Nhà thầu sử dụng đá tảng để đắp nền đường?
Đơn thư bạn đọc 13/06/2022 17:20
Dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 279 đi qua địa phận tỉnh Hà Giang có chiều dài hơn 36 km (từ thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang đến xã Nghĩa Ðô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) được Bộ Giao thông vận tải đầu tư cải tạo, nâng cấp theo Quyết định số 1594/QÐ - BGTVT ngày 9/6/2010 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Giang làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong quý II năm 2017. Tuy nhiên, do vướng mắc về vốn nên hai gói thầu số 10 và 13 bị tạm dừng triển khai từ 2018. Hiện nay đã bố trí được vốn, nên 2 gói thầu này đang được thi công, các nhà thầu gồm: Công ty TNHH Ba Đình DBĐ, Công ty Cổ phần TRAENCO Việt Nam, Công ty TNHH Vĩnh Thiện.
Theo phản ánh của người dân (trong đó có người cao tuổi), hiện nay đoạn đường Quốc lộ 279 qua 2 xã Tân Trịnh và xã Tân Bắc huyện Quang Bình đang thi công dở dang, khiến mặt đường biến dạng gây mất an toàn giao thông. Trời mưa thì lầy lội, thụt lún, trời nắng thì bụi mù mịt không mở nổi mắt. Nền đường xuất hiện "ổ trâu", "ổ voi", không khác gì những cái bẫy đối với người tham gia giao thông. Nhất là các cháu học sinh, trẻ nhỏ khi đi qua khu vực thi công dang dở, không có rào chắn cực kỳ nguy hiểm. Nhiều trường hợp bị ngã, quần áo lấm lem bùn đất, cho nên lại phải quay về nhà thay quần áo. Các xe ô tô con khi di chuyển qua đây cũng gặp nguy hiểm bị kịch gầm, mất lái…
Mặt đường Quốc lộ 279 biến dạng gây mất ATGT đoạn qua xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang |
Ngoài việc đơn vị thi công không căng dây cảnh báo, gây mấy ATGT, người dân địa phương cũng phản ánh việc nhà thầu sử dụng đất đá đắp nền có dấu hiệu không đạt tiêu chuẩn.
Cụ thể, tại phần đường đã bóc phong hóa, các nhà thầu đã và đang cho đắp nền hai bên lề đường. Điều đáng nói, số vật liệu này đa phần là đá, trong số đó có rất nhiều tảng đá với kích cỡ “khủng”. Số đất đá lẫn cả đá hộc, đá tảng trên được lấy đất nằm ngay sát mặt đường QL279 từ vị trí hạ cốt nền nhà của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, thôn Tân Lập xã Tân Trịnh, và của hộ bà Tạ Thị Dung, thôn Vén, xã Tân Trịnh. Từ đầu tháng 3/2022 đến nay, máy xúc, xe tải của nhà thầu thi công liên tục hoạt động, toàn bộ các loại đá dăm, đá tảng… từ việc san gạt hạ cốt nền của các hộ dân đều được xúc đổ trực tiếp lên xe tải đem đến đổ san lấp lề, nền đường Quốc lộ 279.
Đá tảng, đá hộc với kích cỡ “khủng” được sử dụng san nền, đắp lề dọc tuyến đường Quốc lộ 279 đang thi công |
Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Tân Trịnh và ông Lý Tà Khé, cán bộ địa chính xã Tân Trịnh được biết, việc san gạt hạ cốt nền của gia đình ông Nguyễn Văn Lợi đã có văn bản chấp thuận của huyện để tận dụng làm vật liệu làm đường. Tuy nhiên trước khi có văn bản chấp thuận của huyện, đơn vị thi công đã đào và san lấp mặt bằng một phần lớn.
Theo văn bản số 470/UBND ngày 12/05/2022, về việc chấp thuận đơn đề nghị san ủi mặt bằng của ông Nguyễn Văn Lợi do ông Tăng Trung In, Phó chủ tịch UBND huyện Quang Bình ký thì UBND huyện chấp thuận cho ông Lợi được phép san đào tạo mặt bằng tại diện tích 153m2 đất ở thửa đất số 150, tờ bản đồ số 39, thôn Tân Lập, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Khối lượng vận chuyển là 766m3, được vận chuyển đổ tại khu vực đang thi công đắp mặt đường Quốc lộ 279 đoạn Km8 - Km8+500.
Đá tảng, đá hộc với kích cỡ “khủng” được sử dụng san nền, đắp lề dọc tuyến đường Quốc lộ 279 đang thi công |
Trả lời câu hỏi của PV về việc các nguyên vật liệu này có đảm bảo, có được kiểm tra, kiểm định đầy đủ trước khi sử dụng vào công trình đường Quốc lộ hay không? Đại diện UBND xã Tân Trịnh cho biết, không nắm được và là trách nhiệm của Chủ đầu tư.
Đại diện UBND xã Tân Trịnh cũng cho biết, địa điểm san gạt hạ cốt nền khác cũng được nhà thầu thi công Quốc lộ 279 sử dụng để đắp lề nền đường của hộ bà Tạ Thị Dung (thôn Vén, xã Tân Trịnh), chưa được chấp thuận của UBND huyện.
Thực tế ghi nhận của PV ngày 25/5/2022, khối lượng đất đá đã được các nhà thầu sử dụng đếp đắp lề nền đường không chỉ ở mức 766m3 như văn bản chấp thuận của UBND huyện Quang Bình. Số lượng thực tế chỉ tính sơ đã lên tới khoảng 3.000m3 trên chiều dài toàn tuyến khoảng 3km.
Sau khi có phản ánh của PV, đến ngày 7/6/2022, nhà thầu thi công là công ty TNHH Ba Đình và Công ty TRAENCO đã lấp một lớp đất mỏng lên phía trên phần diện tích đã san để che bớt đi những hòn đá tảng, đá hộc đã được sử dụng. Tại thời điểm ghi nhận vào chiều ngày 7/6/2022, đoạn thi công của công ty TRAENCO những hòn đá tảng to đang được công nhân lái máy xúc dùng gầu đập, ấn xuống rồi san đất lên trên…
Người dân cho rằng nhà thầu thi công đang lấp đất lên trên để che giấu số đá tảng, đá hộc ở bên dưới? |
Để làm rõ thông tin sự việc, PV đã liên hệ làm việc đồng thời thông tin phản ánh đến đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Hà Giang. Thông tin ban đầu đến PV vào chiều 25/5/2022, ông Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ cho biết: "...Việc sử dụng đá đó tốt hơn thì mình nên làm, còn về việc kiểm nghiệm để đưa vào dự án từ việc hạ cốt nền nhà ông bà Lợi, Tuyết thì chưa?... Nhưng khuyến khích sử dụng loại tốt hơn. Kích cỡ đá dăm thải đưa vào sử dụng thì tối đa khoảng 12, 13cm. Còn việc đơn vị thi công sử dụng kích cỡ lớn hơn Ban sẽ có kiểm tra xác minh lại... khi đơn vị thi công song thì sẽ đối trừ..". Không hiểu việc đối trừ trên sẽ như thế nào, cũng như việc đơn vị thi công có báo cáo đối với Ban hay các tài liệu liên quan thì ông Hoài cho rằng chỉ trao đổi, còn tài liệu phải thông qua giám đốc. PV tiếp tục liên hệ với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang, đề nghị cung cấp một số tài liệu liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Trao đổi với báo chí, một số chuyên gia cầu đường nhận định: Việc dùng đá hộc san lấp nền đường vi phạm quy chuẩn TCVN 9436:2012 về nền đường ô tô, quy định rõ kích cỡ hạt sỏi, đá lẫn trong đất đắp, san lấp nền đường tối đa 100-150mm. Điều này thuộc trách nhiệm của các cơ quan tư vấn giám sát (TVGS), quản lý dự án. Đồng thời, việc dùng vật liệu không rõ nguồn gốc, các mỏ không được cấp phép tiềm ẩn nguy cơ chất lượng vật liệu không đảm bảo.
Theo các chuyên gia này, vật liệu dùng dự án giao thông phải được chủ đầu tư chấp thuận mỏ, trường hợp vật liệu tận dụng (từ các dự án san lấp, hạ cao độ đồi núi…) phải được cấp địa phương trên tuyến xác nhận. Vật liệu vận chuyển đến công trường phải được các đơn vị TVGS kiểm tra, nghiệm thu chất lượng chặt chẽ.
Dư luận địa phương cho rằng, tận dụng đất đá thải để làm nguyên vật liệu san nền đường để giảm chi phí cần được thực hiện đúng quy định pháp luật và giám sát chặt chẽ, kiểm định kỹ càng để đảm bảo chất lượng. Còn việc "vô tư" dùng đá tảng, đá hộc để triển khai dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 279 cho thấy, quy trình giám sát, quản lý dự án còn nhiều lỗ hổng. Nếu không đảm bảo quy định pháp lý, chất lượng, vật liệu này bị buộc cào bóc, đưa ra ngoài dự án. Đồng thời đặt ra dấu hỏi về việc có hay không “hợp thức hóa” hồ sơ nghiệm thu, xuất hóa đơn khống cho khối lượng đá sử dụng?
Nên chăng, UBND tỉnh Hà Giang, Công an tỉnh Hà Giang, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Giang cần vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý, giám sát; làm rõ khối lượng, số lượng đất đá thải chưa được kiểm định, không đảm bảo mà các nhà thầu đã sử dụng vào dự án, đồng thời có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin!