Mai, Đào và... thích!
Trong mắt người già 19/03/2024 14:53
Điểm nhấn (thành công) lớn nhất của “Mai” chính là câu chuyện xoay quanh người mẹ đơn thân làm nghề massage - nghề mà xã hội có phần e ngại.
Còn “Đào, Phở và Piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn là một “lát cắt” về cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của người Hà Nội (từ 19/12/1946 đến 17/2/1947). Họ là những người lao động, văn nghệ sĩ, thợ thủ công, người buôn bán, chú bé đánh giày chống lại đội quân thiện chiến được trang bị vũ khí hiện đại.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn không nói về lòng dũng cảm mà nói về “chất” Hà Nội, tình yêu Hà Nội của người Hà Nội.
Hình ảnh cô tiểu thư, ông họa sĩ già, vị cha xứ, cậu bé đánh giày, người bán phở, ông Tây học... có xuất thân, tính cách khác nhau, hành xử cũng khác nhau nhưng đều giống nhau ở cốt cách Hà Nội.
Nói “lát cắt” bởi phim nhấn về ngày cuối cùng trong 60 ngày đêm kìm chân quân địch để Trung ương Đảng, Bác Hồ rút lên chiến khu Việt Bắc trước khi cả nước bước vào cuộc trường kì kháng chiến. Đặc biệt, trong cái ngày cuối cùng 17/2/1947, phẩm chất người Hà Nội được thể hiện nổi bật và rất cảm động. Những người ở lại đều tranh thủ thời gian thể hiện tình yêu của mình cho Hà Nội - mảnh đất mà họ gắn bó như máu thịt, mặc dù họ có thể ngã xuống bất cứ lúc nào.
Đối với phim “Mai”, tuy làm phim “tay ngang” nhưng vốn thông minh, Trấn Thành thu lượm được những chất liệu đắt của cuộc sống rồi đưa vào phim. “Mai” của anh tuy chưa phải có chiều sâu chất lượng nhưng lại được rất nhiều người, đặc biệt lớp trẻ yêu thích. Những chi tiết thể hiện tâm lí tình cảm, những câu thoại ấn tượng trong phim “Mai” cuốn hút người xem suốt gần 120 phút.
Lại nói về Hà Nội linh thiêng và hào hoa. Mảnh đất này chứa đựng lớp lớp kí ức về lịch sử. Từng con phố, mái nhà, gốc cây của Hà Nội đều lắng hồn sông núi. Trong chiến tranh ác liệt như thế mà người Hà Nội vẫn lao động, yêu nhau, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” là thứ người xem cảm nhận rõ nhất trong “Đào, Phở và Piano”.
Người xem ngày nay có nhận thức khác và tính giải trí cũng khác so với những thế hệ trước. Thứ mà lớp trẻ bây giờ thích thú không phải cái gì đó cao siêu kiểu “anh hùng hảo hán” mà là câu chuyện giản dị nhưng phải mới lạ, độc đáo. Về diễn xuất, họ thích cách suy nghĩ, hành động mang chiều sâu của nhân vật... Điều đó giải thích vì sao “Mai”; “Đào, Phở và Piano” sốt tại các rạp chiếu phim trên cả nước.
Xét cho cùng, yếu tố hàng đầu, quyết định cho thành công của một bộ phim, kéo được nhiều người tới rạp vẫn không ngoài câu chuyện hay- cái mà chúng ta thường gọi là kịch bản văn học.