Lang băm
Trong mắt người già 22/08/2019 10:31
Lang băm vốn là chuyện tồn tại thời phong kiến, khi đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu. Ngày nay với quy định nghiêm ngặt của luật pháp tưởng rằng không còn đất sống của lang băm, vậy mà đây đó không ít người vẫn dính bẫy những kẻ bất lương khoác áo lương y!
Mấy năm trước xuất hiện một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân của bác sĩ Trung Quốc trên đường Giải Phóng (Hà Nội) bị báo chí phanh phui chiêu chữa bệnh lường gạt moi tiền bệnh nhân. Một số người đến đây điều trị bệnh thông thường như viêm đường tiết niệu, cắt bao quy đầu, giang mai… vì tâm lí ngại đến bệnh viện lớn, chọn bệnh viện tư cho “an toàn”. Thế rồi họ rơi vào ma trận làm tiền của một số kẻ lừa đảo mang danh bác sĩ.
“Quy trình” moi tiền là: Bệnh tuy bình thường nhưng qua khám, xét nghiệm đủ thứ sẽ phát hiện là “rất nghiêm trọng”, không thể không điều trị ngay; tiếp theo là bước điều trị, hầu hết được chỉ định tiểu phẫu (để người bệnh luôn tỉnh táo có thể nghe những tham vấn tiếp theo); trong khi tiểu phẫu sẽ “phát hiện thêm” vấn đề cần phải xử lí và yêu cầu bệnh nhân nộp thêm tiền, nếu không có thể chịu hậu quả nghiêm trọng về sau, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng! Với cái bẫy như vậy, rất ít bệnh nhân thoát khỏi và đành chấp nhận móc tiền cho những chi phí “phát sinh” tăng gấp nhiều lần so với giá thỏa thuận ban đầu.
Những tưởng chiêu trò trên được công khai, ai cũng biết nhưng không hiểu sao gần đây tiếp tục được một số lang băm “diễn lại” tại TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người “sập bẫy”. Một vài cái tên được nhắc đến như Phòng khám đa khoa Thăng Long ở Phường 13 và Phòng khám đa khoa Baylor ở Phường 15 (Quận 10); Phòng khám Đại Đông, quận Tân Bình; Phòng khám đa khoa Khang Thái, Quận 10… Ngoài điểm chung của các phòng khám trên là dùng “bẫy” vừa phẫu thuật, vừa “mặc cả” để thu tiền, các phòng khám này đều có xuất xứ bác sĩ… Trung Quốc!
Đó là câu chuyện ngành y.
Trong nền kinh tế cũng có những trường hợp giống cái bẫy “vừa phẫu thuật vừa vòi tiền” như trên. Chẳng hạn, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dù chỉ còn 1% khối lượng song không thể biết bao giờ hoàn thành trong khi nợ phải trả hơn 1 tỉ đồng mỗi ngày; đó là dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, đã thanh toán cho tổng thầu trên 92% giá trị hợp đồng nhưng các hạng mục đều dở dang, đang ngưng trệ chờ… phá sản; đó là Nhà máy Đạm Ninh Bình “bùng nhùng” mãi mới đi vào hoạt động mấy năm nay, thay vì mang về lợi nhuận thì càng sản xuất lại càng lỗ, mỗi năm “nướng” gần nghìn tỉ đồng, v.v.
Những dự án kinh tế trên (và còn không ít dự án khác) như bệnh nhân nằm trên bàn “phẫu thuật” đang bị “lang băm kinh tế” đòi rót thêm tiền. Các dự án này cũng có một điểm chung là vay vốn hoặc của nhà thầu… Trung Quốc!
Lang băm ngành y có thể gây thiệt hại cho một số người nhẹ dạ, mất cảnh giác.
“Lang băm kinh tế” sẽ là mối nguy cho nền kinh tế đất nước!