“Mũi tên trúng hai đích” của ông Joe Biden
Quốc tế 07/06/2024 15:21
Theo kế hoạch, Tổng thống Biden phát biểu tại sự kiện kỉ niệm ở Normandy ngày 6/6 trước 25 nhà lãnh đạo thế giới. Dự kiến, một ngày sau đó, ông cũng có bài phát biểu tại Pointe du Hoc, nơi lực lượng Mỹ tổ chức cuộc đột kích bất ngờ vào quân đội Đức và giành được chỗ đứng chân trên bờ biển phía Bắc nước Pháp.
Ngày 8/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đón tiếp người đồng cấp Mỹ tại Paris. Trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bước sang năm thứ ba, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (trái) đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại sân bay Orly ở Paris, Pháp |
Trong một tuyên bố, Điện Elysée cho biết, lãnh đạo Pháp và Mỹ sẽ thảo luận về viện trợ dài hạn cho Ukraine, đồng thời khẳng định sự phối hợp chặt chẽ của hai nước trong các vấn đề khủng hoảng quốc tế sẽ giúp chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế tiếp theo, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vào tháng 6 tại Bari (Italy) và Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington (Mỹ) vào tháng 7. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng dự kiến trao đổi về một loạt thách thức toàn cầu như cuộc chiến ở Gaza, các chủ đề kinh tế, không gian và hạt nhân, cũng như biến đổi khí hậu. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ chuyến thăm cấp nhà nước này "phản ánh mối quan hệ lâu dài và toàn diện giữa Mỹ và Pháp, đồng minh lâu đời nhất của chúng ta, được thành lập dựa trên các giá trị dân chủ chung, quan hệ kinh tế và hợp tác quốc phòng và an ninh".
Theo giới quan sát, các sự kiện nổi bật lần này tại Pháp sẽ mang lại cho cả Tổng thống Biden và người đồng cấp Pháp Macron cơ hội đánh bóng hình ảnh cá nhân với cử tri ở nước mình, trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống (tháng 11 tới) và cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) cũng bắt đầu trong tuần này. Chuyến công du châu Âu lần này của Tổng thống Biden diễn ra khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, ông đang gặp bất lợi trước đối thủ bên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Do vậy, đây là cơ hội để Tổng thống Biden nêu bật những khác biệt về chính sách với đối thủ, thể hiện cam kết vững chắc với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, đồng thời chứng minh với những cử tri còn hoài nghi rằng, ở tuổi 81, ông vẫn giữ được sức chịu đựng và sự nhạy bén để đàm phán với những người đồng cấp, mà phần lớn trẻ hơn ông rất nhiều.
Tuy vậy, chuyến đi cũng tiềm ẩn những rủi ro đối với Tổng thống Biden, chẳng khác nào "chơi dao hai lưỡi". Việc di chuyển bằng chuyên cơ Không lực Một trong chuyến công du nước ngoài góp phần tạo nên hình ảnh hấp dẫn của tổng tư lệnh một siêu cường trong mùa bầu cử. Nhưng với tuổi tác của ông Biden, các trợ lí lo ngại nguy cơ ông bị kiệt sức vì thay đổi múi giờ. Vẫn còn đó bài học từ trường hợp của Tổng thống George H.W Bush (Bush cha) trong chuyến thăm Nhật Bản năm 1992 - năm ông thất cử với hình ảnh ốm yếu trong bữa tiệc chiêu đãi của thủ tướng nước chủ nhà…
Với Tổng thống Macron, việc tổ chức sự kiện kỉ niệm D-Day cùng với các nhà lãnh đạo thế giới cũng như đón tiếp Tổng thống Biden lần đầu thăm cấp nhà nước tới Pháp cũng góp phần củng cố hình ảnh cá nhân ông. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp cử tri châu Âu đi bỏ phiếu bầu EP, được dự báo sẽ mang lại lợi ích lớn cho phe cực hữu ở Pháp…
Có thể nói, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu bước vào giai đoạn quyết liệt, chuyến đi Pháp của Tổng thống Biden được ví như một mũi tên trúng hai đích khi vừa củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vừa khẳng định hình ảnh của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và chắc chắn, được lòng các đồng minh truyền thống - một điểm nhấn về chính sách đối ngoại của ông chủ thứ 46 Nhà Trắng…