Nét mới ở Tà Long
Du lịch 19/06/2024 09:33
Xã Tà Long hiện có 674 hộ, với 3.541 nhân khẩu, có 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Vân Kiều chiếm 84%; Pa Kô 0,6%; Pa hy 12% và Kinh 3,5%. Những năm qua, nhiều chương trình hỗ trợ kinh tế, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của các cấp chính quyền địa phương đã hướng về Tà Long. Chính quyền các cấp cũng đã khích lệ bà con vươn lên thoát nghèo, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân trong xã.
Từ những hướng dẫn cán bộ, nhiều hộ gia đình đã thay đổi được cách canh tác, sản xuất một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm đất đai, thời tiết, khí hậu của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dù là địa phương còn nghèo, nhưng trong xây dựng nông thôn mới, bà con đã đóng góp công sức, hiến đất, để xây dựng trường học, bệnh xá, đường nông thôn,… tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống mới.
Chị Hồ Thị Thương sáng lập tour du lịch với giá chỉ 199k ở Tà Long. |
Xã Tà Long nằm bên Quốc lộ 14 trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là xã rẻo cao rất đẹp, điển hình với những mái nhà sàn nhỏ xinh dựa vào núi, những thung lũng ruộng lúa nếp xanh rì. Sâu phía trong một chút là rừng nguyên sinh, quanh năm mây phủ. Các bản làng của người Vân Kiều, Pa Kô ở đây luôn giữ gìn nếp sống văn hóa của riêng mình, đồng bào tự chăn nuôi trồng trọt, cuộc sống bình dị, an yên giữa thiên nhiên sạch sẽ trong lành. Đặc biệt, thôn Tà Lao có hệ thống ghềnh thác, khe suối chảy quanh co giữa những khu rừng nguyên sinh cùng thảm thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng và quý hiếm đã tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch khám phá.
Phụ nữ Vân Kiều chế biến các món ăn dân dã mang hương vị núi rừng nhưng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ du khách. |
Với điều kiện tự nhiên lí tưởng, các địa phương ở miền Tây Quảng Trị đã và đang “đánh thức” tiềm năng du lịch bằng những bước đi mới, có tính đột phá. Chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long là người khởi xướng cho du lịch Tà Long bằng một bài dự thi khởi nghiệp trong tỉnh năm 2019. Và chị đã biến ước mơ của người dân Tà Long thành hiện thực. Con suối A Lao 2 năm trở lại đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi về với miền Tây Quảng Trị. Để du lịch Tà Long đi vào hiệu quả, chị Thương đã vận động các hộ gần suối chế biến các món ăn dân dã mang hương vị núi rừng nhưng bảo đảm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện chị Thương lập ra một đội hoạt động du lịch tại Tà Long, với 16 người, chủ yếu là phụ nữ Vân Kiều, tạo thu nhập ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với việc phục vụ du lịch, chị Thương cũng xây dựng gian hàng nông sản ở khu vực trung tâm xã, giúp bà con giới thiệu và bán những nông sản do mình làm ra. Bên cạnh đó, tận dụng mạng xã hội, chị Thương cùng chị em trong đội du lịch giới thiệu hàng hóa thông qua hình thức bán online, quảng bá du lịch địa phương. Chị Thương cho biết: “Tà Long có nhiều ưu đãi của thiên nhiên, cũng như giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, rất tốt cho việc phát triển du lịch. Đưa ra sáng kiến này, em muốn giúp bà con nâng cao thu nhập và tạo ra được sự thay đổi trong tư duy, lối suy nghĩ, để bà con phát triển kinh tế một cách hiệu quả ngay trên quê hương của mình”.
Suối A Lao xã Tà Long trở thành địa điểm du lịch lí tưởng ở phía Tây Quảng Trị. |
Từ sáng kiến trên, chị Thương đã cùng nhiều phụ nữ Vân Kiều bắt tay hành động, với khát khao biến núi rừng của huyện Đakrông thành lợi thế; để mọi người cùng khai thác và hưởng lợi thế đó. Chị Thương cho biết, sẽ hoàn thiện tour du lịch này để thu hút du khách. Đồng thời kết hợp với các hộ dân mở homestay để khách ở lại. Đặc biệt, phục hồi các lễ hội, nghề truyền thống để du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm. Với cương vị Chủ tịch Hội LHPN xã, chị Thương còn thành lập CLB trẻ em gái, để ngăn chặn tình trạng tảo hôn; bảo tồn, phát huy nghề truyền thống; xây dựng tổ tiết kiệm tín dụng… hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế.
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho biết, thời gian qua, du lịch cộng đồng ở miền Tây Quảng Trị đang được nhiều cơ sở kinh doanh và công ty du lịch khai thác. Tận dụng tiềm năng thiên nhiên vốn có, họ đã tạo được những nét riêng để đưa du lịch Quảng Trị phát triển. Dư địa phát triển du lịch miền Tây Quảng Trị còn rất lớn, với hệ sinh thái ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa nổi trội các loại hình du lịch thiên nhiên, mạo hiểm, tìm hiểu, khám phá các hang động, rừng sâu... Tuy nhiên, hiện việc đầu tư, khai thác du lịch khu vực này chưa tương xứng với tiềm năng.