quyền sử dụng của gia đình mình đối với khu đất tranh chấp; và trong hồ sơ có giấy tờ bán quyền sử dụng đất năm 1976, có xác nhận của UBND xã Nghĩa An với nội dung là đất này ông Trạng thừa hưởng từ cha mẹ là ông Tỵ, bà Xin. Đây là chứng cứ quan trọng, mà theo quy định tại các bộ luật dân sự là thuộc loại chứng cứ không phải chứng minh. Từ căn cứ này, theo khoản 5, Điều 170 của Bộ luật Dân sự năm 2005, thì ông Trạng có quyền sử dụng hợp pháp đối với khu đất tranh chấp, vì ông Trạng được thừa kế từ cha mẹ.
Mặt khác, năm 1993, ông Trạng có đăng ký kê khai đất đai, đóng thuế và lập hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ. Ngày 21/10/1993, ông Trạng nộp phí và đã có biên lai nộp phí để xin cấp GCNQSDĐ, đất không bị tranh chấp (từ năm 1976 đến năm 2000), đóng thuế từ năm 1993 liên tiếp đến năm 2001 là các căn cứ cho thấy ông Trạng đủ điều kiện để Nhà nước cấp GCNQSDĐ theo Điều 50 Luật Đất đai năm năm 2003 và Luật Đất đai năm 1987.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã không cấp GCNQSDĐ cho ông Trạng là thể hiện có dấu hiệu vi phạm quy định trên.
Các Biên lai nộp thuế nhà đất của ông Trạng |
Cần nói rõ thêm: Năm 1996, ông Hữu trả đất đi vào tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Việc quản lý sử dụng và kê khai, đóng thuế đất cho Nhà nước không còn được ông Hữu hoặc con cháu thực hiện nữa.
Theo khoản 1, Điều 33 Luật Đất đai năm 1993: “1- Khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho phép thay đổi mục đích sử dụng đất hoặc đang sử dụng đất mà chưa đăng ký thì người sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều này.
Người đang sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn nào thì phải đăng ký tại xã, phường, thị trấn đó”.
Trong khi đó, ông Trạng đã làm đủ các nghĩa vụ và thủ tục cần thiết, đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Đất đai 1993 “người sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.”
Ngoài ra, nhiều quy định như Điều 173, 174, 175; khoản 1, 5, Điều 176, 177; khoản 1 Điều 255, Điều 256, 257 Bộ Luật Dân sự năm 1995; Điều 164, khoản 1 Điều 168, 169; khoản 1, khoản 5 Điều 170, Điều 171, 173; khoản 1, Điều 247, 248, 249, các quy định về thừa kế trong Bộ Luật Dân sự năm 2005 cho thấy gia đình ông Trạng có quyền sở hữu (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt) tài sản do được thừa kế của cha mẹ, là QSDĐ của toàn bộ khu đất, bao gồm cả phần đất đang tranh chấp.
Thực tế, ông Hữu chỉ là người ở nhờ trên đất cha mẹ ông Trạng; giữa cha mẹ ông Trạng và ông Hữu không có giao dịch mua bán hoặc thỏa thuận nào khác liên quan đến QSDĐ tranh chấp; ông Hữu không kê khai, không đăng ký QSDĐ và bỏ đất ra đi từ năm 1996 (tức từ bỏ quyền chiếm hữu), nên theo các điều luật trên, ông Hữu không có quyền sở hữu đối với quyền sử dụng phần đất tranh chấp.