Người cao tuổi cần biết: Virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?
Y tế 16/02/2023 17:46
Hiện có 9 trường hợp tử vong và 16 trường hợp nghi nhiễm với các triệu chứng sốt, mệt mỏi, tiêu chảy và nôn mửa do Marburg, một loại virus cùng họ với Ebola gây ra.
Giống như Ebola, virus Marburg bắt nguồn từ loài dơi và lây lan giữa người với người qua tiếp xúc gần với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh hoặc các bề mặt, chẳng hạn như ga trải giường nhiễm virus.
Bệnh nhân nhiễm virus Marburg được điều trị tại bệnh viện ở Luanda, Angola. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Theo các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), bệnh Marburg do virus Marburg gây ra là một loại sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến các cơ quan của cơ thể và gây chảy máu. Virus Marburg là một loại virus lây truyền từ động vật sang người, cùng với 6 loại virus Ebola tạo nên họ filovirus.
Loại virus hiếm gặp này được xác định lần đầu tiên vào năm 1967 sau khi gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg, Đức và Belgrade. Khi đó, 31 người tiếp xúc với virus trong khi tiến hành nghiên cứu trên khỉ đã bị bệnh và 7 người đã chết. CDC cho biết dơi ăn quả châu Phi, tên Rousettus aegyptiacus, là vật chủ chứa virus.
Tổ chức Y tế Thế giới cho hay, thời gian ủ bệnh Marburg là từ 2 ngày đến 3 tuần. Các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, nhiều bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới một tuần.
Theo WHO, các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên. Một số bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu. Bệnh nhân cũng bị chảy máu nướu răng, ở mũi và cơ quan sinh dục. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ.
Hầu hết các trường hợp tử vong sau hơn một tuần mắc bệnh, ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết thêm rằng các trường hợp tử vong thường đi kèm với sốc và mất máu nghiêm trọng.
Theo CDC, tỷ lệ tử vong do bệnh Marburg dao động từ 23%-90%. Trong một đợt bùng phát năm 2004 ở Angola, virus Marburg đã gây tử vong 90% trong số 252 người mắc bệnh. Năm ngoái, có 2 trường hợp tử vong do virus Marburg ghi nhận ở Ghana.
Ngày 14/2, WHO đã triệu tập cuộc họp khẩn sau khi có ít nhất 9 người tại Ghinea Xích đạo tử vong do sốt xuất huyết virus Marburg. Cũng theo WHO, nội dung cuộc họp sẽ thảo luận về vấn đề sản xuất vaccine phòng virus Marburg (MARVAC) với sự tham gia của các đại diện thuộc bộ phận nghiên cứu, phát triển vaccine chống virus Marburg.
Cho đến nay, chưa có vacccine hoặc liệu pháp điều trị nào được cấp phép để điều trị cho người bệnh nhiễm virus Marburg. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới đang đánh giá hiệu quả của các biện pháp điều trị tiềm năng như huyết tương, liệu pháp kháng thể hoặc thuốc cũng như các vaccine tiềm năng.
COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH từ ngày 1/4 NMO - Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được ... |
Việt Nam trao tặng 2 tấn thiết bị y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ Đoàn Việt Nam sang trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đã mang theo 2 tấn thiết bị viện trợ y ... |
Người cao tuổi và vấn đề chăm sóc y tế Bệnh tật ở NCT chủ yếu là bệnh không lây nhiễm và mạn tính, nên chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. ... |