Quảng Trị lưu giữ bản sắc văn hóa Vân Kiều
Văn hóa - Thể thao 08/01/2020 14:59
Trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, cùng sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhịp sống hiện đại, khá nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của người Vân Kiều dần thay đổi. Những ngôi nhà sàn, mái lá đơn sơ, đã được thay thế bằng những mái tôn, phi brô xi măng, cột nhà bằng bê tông, cốt thép, cho đến các phong tục văn hóa, các làng nghề dần bị lãng quên trong đời sống sinh hoạt của bà con dân tộc Vân Kiều. Bản Ka Lu nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến Quốc lộ 9 lịch sử, có cầu treo Đakrông, cùng với đó là nhiều địa danh lịch sử, văn hóa quan trọng nên dự án được triển khai xây dựng nhằm quy hoạch vùng này trở thành điểm du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều |
Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người, phù hợp với tình hình thực tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã triển khai Dự án bảo tồn 68 ngôi nhà sàn truyền thống ngày xưa ở bản Ka Lu. Những ngôi nhà sàn được phục dựng nguyên trạng, với kiểu nhà truyền thống trước đây và chủ yếu sử dụng vật liệu gỗ, tranh, tre, mây, nứa, lá… Nhà gồm có 3 gian, nên sẽ rất thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân. Đặc biệt là các gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống.
Được sinh sống trong ngôi nhà mới khang trang, là niềm mong mỏi bấy lâu của bà Hồ Thị Đai, 75 tuổi. “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành thì gia đình tui mới được đầu tư dựng nhà mới, được sinh sống trong ngôi nhà sàn truyền thống. Từ nay việc sinh hoạt sẽ trở nên thoải mái hơn, bởi nhà rất rộng và thoáng đãng”, bà Đai bày tỏ.
Chị Hồ Thị Đơn - người dân bản Ka Lu cho biết, ở nhà gỗ, mái lợp bằng tranh, lá mây sẽ mát mẻ hơn nhiều. Về mùa đông cũng ấm hơn so với nhà mái tôn. Trước đó, do chưa có điều kiện để xây dựng nên bà con đành chấp nhận. Nhưng từ khi có nhà mới, người dân trong bản mừng lắm.
Đến nay, bản Ka Lu là không gian văn hóa truyền thống thu nhỏ của người Bru - Vân Kiều ở miền tây Quảng Trị. Ở đây tập trung nhiều ngành nghề truyền thống và những giá trị cổ còn được lưu giữ như nghề đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc bản địa… Các giá trị văn hóa truyền thống của người Vân Kiều được xây dựng, phục hồi như: Xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà trưng bày bảo tàng dân tộc học, cũng là nơi biểu diễn, sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các lễ nghi, lễ hội của dân bản Ka Lu; Bảo tồn và phát triển môi trường sinh thái xây dựng cảnh quan; Bảo tồn Động Ngài để phục vụ khách tham quan du lịch… góp phần xây dựng bản Ka Lu trở thành một bản văn hóa, du lịch sinh thái cộng đồng đặc sắc của không riêng tỉnh Quảng Trị, mà còn đại diện cho cộng đồng người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở miền tây Trường Sơn.