“Người thầy” của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tạo sức hút mạnh mẽ với độc giả ở TP. Hồ Chí Minh
Sự kiện 12/03/2023 09:31
“Người thầy" mà nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đề cập, phác họa, trải lòng trong tác phẩm của mình đó là Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức, thường gọi ông Ba Quốc, sinh năm 1922, mất năm 2004. Ông Ba Quốc là một nhà tình báo xuất sắc, tài năng của tình báo quốc phòng Việt Nam. Ông hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một điệp viên hoàn hảo, một nhà chỉ huy có tầm nhìn chiến lược sắc sảo, quyết liệt và là một người thầy có cá tính đặc biệt, nghiêm khắc nhưng vô cùng nhân văn, sâu sắc. Và với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông Ba Quốc là người thầy, người chú, người đồng đội luôn ngời lên lý tưởng cách mạng, tình yêu với nghề và là một ngôi sao sáng trong thế hệ Hồ Chí Minh.
Cuốn sách “Người thầy” đang tạo sức hút với độc giả TP. Hồ Chí Minh |
Trong cuốn “Người thầy”, tác giả Nguyễn Chí Vịnh đã phát huy được lợi thế của người am hiểu công việc tình báo và mối quan hệ thầy trò gần gũi với nhân vật trong công việc cũng như cuộc sống sinh hoạt đời thường, nên đã tìm ra lối tiếp cận mới và phương pháp xử lý khối lượng thông tin ngồn ngộn một cách hợp lý, với những câu chuyện hết sức chân thực, dung dị, mộc mạc, nhưng vẫn toát lên phong thái lớn của ngôi sao tình báo Đặng Trần Đức.
Các đại biểu tham dự buổi giao lưu |
Không chỉ kể về những đóng góp quan trọng của ông Ba Quốc đối với ngành tình báo quốc phòng mà "Người thầy" còn nói về sự mất mát, hy sinh thầm lặng của cá nhân ông và gia đình, người thân. Đó là bà Phạm Thị Thanh, người vợ đầu cùng các con Giang, Thành ở ngoài Bắc, họ phải cắn răng chịu đựng “lời ong tiếng ve”, cảnh bần hàn thiếu thốn khi chồng, cha bí mật vào Nam hoạt động tình báo. Đó là bà Ngô Thị Xuân cùng các con trong Sài Gòn phải đối mặt với nguy hiểm rình rập hằng ngày hằng giờ khi biết và giúp ông xử lý tin tức tình báo, thậm chí phải chịu đòn roi của kẻ thù. Vượt lên tất cả, họ đã chấp nhận hy sinh về vật chất cũng như tinh thần để chồng, cha mình toàn tâm toàn ý thực hiện lý tưởng, phụng sự Tổ quốc.
Tác giả Nguyễn Chí Vịnh trải lòng về "Người thầy" |
Trong tác phẩm, tác giả cũng đã phát thảo thêm một số nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Ðức Anh, khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; các vị tướng đứng đầu ngành tình báo quân đội như: Đặng Vũ Chính, Nguyễn Như Văn; những nhà tình báo huyền thoại như: Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Khiêm, Lê Hữu Thúy... hay những người chỉ huy trực tiếp và những đồng đội “vào sinh ra tử” như Trang Công Doanh, Nguyễn Ngọc Ẩn, Nguyễn Văn Sị…Mỗi tên tuổi cùng câu chuyện cuộc đời và những điệp vụ, chiến công của họ đều lấp lánh xuất hiện trong mỗi chương phần của cuốn sách, góp phần làm cho tác phẩm thêm cuốn hút người đọc.
Buổi giao lưu giới thiệu "Người thầy" thu hút nhiều bạn đọc tham gia, tìm hiểu |
Cuốn sách được xem như là một sự bổ khuyết cho nhu cầu của độc giả tìm hiểu thông tin về ngành tình báo quân đội lâu nay được coi là “bí mật, khó tiếp cận”; đồng thời có giá trị giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ trẻ khắc ghi những cống hiến, hy sinh của lớp cha anh đi trước, từ đó sẵn sàng đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Và đó còn là sự tri ân, kính trọng, biết ơn của học trò, tác giả Nguyễn Chí Vịnh đối với người thầy Ba Quốc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giao lưu, ký tặng sách cho bạn trẻ TP. Hồ Chí Minh |
Tại buổi giao lưu, tác giả Nguyễn Chí Vịnh trực tiếp chia sẻ, bộc bạch về ý tưởng, chất liệu, những kỷ niệm, trải nghiệm…xoay quanh nhân vật và tác phẩm “Người thầy”. Điều đó khiến cho bạn đọc, nhất là các bạn trẻ thấy thấm hơn, yêu hơn về “Người thầy”, một cuốn sách dày 500 trang, khổ lớn, bố cục 7 chương theo phong cách hiện đại, là truyện nhưng phi hư cấu, vừa giống thể tài hồi ức nhưng cũng mang phong cách tiểu thuyết chương hồi.