Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Chương: Bà đỡ của người nghèo thiếu vốn
Kinh tế 05/01/2022 16:31
Đổi đời nhờ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Thấy có khách đến,chị Nguyễn Thị Tân, ở xóm 6 xã Thanh Hương chạy từ đồi chè vào chào hỏi. Vào nhà, chị vừa gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán vừa rót nước mời khách. Bên ấm nước chè xanh thơm lừng chị thong thả kể. Những năm trước đây, mặc dù đất đai rộng nhưng do thiếu vốn làm ăn nên gia đình chị luôn thuộc diện hộ nghèo của xã. Cha ông ta thường nói "Con nhà giàu hay mần (làm), con nhà bần hay ăn". Chị không phải là người lười nhác dẫn đến nghèo đói mà chị là người thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Vốn vay người ngoài thì dễ nhưng tiền lãi cao chị không kham nổi. Sau khi được vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Thanh Chương, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp gồm: Chăm sóc và trồng 15 ha chè công nghiệp, nuôi 15 con trâu bò, 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái sinh sản để cung cấp giống cho gia đình và bà con trong trong xã. Chăm chỉ làm ăn, phát triển chăn nuôi tổng hợp và trồng chè công nghiệp mỗi năm trang trại của chị cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí, tạo việc làm thường xuyên cho 3 đến 4 lao động với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng mỗi người một tháng.
Vườn cam của chị Lê Thị Hoa, ở xóm Sướn, xã Thanh Đức,huyện Thanh Chương vào kỳ thu hoạch |
Gia đình chị Nguyễn Thị Hoài, ở thôn 3 xã Thanh Hà, mấy năm trước đây cũng thuộc diện thiếu ăn, được Ngân hàng CSXH cho vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế trang trại. Sau khi được Hội Phụ nữ xã tư vấn, chị đã xây dựng trang trại tổng hợp VAC trong đó: Trồng 4 ha chè công nghiệp, 2 ha keo nguyên liệu, 2 ha trồng ngô và sắn để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, 1 ha nuôi trồng thủy sản… Nuôi 40 con lợn thịt, 200 con vịt đẻ cùng hàng trăm con gà thả vườn… Nhờ phát huy thế mạnh vùng đồi kết hợp với chăn nuôi tổng hợp mỗi năm trang trại của chị sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng. Từ chỗ làm ăn manh mún, thiếu trước hụt sau đến nay gia đình chị Nguyễn Thị Hoài đã xây dựng nhà cửa khang trang.
Những con số "đổi đời'' một vùng quê nghèo khó
Nói về Thanh Chương, người ta thường nghĩ đến vùng rừng núi trung du bán sơn địa, "Chưa mưa đã lụt,chưa nắng đã khô", thức ăn quanh năm là nhút với câu ca truyền thống; "Thịt cá là hương hoa, tương cà là chính vị". Tuy nhiên đó là giai đoạn của những năm trước đây khi chưa đổi mới. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, người dân Thanh Chương đã biết lột xác chuyển mình đi lên cùng thời đại với phương châm hành động "Đoàn kết, tiến công, tăng tốc, hội nhập". Bằng khai thác các nguồn lực, vận động cơ chế chính sách kích cầu của nhà nước để đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến thời điểm này, huyện Thanh Chương đã có 20/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 xã gồm: Võ Liệt, Xuân Tường, Cát Văn tiếp tục cán đích nông thôn mới trong năm 2021. Toàn huyện làm được 809 km đường bê tông, 667 km đường nhựa, 1.196 km đường cấp phối… một con số đáng tự hào.
Từ chỗ người dân một huyện nghèo, đến nay thu nhập bình quân của người dân Thanh Chương đạt 42,2 triệu đồng một người một năm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng giảm,hộ khá, hộ giàu ngày một tăng nhanh. Góp phần làm nên thành tích đó ngoài sự lãnh đạo,chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành nhịp nhàng của chính quyền, sự nỗ lực vươn lên của các tầng lớp nhân dân còn có sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương. Bà Trần Thị Mai Hạnh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thanh Chương cho biết: Tính đến thời điểm cuối năm 2021, dư nợ đạt hơn 629.300 triệu đồng, đạt 99,9 % kế hoạch, trong đó: Cho vay 18 chương trình, số hộ vay trong năm là 4.748 hộ, gồm: Hộ nghèo: 89.178 triệu đồng, Hộ cận nghèo: 223.824 triệu đồng, Hộ mới thoát nghèo: 105.393 triệu đồng, Hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn: 119.064 triệu đồng. Nhờ làm tốt công tác thẩm định và quản lý, theo dõi đồng vốn nên tỷ lệ nợ quá hạn chỉ có 611 triệu đồng, chiếm tỷ lệ chưa tới 0,09 %. Nhận xét về hiệu quả của đồng vốn xóa đói giảm nghèo khi cho các hộ khó khăn vay phát triển kinh tế, chị Chu Thị Hảo, tổ trưởng tổ vay vốn Ngân hàng CSXH xã Thanh Hương nói: Trong thời gian qua, trên địa bàn xã Thanh Hương nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện nên đã có nhiều gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có vốn làm ăn, phát triển kinh tế, làm trang trại tổng hợp, nay đã thoát nghèo bền vững và trở thành hộ khá, hộ giàu của địa phương.
Màu xanh no ấm trên quê hương cách mạng
Nhận xét về những đóng góp của Ngân hàng CSXH huyện trong năm qua, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: "Trong các năm qua Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, các Tổ tín dụng vay vốn ở các xã đã làm tốt công tác thẩm định nhu cầu vốn của các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo… vay phát triển kinh tế. Đồng vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích, lãi suất ưu đãi đã góp phần giúp các đối tượng chính sách xã hội phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững trong đó, nhiều hộ từ hộ nghèo vươn lên thành hộ giàu, hộ khá của địa phương."
Để minh chứng màu xanh no ấm trên quê hương cách mạng. Một ngày đầu xuân, trời se lạnh, đi trên đường Hồ Chí Minh - Con đường huyền thoại thảm nhựa phẳng lỳ vào Nam ra Bắc qua địa bàn huyện Thanh Chương, nhìn sang hai bên đường ngút ngàn một màu xanh no ấm. Màu xanh của các trang trại rực rỡ như những đóa hoa khổng lồ đủ màu hương sắc. Màu xanh mơn mởn của những đồi chè, màu vàng tươi của những gốc tiêu, màu xanh đậm của vườn cam xen lẫn vàng óng của những quả cam chín đang kỳ thu hoạch. Rẽ bên đường Hồ Chí Minh ghé thăm trang trại của cụ Sơn Nhung, ở xã Thanh Mỹ. Nhìn những vườn bưởi, vườn cam trĩu quả, những hàng chè thẳng tắp cắt tỉa gọn gàng. Dưới ao, cá tung tăng bơi lội. Trong vườn đàn gà vàng óng, màu vàng đặc trưng của thương hiệu "Gà đồi Thanh Chương" đang tìm kiếm thức ăn. Những đàn ong cần mẫn, hút nhụy tìm mật, dâng vị ngọt cho đời.. Nhìn vườn cây, ao cá, đàn gà, tổ ong… tác giả bài viết cũng cảm thấy vui lây. Bất chợt, nhớ đến lời bài hát "Em đi làm tín dụng" của cố Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, do ca sỹ Thanh Hoa thể hiện: Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng / Làm tín dụng em mang tiền chính phủ, cho bản làng vay đủ/ Nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm ngô/… Đường bản làng đã mở to hơn/ Ai xây nên mái ngói đỏ như son/ Ai cho con em ta đến mái trường… Vâng, trong màu xanh yêu thương và no ấm ấy, có một phần đóng góp không nhỏ của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thanh Chương.