Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Giáo dục 16/11/2022 07:57
Lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam
Tháng 1/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục).
Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục đã ra bản "Hiến chương các Nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với Nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm Trưởng Đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Vienna (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.
Từ ngày 26-30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo.
Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.
Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Ngày 20/11/1982, là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học sinh ghi nhớ sâu sắc, gửi lòng thành kính biết ơn đến công ơn dưỡng dục của thầy cô giáo. Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với một tình cảm vô cùng đặc biệt và thiêng liêng.
Đây là ngày lễ nhằm tri ân những nhà giáo, những tấm gương hoạt động giáo dục có đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam. Và vào ngày này, các thế hệ học trò cũng như các ngành nghề khác đều dành thời gian để nhìn lại và tri ân các cống hiến thầm lặng của những người thầy, người cô.
Năm nay 2022, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 rơi vào Chủ nhật, ngày 20/11/2022 dương lịch nhằm ngày 27/10/2022 âm lịch. Cũng là tròn 40 năm kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).
Tử vi 12 con giáp ngày 16/11/2022: Tuổi Tuất đón nhận tin vui bất ngờ Tử vi 12 con giáp ngày 16/11/2022 dự đoán công việc, tài chính, con số may mắn của tuổi Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, ... |
Miền Bắc chuẩn bị đón không khí lạnh và mưa dông dài ngày NMO - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn, do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, các tỉnh thành ở miền Bắc ... |
Tết Dương lịch 2023 người lao động được nghỉ mấy ngày, tính lương như thế nào? Theo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc nghỉ Tết Dương lịch 2023, thực hiện theo đúng quy ... |