BIDV triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ người trẻ có nhà

Kinh tế 28/03/2025 09:15
Thông tin từ Sở Công Thương TP Cần Thơ, trên địa bàn các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh xảy ra một số trường hợp doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo chậm thanh toán tiền mua lúa theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân và hợp tác xã. Nguyên nhân là do dòng tiền của doanh nghiệp chưa quay vòng kịp (vì đợi đối tác thanh toán và hoàn tất các thủ tục giải ngân vốn vay từ các ngân hàng).
Trước kiến nghị của nhiều nông dân và hợp tác xã, Sở Công Thương TP Cần Thơ đã tổ chức buổi họp với các doanh nghiệp lúa gạo và một số ngân hàng thương mại trên địa bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn về vốn tín dụng. Tại đây, các ngân hàng thương mại, gồm: Agribank, HDBank, VietBank đã trao đổi, chia sẻ với doanh nghiệp; nhiều khúc mắc đã được hóa giải và ngân hàng rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về nhu cầu vay vốn để thanh toán tiền mua lúa vụ Đông Xuân 2024- 2025.
![]() |
Chở lúa ra đường bán cho nhà máy Lộc Trời. |
Ông Đặng Anh Tài, Giám đốc HDBank chi nhánh Cần Thơ cho biết, ngân hàng này đã làm việc với Công ty TNHH Thiện Phát (là một trong những doanh nghiệp lúa gạo lớn nhất tại Cần Thơ) để xem xét cấp hạn mức tín dụng, hỗ trợ vốn lưu động giúp doanh nghiệp kí hợp đồng bao tiêu cho vùng nguyên liệu gần 28.000 héc-ta. Ở quy mô toàn vùng, từ đầu tháng 3/2024, HDBank đã cấp hạn mức tín dụng 5.000 tỉ đồng cho Tập đoàn Lộc Trời để phân bổ cho các doanh nghiệp thành viên. Từ đó, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp thúc đẩy thu mua lúa gạo trong dân khi vào vụ thu hoạch rộ.
Không chỉ HDBank, hiện nay thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng tại hầu hết các địa phương có vùng lúa nguyên liệu lớn như Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang… đều thúc đẩy rất mạnh hoạt động cho vay thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo.
Theo thống kê từ NHNN chi nhánh Khu vực 15, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt 13.622 tỉ đồng, tăng gần 1,8% so với cuối năm 2024. Trong đó, các ngân hàng, như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank và MB đều có dư nợ cho vay lúa gạo hàng trăm tỉ đồng.
Tại An Giang, đến cuối tháng 2/2025 dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo tăng 6,58% so với cuối năm 2024, đạt 16.625 tỉ đồng. Trong mục tiêu đổi mới phương thức sản xuất, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kĩ thuật, ngành nông nghiệp An Giang đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các mô hình, các giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa, như: IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, SRP, cơ giới hóa đồng bộ... hướng tới việc nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường.
Trong nỗ lực bảo đảm đầu ra và giảm thiểu rủi ro cho nông dân, ngành nông nghiệp An Giang tăng cường thúc đẩy diện tích liên kết tiêu thụ lúa, đạt khoảng 74.623ha, chiếm 12,1% tổng diện tích gieo trồng. Đồng thời, các sản phẩm chế biến từ lúa gạo cũng ngày càng phát triển. Hiện, An Giang có 2 sản phẩm gạo đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia; 1 sản phẩm gạo, 2 sản phẩm rượu gạo và 1 sản phẩm thanh gạo lứt ngũ cốc đạt OCOP 3 sao.
Về tiềm năng, ngành hàng lúa gạo An Giang vẫn còn nhiều điều kiện phát triển. Cụ thể, tỉnh đang tập trung vào các giống lúa chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến và xây dựng thương hiệu, hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất lúa gạo có thể giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm thiểu tác động môi trường. Ngoài ra, cũng có thể kết hợp sản xuất lúa gạo với phát triển du lịch nông nghiệp, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Định hướng cho công tác liên kết sản xuất, chế biến, xuất khẩu lúa gạo của tỉnh trong năm 2025, ngành nông nghiệp đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Thường xuyên phối hợp các địa phương hỗ trợ, kết nối với doanh nghiệp để xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất lớn theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường xây dựng mã số vùng trồng để thực hiện truy xuất nguồn gốc, phục vụ xuất khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học - kĩ thuật trong sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến lúa gạo của doanh nghiệp. Tích cực áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong quá trình tham gia liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị lúa gạo phục vụ nhu cầu thị trường…