Lối thoát cho khủng hoảng nông nghiệp ở châu Âu
Quốc tế 27/02/2024 14:12
Có thể thấy, từ vài năm trở lại đây, nền nông nghiệp châu Âu đang chứng kiến sự tuột dốc. Sự suy thoái thể hiện rõ ở chỗ nông nghiệp đã bị các lĩnh vực khác đẩy sang bên lề, giống như nền kinh tế châu Âu đã bị các đối thủ địa chính trị khác vượt mặt. Tỉ trọng của EU trong GDP toàn cầu đã giảm hơn 30% kể từ năm 1995; tỉ trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế cũng giảm theo tỉ lệ tương tự.
Sản xuất lương thực, thực phẩm năm ngoái chỉ chiếm 1,4% GDP của EU, ít hơn cả doanh thu từ dịch vụ kho bãi và vận chuyển các gói hàng của Amazon. Giống như châu Âu nói chung, một lục địa không có những "gã khổng lồ" công nghệ, nền nông nghiệp châu Âu đã không thích ứng được với thời đại. Thống trị lĩnh vực này vẫn là các trang trại gia đình duy trì phương thức sản xuất truyền thống. Gần 2/3 số trang trại có diện tích dưới 5 ha. Nhân lực đang cạn kiệt và 30% số chủ trang trại đã trên 65 tuổi.
Nông dân Pháp phong tỏa một tuyến cao tốc ở Longvilliers, gần Paris ngày 29-1-2024. |
Dịch bệnh, chiến tranh, rồi biến đổi khí hậu và cả những hiệp định thương mại tự do (FTA) đang khiến nông nghiệp châu Âu chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn đến vậy. Đó là chưa kể quá trình toàn cầu hóa thương mại với sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác. Trong khi đó, như giọt nước tràn li, các quy tắc xanh do EU ban hành nhằm hiện thực hóa mục tiêu khí hậu và môi trường lại đòi hỏi nông dân phải đáp ứng những tiêu chuẩn quá cao…
Làn sóng phản đối của những người nông dân ít nhất đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Chính quyền cũng đã có một số biện pháp. Kế hoạch tăng thuế đối với nhiên liệu do nông dân sử dụng đã bị đình chỉ ở Pháp và trì hoãn ở Đức. Một thỏa thuận thương mại giữa EU và Nam Mỹ sau hai thập niên đàm phán đã tạm bị đình chỉ. Những nhượng bộ đối với Ukraine, vốn khiến nông dân ở các nước láng giềng như Ba Lan và Romania đặc biệt tức giận, đã được điều chỉnh.
Ủy ban châu Âu (EC) đã rút lại đề xuất về mục tiêu giảm sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp vào năm 2030. Trong thông báo về các mục tiêu khí hậu đến năm 2040, EC tránh xác định mục tiêu cụ thể cho nông nghiệp; cũng xem xét lại một trong những quy định bị chỉ trích nhiều nhất, là việc áp đặt nghĩa vụ bỏ hoang 4% diện tích đất của mỗi người để khuyến khích phát triển đa dạng sinh học, theo hướng đề xuất miễn trừ, cho phép nông dân trồng các loại cây trồng có tác động môi trường thấp hơn trên phần đất lẽ ra vẫn chưa được canh tác. Tuy nhiên, có vẻ những nhượng bộ như vậy chưa giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nông nghiệp ở EU.
Làn sóng biểu tình của nông dân lan rộng cho thấy thách thức của EU trong việc cân bằng giữa nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng về khí hậu, môi trường và bảo đảm lợi ích của nông dân. Những người nông dân tuyên bố muốn lấy lại hình ảnh một nền nông nghiệp vốn có truyền thống được coi trọng từ nhiều đời nay. Về phía EC, tháo gỡ những vướng mắc của nông dân cũng là chủ đề chính của Hội nghị bộ trưởng Nông nghiệp và Nghề cá EU ngày 26/2 tại Brussels. Có lẽ, để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay, các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và người nông dân châu Âu đều cần xác định được vai trò, vị thế và cả trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu…