Người dân vùng cao tăng thêm thu nhập nhờ sản phẩm OCOP
NCT làm kinh tế giỏi 04/01/2024 09:18
Xã vùng cao Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.200 hộ, với hơn 5.300 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 98% dân số. Yên Nhân có 18.900ha rừng, trong đó có hơn 17.000ha rừng tự nhiên. Nhờ diện tích rừng rộng lớn, hầu hết người dân trong xã đều “sống dựa vào rừng”, với ngành nghề chính là thu hái lâm sản, làm nan và chăn nuôi trâu, bò,...
Năm 2019, HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp Yên Nhân được thành lập giúp địa phương khai thác tốt tiềm năng sẵn có, từ đó cải thiện thu nhập cho người dân trong xã. Đặc biệt, năm 2021, mật ong hoa rừng Yên Nhân là sản phẩm đầu tiên của xã được công nhận OCOP 3. Một năm sau, măng khô Yên Nhân cũng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Với kinh nghiệm nhiều năm buôn bán mật ong, măng rừng nên khi được giao làm Giám đốc HTX, bà Cầm Thị Thuyết đã tìm kiếm hướng đi cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Ngoài liên kết với các hộ để thu mua măng tươi, HTX còn mua ong giống, hướng dẫn bà con cách nuôi và chăm sóc ong lấy mật đúng kĩ thuật.
Đến mùa hoa, các hộ nuôi ong di dời tổ ong đặt trong rừng phòng hộ. |
Mùa cao điểm thu mua măng tươi ở Yên Nhân thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm, chủ yếu là các loại măng nứa, vầu. Vì vậy, người dân địa phương cũng tận dụng tối đa thời gian thu hái măng tươi bán lại cho HTX theo hợp đồng liên kết. “Việc sản xuất măng khô phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Măng tươi sau khi làm sạch sẽ được luộc chín và phơi dưới nắng to trung bình từ 2-3 ngày. Tuy nhiên, nếu trời đổ mưa nhiều ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Vì vậy, để sản phẩm không bị hư hỏng, HTX đã đầu tư máy sấy nông sản với công suất 100kg/mẻ”, bà Thuyết chia sẻ.
Với mật ong, mùa cao điểm để khai thác mật cũng thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm. Thời điểm này, các hộ nuôi sẽ di dời đàn ong đặt dưới rừng phòng hộ. Hết mùa, đàn ong sẽ được di dời về điểm khác để duy trì đàn, không bị ong rừng tấn công. Bà Thuyết cho biết: “Điểm khác biệt của mật ong hoa rừng Yên Nhân là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không chứa tạp chất. Mật ong có độ đặc sánh, mùi thơm thanh ngọt, màu sắc tự nhiên”.
Hiện tại quy mô đàn ong đang được HTX duy trì khoảng 500 đàn, sản lượng trung bình mỗi năm dao động từ 4-5 tấn. Trong khi đó, với sản phẩm măng khô, sản lượng ước đạt 15-20 tấn/năm. Doanh thu mỗi năm ước đạt 5 tỉ đồng. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô lên 800 đàn, đồng thời đa dạng thêm các sản phẩm từ mật ong và măng rừng. Ngoài tiêu thụ tại hệ thống các cửa hàng trong tỉnh, HTX cũng đang tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ở các tỉnh, thành khác trong nước.
Hai sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của xã Yên Nhân. |
Ông Hà Thanh Hắng, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết: Trước đây, khi chưa có hợp đồng liên kết với HTX, bà con thường thu hái măng tươi rồi bán lại cho thương lái, vì vậy giá cả thường không ổn định. Kể từ khi thành lập HTX với việc xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP 3 sao, giá thu mua măng tươi cũng ổn định hơn. Thu nhập của người dân được nâng lên từ mức 1,5 triệu đồng/người/tháng lên 2,5 triệu đồng. Yên Nhân ra khỏi xã đặc biệt khó khăn từ năm 2020, hiện chỉ còn một thôn đặc biệt khó khăn. Để duy trì và phát triển sản phẩm chủ lực, nâng thu nhập cho bà con địa phương, chúng tôi mong muốn cơ quan có thẩm quyền kết nối thêm đơn vị thu mua với HTX, giữ ổn định số lượng và giá cả. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ cho xã về kĩ thuật chăm sóc ong, mở rộng quy mô tổng đàn”.