Lễ trao Giải thưởng Báo chí quốc gia lần thứ XVII - năm 2022
Sự kiện 22/06/2023 10:43
Phát biểu khai mạc Giải báo chí quốc gia lần thứ XVII – năm 2022, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khẳng định các thế hệ nhà báo cách mạng xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, như chính lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người làm báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao vai trò và sự đóng góp to lớn của báo chí trong gần một thế kỷ qua. Thành tựu của nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày hôm nay được xây dựng bằng trí tuệ, công sức và cả xương máu của biết bao thế hệ các nhà báo trong gần một thế kỷ”.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải. |
Giải Báo chí Quốc gia hàng năm là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất hàng năm, theo Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải Báo chí quốc gia và Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 22/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng giải báo chí Quốc gia.
Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII – năm 2022 nhận được sự tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của 18 Liên chi hội và 35 chi hội trực thuộc. Số tác phẩm không phải là hội viên Hội NB là 169 tác phẩm. Điều đó cho thấy sức hút mạnh mẽ của giải và sự quan tâm đặc biệt của công chúng, của các cấp Hội Nhà báo trong cả nước. Năm nay, số lượng tác phẩm về dự giải là 1.894 tác phẩm, trong đó có 1.774 tác phẩm đủ điều kiện dự vòng chung khảo. Hội đồng chấm Giải đã lựa chọn được 157 tác phẩm vào vòng chung khảo. Hội đồng Giải báo chí quốc gia đã lựa chọn được: 8 giải A, 24 giải B, 46 giải C và 45 giải khuyến khích để trao tại Lễ Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVII-2022.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho các tác giả đoạt giải A |
Các tác phẩm dự giải Báo chí năm 2022 đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và các mặt khác của đời sống xã hội của đất nước. Phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của đất nước như: Nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch COVID – 19. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Các vấn đề kinh tế nổi bật như: Thị trường chứng khoán, khủng hoảng thị trường bất động sản; lỗ hổng trong quản lí kinh doanh xăng dầu; Các đề tài về văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; các vấn đề xã hội nóng như: nạn ma tuý học đường; nạn buôn bán người, lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, buôn người sang Campuchia; tình trạng buôn bán phôi trứng, đẻ thuê ngầm v.v… Các vấn đề về bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tinh thần đại đoàn kết dân tộc; công cuộc chuyển đổi số trên các lĩnh vực của đời sống xã hội…
Hầu hết các tác phẩm dự Giải năm nay có chất lượng tốt, bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng trong năm 2022… Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, nội dung có tính phát hiện vấn đề mới, có bố cục chặt chẽ, cách thức thể hiện gần gũi, sinh động, hấp dẫn người đọc; đề xuất nhiều biện pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan toả, ảnh hưởng trong xã hội.
Trao giải B |
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, trải qua chặng đường lịch sử 98 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng và Nhà nước tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Đội ngũ những người làm báo hôm nay ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực nghề nghiệp, đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, phát huy vai trò xung kích của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá, không quản khó khăn, gian khổ tự giác dấn thân, xông pha có mặt tại các tâm điểm của đời sống xã hội, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng đồng thuận xã hội.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Đội ngũ những người làm báo đã để lại nhiều dấu ấn, nhanh nhạy hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, sắc bén hơn trong bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số… Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: “Tôi đánh giá cao các tác phẩm đoạt giải năm nay đã tiếp tục khẳng định tính cách mạng, tính khoa học, sự nhạy bén và sự dấn thân không mệt mỏi của các nhà báo, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Nhiều tác phẩm mang tính phát hiện, tính chiến đấu cao, sắc bén, phản biện mang tính khoa học”.
Chủ tịch nước đề nghị cơ quan báo chí và những người làm báo phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân với bạn đọc về sứ mệnh mà mình gánh vác. Người làm báo phải luôn nhận thức sâu sắc, làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng.
Các tác phẩm đoạt giải A gồm "Yêu cầu mới về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ" của Báo Nhân Dân; "Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp uỷ làm căn cứ để đánh giá và rà soát sàng lọc cán bộ" của Tạp chí Cộng sản; "Ngày gặp lại" của Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh; "Bẫy" của Đài Truyền hình Việt Nam; "Vượt qua cơn binh lửa" của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Bùi Nguyễn Quang Dũng, Vũ Hải Đăng - Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam; "Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương" của nhóm tác giả Bùi Thị Thu Hương (Lan Hương), Bùi Thị Thùy Linh (Thuỳ Linh), Nguyễn Thị Thanh Trang (Thanh Trang), Tạ Thị Ngoãn (Tạ Ngoãn), Nguyễn Thị Thanh Tú (Thanh Tú) - Trung tâm truyền thông Quảng Ninh, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh; "Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế" của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng (Hùng Võ), Phạm Thanh Trà (Thanh Trà), Nguyễn Hoài Nam (Hoài Nam), Hoàng Tiến Đạt (Hoàng Đạt) Báo điện tử VietnamPlus và "Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường" của nhóm tác giả Lê Đức Dục, Nguyễn Đức Bình (Đức Bình), Nguyễn Ngọc Quang (Ngọc Quang) báo Tuổi trẻ TP.Hồ Chí Minh. |