Mặn mòi làng muối Hải Lý
Xã hội 22/05/2023 09:46
Đậm vị chân quê
Chúng tôi tới thăm cánh đồng muối thôn Văn Lý, xã Hải Lý vào đợt nắng nóng đỉnh điểm của tháng 5 với cảm giác oi nồng và rất khó chịu. Thời tiết khắc nghiệt là vậy, song phụ nữ nơi đây vẫn cứ mải mê trải dài những cái bóng có “đường cong duyên hải” trên các ô “biển đọng”. Trông các bà, các mẹ, các chị nào cũng lạc quan, yêu đời và cần mẫn làm đủ mọi việc như đẩy xe cát, san ruộng, tát nước mặn, cào muối... Ruộng muối ở đây gọi là diêm điền, người làm muối gọi là diêm dân; đàn bà, con gái chốn này đã cho chúng tôi cái vế “diêm nữ”.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh và các phụ nữ thôn Văn Lý làm muối, thu hoạch muối tại ruộng. |
Quả thật, chỉ cần nhìn thoáng qua thôi cũng thấy ngay các “diêm nữ” ở đây đều có chung nét đậm vị chân quê muối mặn gừng cay, nụ cười lúc nào cũng “thường trực” dưới vành nón, làm cho họ rạng rỡ và chất phác hơn. Các cô phăng phăng kéo cái bồ cào dễ đến vài chục cân trên mặt ruộng muối. Nối theo những gót chân chai sạm ấy là vô số rãnh nhỏ cứ in dấu nhọc nhằn trên mặt ruộng đang vào độ chạt muối, nom chẳng khác nào... đường vẽ. Khi thì xoáy chôn ốc như vân tay người, rồi duỗi ra lượn sóng, có lúc thẳng tưng như sợi chỉ căng. Cởi chiếc khăn đang chùm kín cả khuôn mặt đỏ ới sướt mướt mồ hôi dưới vành nón, ông Nguyễn Văn Vĩnh tuy đã gần 80 tuổi mà vẫn tếu táo tự hào:
Đầu sóng, ngọn gió nên người dân làng muối quê tôi hay bị mang tiếng là “chém to kho mặn”. Ấy thế nhưng tụi con gái trẻ hôm nay lại may mắn vì không bị bố mẹ đặt cho những cái tên vô tội vạ và xấu xí kiểu xưa như con Hĩm, cái Lầm, con Muội, cái Tuất... đâu nhá! Thay vào đó là Lan, Huệ, Phương, Huyền... Cô nào cũng có nước da bánh mật với một vẻ đẹp “mặn mòi, giòn mẩy” còn trên cả vận động viên thể thao chứ bỡn... Chẳng vậy mà đứa cháu ngoại Nguyễn Thị Hương Xoan của tôi năm nay vừa mới bước sang tuổi 18 nhưng nhìn nó đã “đậm đà” hết chỗ chê.
Dấu ấn miền biển nơi đây còn hiện rõ mồn một ở các diêm nữ là dáng đi “bạt phong” hiên ngang với ngón chân cái nảy nở. Cô nào cô ấy cũng chắc nịch như cơm nắm. Cũng giống như bà Huệ vợ ông Vĩnh, như cháu Xoan, thời tiết khắc nghiệt cộng thêm sự vất vả quanh năm mướt mồ hôi với nước biển mặn để làm ra hạt muối trắng tinh đã đem lại cho hai chị em diêm nữ Trần Thị Phương Thuỳ, Trần Huyền Diệu ở thôn Xuân An một mái tóc dài lốm đốm màu nắng hạ, đôi má lúm đồng tiền với nụ cười tươi rói trên khuôn mặt tròn trịa. Chống cái bồ cào giữa ruộng muối non, Huyền Diệu hóm hỉnh nói vui: “Diêm dân quê tôi cả đời sẽ miễn dịch với ghẻ lở, hắc lào. Bởi vì ngay từ lúc còn trong trứng, mọi người đã được sát trùng rất kĩ rồi các anh ạ!”.
Vẻ đẹp đặc trưng
Mạnh khoẻ, đằm thắm, cộng với sự thuỷ chung son sắt và... yêu hết mình luôn là thứ trang sức vô giá tôn lên vẻ đẹp đặc trưng của những thiếu nữ làng muối Hải Lý. Các chị Đặng Phương Trinh, Nguyễn Thị Hằng Nga thú nhận với chúng tôi rằng: “Con gái đồng muối một khi đã nhận lời ngỏ của chàng trai nào là yêu rất mãnh liệt, chung tình nhưng cũng sẵn sàng “an bài” để gìn giữ bằng được tình yêu đó”. Khi chúng tôi đề cập đến chuyện ghen tuông thì cả hai chị đều đồng thanh: “Phụ nữ ven biển chẳng những “mặn”, mà còn “cay” nữa đấy. Chỉ có điều là không ghen vớ ghen vẩn thôi. Chị em thời nay tuy tư tưởng đã phần nào thực tế và rộng rãi hơn các cụ ngày xưa, nhưng truyền thống thuỷ chung son sắt thì muôn đời vẫn tuyệt đối phải giữ vững”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nghề làm muối nơi đây luôn phụ thuộc vào thời tiết, vậy mà giá cả muối lại rất bấp bênh. Tuy nhiên, hiếm có địa phương nào hoạt động sản xuất lại gắn bó chặt chẽ với từng con nước lên xuống, nắng mưa, độ đậm nhạt của biển và tình hình tiêu thụ muối như vùng quê này. Bởi thế, cuộc sống của các diêm nữ cũng dao động theo hiệu quả kinh tế từ nghề muối.
Trải qua hàng nghìn năm, họ đã kế thừa và làm phong phú thêm kĩ năng làm muối. Theo sử sách, huyện Hải Hậu được coi là chiếc nôi của nghề muối ở vùng ven biển Bắc Bộ. Sản phẩm muối làm ra đã và đang có mặt ở khắp nước ta, kể cả bên quốc gia “đông dân nhất hành tinh”, rồi nước bạn Lào và Campuchia... Những cánh đồng muối từng là điểm sáng kinh tế, lá cờ đầu trong phong trào hợp tác xã suốt cả thập kỉ 60-70 thế kỉ trước. Ngày nay, xã hội phát triển nên nhiều nghề mới như may mặc, giày da... đang hối thúc chị em phụ nữ ở không ít làng xã thuộc huyện ven biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định khăn gói tiến lên Hà Nội và vào TP Hồ Chí Minh... Thế nhưng đại đa số diêm nữ xã Hải Lý vẫn “trọn nghĩa vẹn tình” với đồng đất quê hương để làm giàu từ những hạt muối đặm đà sắc chất.
Chị Đặng Thị Thu Thảo hài hước: “Muối hiện nay có giá 1.500 đồng/kg. Thế nhưng trai tráng nơi khác mà lấy được con gái quê tôi thì đồng nghĩa với cầm chắc một vé đi lao động xuất khẩu ở bên Hàn Quốc. Bởi theo như “cái lệ tự phát” từ bao đời nay trong làng, các cô gái khi đến tuổi kén chồng đều được bố mẹ đẻ cắt cho 8 ô ruộng muối tương đương 1 sào để làm của hồi môn. Sào ruộng bây giờ bán cũng được gần 400 triệu đồng cơ đấy. Lí do đất ven biển còn đắt hơn cả tôm hùm tươi là vì nhiều “sếp” và không ít người “có điều kiện” ở thành phố, thị xã... lắm của nhiều tiền thuê “cò” địa phương đến hỏi “nhượng” nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhưng cũng may, hầu như chị em đều nói không với bán ruộng. Ngay như cô con gái đầu lòng của vợ chồng tôi sang năm tốt nghiệp Đại học Nông Lâm, vậy mà nó chẳng màng đến chuyện sau này về làm công chức, công tước gì cả. Bởi phần một sào ruộng muối ở vị trí “đắc địa” và nghề nuôi trồng thuỷ sản đã trói chặt lời thề non, hẹn biển giữa nó với chàng trai làng bên mất rồi, khỏi phải tính nhiều”.
Tạm biệt đồng muối Hải Hậu khi cái nắng nóng mùa Hạ đã bắt đầu nhường lại bầu trời cho cơn giông từ ngoài khơi xa đang ùn ùn kéo đến. Tuy vội vã ra về, nhưng chúng tôi vẫn còn kịp ghi vào bộ nhớ của mình câu thơ mà các diêm nữ nơi đây “buông” giữa những “ô biển đọng” trên mặt đất: Tay bưng đấu muối chấm gừng/ Gừng cay muối mặn ta đừng quên nhau”.