Một gợi mở cho bỏ thi tốt nghiệp
Trong mắt người già 13/08/2021 10:44
Là bằng đặc cách bởi chúng tôi chưa học xong chương trình lớp 10, năm cuối của hệ phổ thông 10 lớp để dự thi. Do nhập ngũ ngay sau Tết Nguyên đán, vào tháng 2 dương lịch nên chúng tôi còn thiếu chừng 2 tháng, song chương trình học chính khóa cũng gần hoàn thành. Tấm bằng đặc cách như một nguồn động viên tinh thần những người lính trước khi ra tiền tuyến đỡ nuối tiếc 10 năm mài dũa dưới mái trường và tự nhủ “đánh giặc xong sẽ về thi đại học sau”.
Thực tế sau năm 1975 rất nhiều người có tấm bằng đặc cách trở về đã dự thi và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp, tất nhiên đều phải ôn luyện lại thêm các môn trước kì thi.
Từ những năm trước, với kết quả thi tốt nghiệp hầu hết các trường trên cả nước đều đạt tỉ lệ trên 90%, thậm chí tiệm cận 100%, nhiều chuyên gia, kể cả trong ngành giáo dục đã đề xuất nên bỏ kì thi đầy tốn kém và hình thức này. Xét tuyển sẽ tiết kiệm cho xã hội một nguồn lực không nhỏ mà lại tránh được những rủi ro gian lận trong thi cử. Vấn đề chất lượng thực chất và số liệu trong học bạ sẽ được bảo đảm nếu nghiêm túc, minh bạch trong quá trình giảng dạy. Việc tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng nên xét tuyển dựa trên kết quả 3 năm học, trọng tâm là năm cuối đồng thời với đánh giá năng lực của học sinh. Nếu đầu ra đại học thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thực chất thì sẽ không phải quá lo cho đầu vào. Ít người dám mạo hiểm bước vào cổng trường đại học nếu biết rằng không dễ bước qua “cổng ra” trong khi đã tốn kém hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho những năm học tập.
Từ thực tiễn này, ngành giáo dục nên cầu thị, mạnh dạn nghiên cứu giải pháp tiến tới bãi bỏ kì thi tốt nghiệp THPT. Kì thi tốt nghiệp “2 trong 1” tuy là một bước cải tiến trong thi cử song thực chất vẫn rất tốn kém mà hiệu quả không được như mong đợi, điển hình là những vụ gian lận có tính tổ chức ở một số địa phương mấy năm qua.
Khẩu hiệu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo liên tục được nhắc tới trong nhiều năm, thế nhưng chỉ một khâu trong giáo dục là thi cử thì chưa đổi mới là bao, thậm chí áp lực ngày một gia tăng. Liệu ngành giáo dục có mạnh dạn đổi mới, tạo bước đột phá trong việc thi tuyển?