Nghệ nhân già đam mê, gìn giữ thú chơi diều sáo
Văn hóa - Thể thao 02/05/2023 10:00
Cánh diều nuôi dưỡng tuổi thơ
Men theo đê sông Đáy, chúng tôi đến gặp Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền, người có thâm niên gần 70 năm làm diều sáo ở Đàn Viên. Tuy đã qua tuổi bát tuần nhưng cụ bảo: “Vẫn có thể đi được xe máy khắp Hà Nội”, và còn nhớ như in những kỉ niệm về những ngày đầu học làm diều, đèn kéo quân.
Khi tôi gọi là nghề làm diều, cụ Quyền gạt đi và bảo rằng, đấy là thú chơi dân gian chứ không phải nghề. Bởi nghề phải đem lại thu nhập chính cho người làm. Trước kia, Đàn Viên cũng có nghề làm pháo và làm đèn kéo quân, tuy nhiên, những nghề đó chỉ là nghề phụ, dân làng chủ yếu vẫn làm nông nghiệp.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền cùng các bạn trẻ chuẩn bị cho diều sáo cất cánh. |
Về diều sáo, cụ Quyền cho biết: Chơi diều là trò chơi dân gian từ xa xưa rất phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ. Ban đầu chỉ là diều cánh phản (diều gấp bằng một tờ giấy học sinh), rồi diều cánh lá đến diều thuyền, diều sáo... cho thấy sự tìm tòi trong thú chơi diều không ngừng dừng lại. Từ nhỏ, cụ Quyền đã được dạy cách làm diều, khoét sáo. Lúc đầu, chỉ biết làm những chiếc diều nhỏ không sáo, buộc dây chỉ, bay lên được đã thích thú vô cùng. Sau, tập vót cật, khoét lỗ, chỉnh âm và làm được những con diều to hơn, bay cao hơn... và niềm đam mê với cánh diều sáo cứ lớn lên từng ngày.
Nhớ lại tuổi thơ, đôi mắt người nghệ nhân già chất chứa bao hoài niệm. Cụ kể, ngày ấy kiếm tờ giấy lành lặn làm diều cũng khó chứ nói gì có tiền mua sẵn. Diều quý như của cải của trẻ con. Để bảo quản tránh bị ướt, trẻ con thường giấu trứng gà, rồi lấy lòng trắng trứng phết lên bề mặt ngoài của diều, tạo thành một lớp bảo vệ. Còn làm sáo, phải dùng sơn ta để gắn. Cụ Quyền bị dị ứng sơn, nhiều lần ngứa ngáy khắp người vì làm sáo nhưng quá thích thú nên chẳng bỏ cuộc. Cụ đã dùng nhựa sung gắn sáo thay cho sơn ta. Diều sáo quý là vậy nhưng không bán hay “quy ra tiền”, mà chỉ tặng nhau hoặc cùng nhau chơi.
Chưa lúc nào “chán” thú chơi diều
Khi lớn lên, cuộc mưu sinh, cơm áo gạo tiền khiến nhiều người không có thời gian chơi diều hoặc không còn giữ được thú chơi diều. Với cụ Quyền thì ngược lại. Ban ngày, cụ vẫn làm cả trăm việc đồng áng nhưng cứ chiều đến, cho dù mệt đến mấy cụ cũng dành chút thời gian đi thả diều cùng lứa trẻ. Tiếng diều sáo lúc “ro ro”, lúc “đu đu” cứ vang lên đều đặn trên cánh đồng làng Đàn Viên mỗi chiều Hè. Và, để làm được một chiếc diều sáo không phải trong chốc lát mà có khi cần đến chục ngày. Theo cụ Quyền, đầu tiên phải làm được phần xương chắc chắn, cân đối. Mà làm được xương thì phải biết chọn tre. Tre phải là tre già, sơ tre phải đỏ, mấu tre phải đều, phơi tre không ngót, không nứt... cánh diều làm bằng giấy dó, còn nay làm bằng vải may, trang trí hoa văn. Tỉ mỉ nhiều công đoạn ra được con diều sáo nhưng thả diều cũng cần trình độ, không phải ai thả cũng lên được.
Cụ Quyền kể: “Những lần thi thả diều, chúng tôi đều làm lễ cầu phong (cầu gió), có gió thì diều mới lên được. Muốn diều bay cao, phải có người chạy mồi. Khi diều “cất cánh”, người thả nới dây từ từ mà không được nới vội vàng, gió to quá là phải thu diều lại. Thả diều sáo đêm rất thú vị, nghe tiếng sáo du dương trong màn đêm tĩnh lặng như giúp người thả lạc trong chốn Bồng Lai tiên cảnh”.
Tuy “mất ngày mất buổi” mà chẳng ra tiền, nhưng trong gia đình cụ chẳng ai phàn nàn mà luôn ủng hộ cụ chơi diều. Thấy chúng tôi trò chuyện về diều với cụ ông, cụ bà cười nói: “Ai cũng có sở thích của riêng mình, người thích cái này, người thích cái kia. Bản thân tôi là phụ nữ nhưng cũng rất thích ngắm diều nghe sáo. Mỗi lần ông ấy làm diều, trẻ con trong xóm cứ tíu tít tụ tập, học ông làm diều, thêm vui cửa vui nhà”.
Thú chơi diều sáo làm cụ Quyền thêm yêu quê hương. Cụ lí giải rằng, khi diều gặp gió tung cánh lên trời sẽ tạo ra sự giao hòa giữa trời đất, con người với nhau. Khi ta tung cánh diều lên là ta cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tiếng sáo làm cho con người ta cảm thấy cuộc sống thanh bình, êm ả.
“Thổi gió” cho cánh diều sáo lên cao
Mấy chục năm chơi diều sáo, cụ Quyền từng chứng kiến thú chơi này từng bị mai một. Thậm chí, bản thân cụ, tuy rất yêu cánh diều nhưng trước kia, cụ cũng chỉ nghĩ diều sáo là trò chơi giải trí của trẻ con. Đến năm 2007, cụ bất ngờ được Bảo tàng Dân tộc học mới tham gia Chương trình bảo tồn di sản trò chơi dân gian.
Tham gia chương trình, cụ được tiếp xúc với những nhà bảo tồn văn hóa dân gian. Cụ biết được rằng, đằng sau thú chơi là những câu chuyện văn hóa, bản sắc dân tộc, giá trị di sản và có ý nghĩa giáo dục. Từ đó, cụ rất mong muốn diều sáo nói riêng và các trò chơi dân gian nói chung được sống trở lại.
Các năm sau, cụ Quyền trở thành “người quen” trong nhiều chương trình của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thanh Oai,...
Năm 2013, cụ vận động những người yêu diều sáo trong xã Cao Viên thành lập CLB Diều sáo, rồi sau đó thành lập tiếp CLB Diều sáo huyện Thanh Oai, quy tụ được hơn 20 người yêu diều sáo trong huyện. Cụ Quyền làm Chủ nhiệm CLB Diều sáo huyện 3 năm, sau đó xin làm cố vấn. CLB Diều sáo Cao Viên từng làm một con diều sáo dài tới 8 mét, thả bằng cáp tời và phải đóng 3 cọc tre cố định. Tuy nhiên, con diều quá lớn và chỉ được thả một lần.
Chúng tôi theo cụ Quyền ra cánh đồng Soi làng Đàn Viên, hàng chục con diều sáo đủ màu sắc đang bay lượn trên bầu trời. Thích thú nhất là tiếng sáo trong trẻo, thanh khiết và có hàng trăm con mắt trẻ thơ đang dõi theo cánh diều phía dưới.
Một nhóm trẻ đang thả diều tíu tít chạy về phía cụ, hỏi về tiếng sao êm chưa, độ cao hợp lí hay không cụ? Thấy cụ hướng dẫn các bạn trẻ và cách nói chuyện của cụ, tôi không hề thấy khoảng cách tuổi tác, thế hệ. Điểm chung giữa họ là thú đam mê chơi diều sáo đến vô tận.
Tính đến nay, cụ Quyền đã dạy cho khoảng 100 bạn trẻ trong và ngoài làng về kĩ thuật làm diều, sáo. Ngoài làm diều, cụ Quyền còn làm đèn kéo quân. Đèn kéo quân của cụ có thể thắp một ngọn nến vẫn chạy. Cụ cũng là người khôi phục đèn lồng theo mô tả trong cuốn Kỹ nghệ người An Nam, hiện trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội 10 chiếc. Hằng năm, cứ đến Trung thu, cụ lại làm một chiếc đèn kéo quân và đèn ông sao cỡ lớn để tặng cho thiếu nhi trong làng.
Anh Nguyễn Văn Thắng, 28 tuổi, một trong những học trò của cụ Quyền chia sẻ: "Tôi đi làm từ sáng đến chiều muộn mới về nhưng luôn dành thời gian chơi diều sáo, bởi vì đó là đam mê của hầu hết lớp trẻ ở Đàn Viên. Cụ Quyền dạy tôi làm diều từ lúc còn bé tí, đến nay tôi có thể làm được nhiều chiếc diều kích cỡ khác nhau, tự khoét sáo, may cánh diều bằng vải... Chơi diều giúp tôi thư giãn mỗi ngày và cảm thấy yêu hơn các trò chơi dân gian không chỉ riêng diều sáo".
Anh Nguyễn Đình Long, Chủ nhiệm CLB Diều sáo Thanh Oai cho biết: "Phong trào chơi diều sáo ở huyện Thanh Oai được khuấy động trở lại và hoạt động có tổ chức từ khi CLB được thành lập. Chúng tôi duy trì sinh hoạt 1 tháng/lần. Ngoài giao lưu về kĩ thuật làm, thả diều, tổ chức, tham gia hội thi, chúng tôi còn thường mở các lớp dạy miễn phí cho thanh thiếu niên có đam mê diều sáo. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chính là “cánh diều” đầu đàn đưa phong trào chơi diều sáo của Thanh Oai càng ngày càng bay cao, bay xa".