Năm 2022: Hệ lụy từ biến động của giá dầu đối với xu hướng toàn cầu hóa
Quốc tế 30/12/2022 14:36
Đầu tiên là đại dịch Covid-19 khiến giá dầu thô lao dốc khi nhu cầu sụt giảm do các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại trong năm 2020. Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại trên toàn cầu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và việc các nhà sản xuất dầu không kịp thích ứng với thay đổi trên thị trường dẫn đến thiếu hụt nhiên liệu, đẩy giá dầu lên cao.
Bên cạnh đó, nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, chính phủ các nước phương Tây giảm đầu tư vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Các ngân hàng lớn của châu Âu giảm hỗ trợ tài chính cho các công ty nhiên liệu hóa thạch ở mức 27,6% năm 2021, giai đoạn các hoạt động kinh tế bắt đầu được nối lại và cần dầu mỏ nhất. Những nhân tố này khiến giá dầu thô Brent tăng hơn 60% trong năm ngoái. Tháng 10/2021, Mỹ, EU và Anh ghi nhận lạm phát tăng lên cao hơn so với mục tiêu đề ra là 2% và tiếp tục leo thang.
Một trạm xăng ở ngoại ô Moskva, Nga |
Khi giá dầu và lạm phát tiếp tục đà tăng vào đầu năm 2022 thì Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine, Nhóm các nước nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nước đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các lĩnh vực như ngân hàng, logistics và năng lượng của Nga. Những diễn biến này khiến giá dầu dao động quanh mức 100 USD/thùng, lạm phát trở thành vấn đề toàn cầu vào tháng 5 vừa qua.
Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ngân hàng trung ương Anh (BoE) liên tục tăng lãi suất từ đầu năm nay. Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), việc tăng mạnh lãi suất có tác dụng ngược đến những nền kinh tế dễ bị tổn thương của các nước đang phát triển. Đầu năm nay, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định việc Mỹ tăng lãi suất có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, những nước có nợ công cao sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Giới chuyên gia cảnh báo Mỹ và các nước phương Tây có nguy cơ rơi vào suy thoái, khi các đợt tăng lãi suất làm tăng chi phí cho vay và khiến các nền kinh tế công nghiệp tăng trưởng chậm lại. Đầu năm nay, Mỹ bước vào giai đoạn suy thoái kĩ thuật, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và phần lớn các nước EU sẽ đối mặt với suy thoái vào quý IV/2022.
Để cải thiện tình hình kinh tế, G7 quyết định triển khai kế hoạch áp giá trần ở mức 60 USD/thùng với dầu mỏ của Nga và biện pháp này chính thức có hiệu lực vào ngày 5/12 vừa qua. Đáp lại, Nga tuyên bố không bán dầu cho những nước thực hiện biện pháp này, đồng thời cảnh báo việc áp giá trần sẽ làm suy yếu các nguyên tắc thị trường tự do và xáo trộn kinh tế toàn cầu. Các quốc gia sẽ phải tự tìm cách tăng cường nhập khẩu dầu mỏ và sử dụng nội tệ để thanh toán cho các thương vụ dầu và khí đốt.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo giá dầu Brent và WTI có thể vượt mốc 100 USD lần nữa nếu Nga giảm sản lượng dầu và Trung Quốc tăng tốc phát triển kinh tế sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan Covid-19. Các chuyên gia tin rằng các biện pháp trừng phạt và tác động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều khả năng dẫn đến tình trạng phi toàn cầu hóa. Kinh tế thế giới có nguy cơ bị chia thành các khối tách biệt. Việc kết nối kinh tế bị giảm đi sẽ tăng quyền hạn và các biện pháp bảo hộ nhà nước cho các công ty và các ngành công nghiệp nội địa.
Có thể nói, kinh tế toàn cầu của những năm 2020 sẽ rất khác so với 3 thập kỉ trước. Trong khi Nga điều chỉnh lại nguồn cung và các tuyến vận chuyển hàng, thì nền kinh tế phương Tây tăng trưởng chậm lại. Thời gian sẽ trả lời xu hướng chia rẽ kinh tế toàn cầu sẽ kết thúc như thế nào…