Lê Hồng Phong - Người Cộng sản kiên trung
Nghiên cứu - Trao đổi 07/09/2022 17:04
Không chịu được cảnh thực dân Pháp bóc lột, chà đạp nhân cách người Việt, đồng chí vận động anh em bãi công đòi tăng lương, chống đánh đập. Bọn chủ nhận ra tính cách chống “chế độ bảo hộ” của tốp thợ trẻ có học này và đuổi Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái ra khỏi nhà máy.
Năm 1923, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái bí mật sang Thái Lan, rồi tới Quảng Châu, Trung Quốc, tìm đường làm cách mạng. Cuối năm 1924, đồng chí được dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, được trang bị lí luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Tiếp đó, Lê Hồng Phong trở thành học viên sĩ quan Trường Quân sự Hoàng Phố (1924-1926), tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc; rồi được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cử sang Liên Xô (cũ) học trường lí luận quân sự tại Leningrat (1927); và chuyển sang học trường Đào tạo không quân chiến đấu, trở thành Trung tá không quân Liên Xô (cũ)
Đồng chí Lê Hồng Phong |
Lê Hồng Phong tiếp tục được vào học Trường Đại học Cộng sản Phương Đông (1928-1931). Tuy điểm xuất phát chỉ học hết bậc sơ học yếu lược nhưng đi theo cách mạng, đồng chí nhận thức: Không có lí luận và tri thức thì không thể có phong trào cách mạng thật sự. Vì vậy, chỉ trong khoảng 6 năm, Lê Hồng Phong đã học ở 6 trường lớp khác nhau; biết 4 ngoại ngữ: Pháp, Trung Quốc, Nga, Thái Lan.
Đồng chí trở thành nhà lí luận xuất sắc của Đảng; viết những bài chính luận đăng trên Tập san Quốc tế Cộng sản, báo Dân Chúng. Đó là các bài: “Liên bang Xô Viết ngày nay”, “Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Đông Dương”, “Tình hình kinh tế chính trị ở Đông Dương”, “Vai trò của giai cấp vô sản ở Đông Dương”, “Vấn đề phòng thủ ở Đông Dương” v.v…
Tháng 5/1931, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, Lê Hồng Phong nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, về nước đảm trách nhiệm vụ nặng nề, bắt liên lạc với các cơ sở Đảng, đồng thời đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở trong quần chúng; từ đó khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Đông Dương.
Bản kế hoạch “Chương trình hoạt động của Đảng”, do đồng chí tham gia soạn thảo đã phân tích và đề cập đến nhiều vấn đề lí luận, thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Chương trình hành động nhận định rằng: “Chỉ có tranh đấu dưới ngọn cờ của Đảng thì Nhân dân lao động mới có thể tiến hành cuộc cách mạng thành công”.
Chương trình hành động của Đảng như một luồng gió mới tiếp sức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng giữ được niềm tin vững chắc vào tiền đồ cách mạng; đẩy lùi tư tưởng cầu an, hoang mang dao động; tạo điều kiện cho việc khôi phục nhanh chóng hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng.
Vậy là, chỉ sau một thời gian ngắn, nhận nhiệm vụ trở về nước, mặc dù, mạng lưới mật thám lùng sục gắt gao, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn kiên trì tìm cách liên lạc được với tổ chức Đảng trong nước. Từ đó, tổ chức đào tạo cán bộ, bổ sung cho số đồng chí bị địch sát hại trong thời kì khủng bố trắng. Các tổ chức Đảng hải ngoại như ở Lào, Thái Lan, cũng được củng cố; góp phần đưa phong trào cách mạng trong nước phát triển lên một bước mới.
Những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần quan trọng đưa Đảng ta trở lại vai trò lãnh đạo cách mạng; hệ thống tổ chức của Đảng từ cơ sở tới Trung ương được khôi phục, tạo tiền đề cho sự phát triển cao trào cách mạng trong cả nước ở giai đoạn sau. Tháng 3/1935, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí có nhiều cống hiến to lớn trong việc lãnh đạo tổ chức và xây dựng đường lối chính trị của Đảng, phù hợp với tình hình ở thế giới và trong nước; trên cơ sở vận dụng nghị quyết Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản.
Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Biết đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng, bọn mật thám dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, dụ dỗ, lừa phỉnh nhưng không thể lay chuyển được tinh thần, ý chí của người Cộng sản kiên trung. Không đủ chứng cứ buộc tội, tòa án thực dân Pháp đành kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc ở quê, Nghệ An.
Mặc dù bị quản thúc, Lê Hồng Phong vẫn viết báo, bí mật gửi cho các báo của Đảng. Chính vì thế, thực dân Pháp rất sợ người lãnh tụ Cộng sản mà chúng gọi là “tên phiến loạn nguy hiểm”. Nên trong thời gian quản thúc, bọn mật thám vẫn ra Nghệ An bắt Lê Hồng Phong áp giải vào giam tại Sài Gòn. Trong gần một năm bị tra tấn, chúng tìm mọi cách khép đồng chí vào tội tử hình, song không đủ chứng cứ. Mặc dù vậy, thực dân Pháp vẫn buộc tội Lê Hồng Phong “chịu trách nhiệm tinh thần” về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ kết án 5 năm tù giam, 10 năm quản thúc và đày ra Côn Đảo.
Chúng mượn nhà tù nhằm giết dần, giết mòn Lê Hồng Phong. Ra đảo chưa đầy 4 tháng, ngày 26/8/1941, bạn tù nhắn tin: Người vợ, người đồng chí thân yêu của đồng chí, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai đã bị kẻ thù xử bắn tại Hóc Môn cùng các anh Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu.
Những ngày ở Côn Đảo, Lê Hồng Phong bị biệt giam tại xà lim số 19, rồi số 5, banh 2, thuộc trại giam tù chính trị Phú Hải. Tên chúa đảo tàn ác Brulônê nhận lệnh “loại bỏ” Lê Hồng Phong càng sớm, càng tốt.
Tại xà lim số 5, không gian chật hẹp, u ám, không ánh sáng. Chưa đầy một năm ra đảo, đồng chí chịu đủ cực hình tra tấn; bữa ăn là bát cơm hẩm, bốc mùi với vài con cá mắm. Khi ăn chân vẫn bị cùm; cả khi đại tiểu tiện. Có lần, Lê Hồng Phong vừa bưng bát cơm lên ăn thì bọn cai ngục xông vào đánh túi bụi. Bát cơm nhuộm đỏ máu từ đầu, mặt chảy xuống. Đồng chí vẫn thản nhiên ngồi ăn “bát cơm chan máu”. Hằng ngày, liên tục bị cùm kẹp, không được tắm và sưởi nắng, sức khỏe Lê Hồng Phong bị suy kiệt vào cuối tháng 5/1942.
Biết không thể sống được, đồng chí nhờ người tù thường phạm chuyển lời nhắn cuối cùng tới các bạn tù chính trị ở trại Phú Hải: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Lê Hồng Phong đã vĩnh biệt anh em, đồng chí vào trưa 6/9/1942 mới 40 tuổi đời, trong đó 20 năm liên tục hoạt động cống hiến cho Đảng, cho cách mạng. Đối với cha mẹ, đồng chí là người con hiếu thảo. Đối với quê hương, Lê Hồng Phong suốt đời ơn sâu nghĩa nặng nơi chôn nhau, cắt rốn. Với đồng chí, bạn bè, luôn có tình thương yêu, chí cốt. Lê Hồng Phong hết lòng chung thủy, giữ vẹn đạo phu thê với người vợ thương yêu.
Đồng chí là chiến sĩ cộng sản tiêu biểu cho chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam. Hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của Lê Hồng Phong mãi mãi khắc ghi trong trái tim, tâm hồn các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.